Doanh thu vượt mốc 1 tỷ USD, Thành Thành Công (SBT) muốn niêm yết thêm công ty con
Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã cổ phiếu SBT) vừa trình cổ đông xem xét kế hoạch phát hành thêm 148 triệu cổ phiếu và chiến lược niêm yết công ty con hoặc công ty liên kết.
Phát hành thêm hơn 148 triệu cổ phiếu và niêm yết công ty con
Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã cổ phiếu SBT - sàn HoSE) vừa có thông báo về việc xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành thêm 148,1 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Lượng phát hành thêm này tương ứng với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu SBT sẽ có quyền mua 20 cổ phiếu SBT mới với mức giá ưu đãi.
Đợt chào bán này dự kiến sẽ được thực hiện trước ngày 31/12/2024, ngay sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu đợt chào bán diễn ra thành công, vốn điều lệ của Thành Thành Công sẽ tăng lên mức 8.886 tỷ đồng.
Thành Thành Công kỳ vọng sẽ thu về được tối đa 1.777 tỷ đồng từ đợt chào bán này và toàn bộ số tiền thu được sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 3/10, cổ phiếu SBT đạt 14.050 đồng/cổ phiếu. Tạm so với mức giá này thì giá chào bán cho cổ đông trong đợt phát hành tới đây đang thấp hơn khoảng 14,5%.
Bên cạnh kế hoạch chào bán cổ phiếu để tăng vốn, HĐQT Thành Thành Công còn trình cổ đông xem xét chiến lược cổ phần hóa và niêm yết/tái niêm yết công ty con/công ty liên kết. Động thái này nhằm đẩy mạnh định vị thương hiệu TTC AgriS trên phạm vi toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán niên độ 2022/2023 cho thấy, tính đến ngày 30/6/2023, Thành Thành Công đang có 18 công ty con trực tiếp, 12 công ty con gián tiếp và 4 công ty liên kết. Các đơn vị này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng mía, sản xuất và kinh doanh đường, sản xuất điện,…
Doanh thu vượt ngưỡng 1 tỷ USD nhưng lãi ròng giảm mạnh
Thành Thành Công hiện đang giữ vị thế dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam khi chiếm khoảng 46% thị phần đường nội địa, tổng sản lượng đường tiêu thụ trong và ngoài nước đạt trên 1 triệu tấn/năm. Số lượng các dòng sản phẩm mà công ty cung cấp cũng đa dạng hàng đầu thị trường nội địa, bao gồm các sản phẩm đường, cạnh đường và sau đường.
Đáng chú ý, Thành Thành Công đang sở hữu quỹ đất nông nghiệp lên tới 68.000 ha tại 4 quốc gia, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Australia; giúp tự chủ được 52% nhu cầu nguyên liệu còn lại 48% được công ty hợp tác với người nông dân. Thị trường tiêu thụ chính của Thành Thành Công là nội địa, chiếm 80% tổng sản lượng tiêu thụ; trong đó, thông qua kênh B2B là 35%, còn lại là bán lẻ (45%). 20% tổng sản lượng tiêu thụ còn lại được công ty xuất khẩu sang hơn 29 quốc gia trên thế giới.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, Thành Thành Công đang sở hữu lợi thế thương hiệu mạnh, sản phẩm thâm nhập vào hầu hết các kênh phân phối hiện đại, và mạng lưới bán lẻ B2C vượt trội so với các doanh nghiệp ngành đường khác.
Xem thêm: "Giá đường thế giới tiếp tục tăng, lãi ròng của Đường Quảng Ngãi (QNS) có thể tăng 50%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Theo chia sẻ của Thành Thành Công, tính đến cuối năm 2022, công ty đã có 142 đối tác là nhà phân phối và đại lý cùng, có mặt tại 7.400 siêu thị và cửa hàng tiện lợi cùng với 75.000 điểm bán hàng bao phủ trên cả nước.
Thương hiệu, kênh phân phối mạnh, cùng với giá đường tăng trở lại đã giúp doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 24.700 tỷ đồng (vượt mốc 1 tỷ USD, 90% doanh thu đến từ mảng đường) trong niên độ tài chính 2022/2023 vừa qua (kết thúc vào ngày 30/6/2023), tăng mạnh 35% so với niên độ 2021/2022.
Mức doanh thu này cũng vượt khá xa doanh nghiệp thứ 2 trong ngành đường đang niêm yết là Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn UPCoM) với doanh thu năm 2022 là trên 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng của Thành Thành Công trong niên độ 2022/2023 chỉ đạt 610 tỷ đồng, giảm 30% so với niên độ trước; nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay tăng mạnh.