Độc chiêu giúp các hoàng đế Trung Quốc chọn mỹ nhân để thị tẩm mỗi đêm
Hậu cung có hàng trăm, hàng nghìn phi tần nên mỗi khi đêm đến, việc lựa chọn phi tần nào thị tẩm là một vấn đề khá hóc búa với các hoàng đế. Để giải quyết vấn đề này, một số hoàng đế đã nghĩ ra những 'độc chiêu' khiếu hậu thế ngỡ ngàng.
Phương pháp xem dê chọn phi tần thị tẩm
Tấn Vũ Đế tên thật là Tư Mã Viêm được biết đến có hậu cung hơn 10.000 mỹ nữ. Cũng vì quá nhiều phi tần nên Viêm cảm thấy cực kỳ đau khổ vì mỗi khi đêm xuống không biết chọn mỹ nhân nào để sủng hạnh.
Phương pháp chọn phi tần thị tẩm các các hoàng đế
Tuy nhiên, không hổ danh là ông vua tài trí chấm dứt thời Tam Quốc loạn lạc hơn trăm năm. Tư Mã Viêm đã nghĩ ra một phương pháp mang tên “Dương xe vọng hạnh” để chọn người thị tẩm: Vua Vũ Đế sẽ ngồi lên chiếc xe rồi cho dê tùy ý chạy trong hậu cung. Chiếc xe dê dừng lại ở đâu thì phi tần sống ở cung đó sẽ được chọn để… thị tẩm đêm đó.
Theo lý thuyết, cách lựa chọn ngẫu nhiên của Tấn Vũ Đế được xem là hết sức công bằng. Thế nhưng các phi tần chốn thâm cung lại ngấm ngầm dùng trăm phương ngàn kế để thu hút xe dê của Hoàng đế. Họ nghĩ ra cách trồng trúc – món khoái khẩu của dê và rắc nước muối trước cửa cung để dụ dê của vua chạy đến. Nhờ vậy, những phi tần này thường xuyên được ân ái cùng Vũ Đế và được vua Tấn sủng ái hết mực.
Đánh bạc chọn mỹ nhân
Người phát minh ra phương pháp “đánh bạc cho mỹ nhân” này không ai khác chính là Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Đường Huyền Tông vốn nổi tiếng là ông vua phong lưu trong lịch sử Trung Quốc. Tương truyền rằng rằng, vào những năm Khai Nguyên, Thiên Bảo, mỹ nhân trong hậu cung của Đường Huyền Tông rất đông, có tới hàng nghìn người. Vì thế, việc sắp xếp để các phi tần đều có cơ hội hầu hạ vua là việc vô cùng đau đầu, hóc búa.
Để giảm bớt sức ép cho bản thân và tìm công việc cho mỹ nữ, Đường Huyền Tông đã nghĩ ra một cách vô cùng đơn giản để chọn mỹ nhân thị tẩm nhờ các công cụ dùng để đánh bạc là tiền và xúc xắc. Ông cho tập hợp tất cả các phi tần, cung nữ lại rồi cho họ chơi bạc với nhau. Người nào thắng sẽ được vua thị tẩm vào đêm đó.
Phương pháp bắt đom đóm và xạ hương
Không hổ danh là hoàng đế phong lưu nhất lịch sử, ngoài phương pháp đánh bạc, Đương Huyền Tông còn không ngừng sáng tạo ra những phương pháp mới như phương pháp dùng bướm, dùng đom đóm hay dùng xạ hương để chọn người thị tẩm.
Vào mùa xuân và mùa thu, Huyền Tông ra lệnh cho các phi tần trong hậu cung trồng hoa trước cửa. Sau đó, vua sẽ thả một con bướm và theo dõi nó. Con bướm này đậu ở trước cửa cung của phi tần nào thì đêm đó, vua Đường sẽ ở lại với phi tần đó. Phương pháp này gọi là “điệp hạnh” (bắt bướm).
Còn vào mùa hè, vua Huyền Tông lại ra lệnh cho các phi tần thi nhau bắt đom đóm bay trong cung. Người nào bắt được đom đóm đầu tiên mang về cho vua Đường sẽ là người được sủng hạnh đêm đó. Phương pháp này gọi là “huỳnh hạnh” (bắt đom đóm).
Phương pháp dùng xạ hương là phương pháp mà Huyền Tông sẽ bắn một túi xạ hương về phía các phi tần, phi tần nào bị trúng xạ hương thì sẽ được thị tẩm đêm đó.
Tuy nhiên, cũng vì số lượng phi tần được sủng hạnh quá nhiều, Đường Huyền Tông không nhớ nổi tên và dung mạo của họ. Vì thế, ông vua phong lưu lại sáng tạo thêm phương pháp “đánh dấu phi tần” bằng cách đóng một dấu lên vai của các phi tần đã được sủng hạnh, sau đó bôi một lớp chất đặc biệt lên trên khiến dấu này không thể rửa được.
Ngoài những phương pháp chọn mỹ nhân thị tẩm như trên, vào thời nhà Minh, các hoàng đế có quy tắc “đèn lồng đỏ treo cao”. Theo đó, vào ban đêm, các phi tần đều treo 2 đèn lồng đỏ trước cửa cung. Vua chọn ai thị tẩm đêm đó thì sẽ thổi tắt 2 đèn lồng này. Sau đó, thái giám sẽ đến thông báo với các phi tần khác rằng, vua đã chọn được nơi nghỉ ngơi. Khi đó, các phi tần không được chọn mới tắt đèn lồng đi ngủ.
Tới thời nhà Thanh, quy định quản lý hậu cung đã trở nên càng lúc càng nghiêm ngặt. Số lượng phi tử của nhà vua ít nhiều cũng được giới hạn. Vào giai đoạn này, phương pháp chủ yếu để lựa chọn người thị tẩm là cách lật bảng.
Thế nhưng dù sử dụng cách chọn lựa nào, thì những cuộc chiến chốn thâm cung ở mỗi thời cũng chưa bao giờ bớt đi sự khốc liệt.