Dwarka ở Ấn Độ là một trong những thành phố chìm dưới nước nổi tiếng nhất hành tinh. Theo các chuyên gia, thành phố cổ xưa này được xây dựng từ 9.000 - 12.000 năm trước.
Một số giai thoại dân gian kể rằng, thành phố Dwarka là quê hương của Krishna - vị thần trong đạo Hindu hiện thân cho tình thương. Nơi đây từng vô cùng thịnh vượng với nhiều công trình đồ sộ. Thế nhưng, đến nay, các chuyên gia chưa thể giải mã vì sao thành phố này chìm xuống dưới nước.
Ngày nay, thành phố Dwarka chỉ còn những tàn tích như nền móng, bức tường, bậc thang, cảng biển, ngôi đền...
Được xây dựng vào thế kỷ 16, thành phố Port Royal ở Jamaica từng là trung tâm thương mại nhộn nhịp của vùng biển Caribe. Nơi đây có tới 4 pháo đài và 2.000 tòa nhà.
Vào ngày 7/6/1692, trận động đất mạnh 7,5 độ Richter xảy ra khiến 2/3 thành phố cảng sầm uất Port Royal bị đại dương "nuốt chửng" cùng với đó là hơn 2.000 người thiệt mạng.
Các chuyên gia và những người thích lặn biện có thể lặn xuống độ sâu hơn 12m để khám phá và chiêm ngưỡng những công trình còn sót lại ở Port Royal.
Thành phố Sư Thành (Shi Cheng) nằm dưới đáy hồ Thiên Đảo, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc được các chuyên gia phát hiện vẫn còn nhiều kiến trúc vẹn nguyện.
Theo các chuyên gia, thành phố cổ Sư Thành được xây dựng từ thế kỷ thứ hai, vào đời Đông Hán. Được mệnh danh là "Atlantis của phương Đông", nơi đây được cho là bị ngập nặng vào năm 1959 khi nhà nước tiến hành xây đập thủy điện và hồ nhân tạo.
Kể từ đó, thành phố Sư Thành bị lãng quên trước khi được "phát hiện" vào năm 2001. Khi ấy, các chuyên gia mới dành nhiều quan tâm đến thành phố cổ này.
Họ phát hiện dù thành phố "ngủ vùi" dưới nước suốt nhiều thập kỷ, các cổng vào, những con đường rộng, cổng vòm được trang trí bằng các tượng đá chạm khắc hình sư tử, rồng, phượng hoàng... vẫn còn khá nguyên vẹn. Theo đó, du khách có thể lặn xuống để ngắm nhìn các công trình ở thành phố Sư Thành.
Mời độc giả xem video: Đây là cách Thượng Hải xây dựng thành phố thông minh. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (theo Musafir, Flynote)