Bánh đa vừng khoai lang tím, sữa gấc,... là sản phẩm mới người dân làm nghề sáng tạo với nhiều chất dinh dưỡng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Làng nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có tuổi đời khoảng 300 năm, lưu truyền qua nhiều thế hệ và được công nhận là làng nghề vào 10 năm trước. Theo người dân nơi đây, để làm ra chiếc bánh đa đặc biệt mang thương hiệu của làng nghề Vĩnh Đức thì quan trọng nhất vẫn là nguyên liệu và công thức chế biến. Nguyên liệu bánh được làm chủ yếu từ 2 loại là gạo xay thành bột nước và trộn với vừng đen.
Làng nghề này hiện có khoảng 400 hộ sản xuất bánh đa. Gia đình bà Đinh Thị Chung, SN 1968 là một trong những hộ làm nghề bánh đa lâu đời ở làng nghề này. "7 tuổi, không được đi học, tôi theo bố mẹ làm nghề làm bánh đa. Khi trưởng thành, tôi được bố mẹ truyền lại nghề. Trước đây, chúng tôi chỉ sản xuất bánh đa vừng đen truyền thống. Nhưng từ năm 2021, con gái tôi sáng tạo thêm món bánh đa khoai lang tím, bánh đa gấc,...Sản phẩm này cũng được khách hàng ưa chuộng", bà Chung chia sẻ thêm.
Theo đó, bánh ở đây được tráng bằng tay trên nồi hơi nấu từ bếp củi. Tráng xong bánh được thợ đem ra phơi nắng. Tuy nhiên, chỉ những ngày nắng mới làm được bánh đa này. Bởi đủ nắng bánh mới có hương vị đặc trưng của làng bánh đa Vĩnh Đức. Khi bánh khô sẽ được những người thợ nướng trên bếp than củi. Bánh đa truyền thống có vị cay của tiêu, vị thơm của vừng, gừng, tỏi, cộng thêm bánh được phơi đủ nắng, lại nướng trên bếp than nên có vị đặc trưng không nơi nào có.
Nói về những sản phẩm mới bánh đa làm từ gấc, khoai lang tím,...chị Nguyễn Thị Nhàn, SN 1995, con gái bà Chung cho biết: "Bánh đa làm từ gấc, khoai lang tìm thì công phu hơn các loại bánh khác. Gấc thì phải tách hạt, xay lên với gạo. Vì gấc có tỷ lệ dầu nhiều nên phải phơi khô “rong ranh”. Riêng khoai lang tím đến mùa gia đình mới làm được. Khoai được hấp lên, xay nhuyễn, thêm ít sữa đặc để dậy mùi sau đó xay cùng với gạo, trộn gia vị đem tráng phơi và nướng. Riêng bánh đa thì nướng trên bếp than củi là ngon nhất vì nó giữ được vị đặc trưng”.
Các loại bánh đa vừng làm từ các nguyên liệu mới như khoai lang tím, gấc được thị trường khá ưa chuộng. “Sản phẩm được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên nên được nhiều khách hàng lựa chọn. Thậm chí những người muốn giảm cân thường chọn sản phẩm này để ăn kiêng. Vì vậy sản phẩm này làm ra không lo bị ế”, chị Nhàn cho biết thêm
Bánh đa truyền thống vưng đen bán ra thị trường 2.000đồng/cái, nướng có giá 2.500đồng/cái; bánh đa gấc, khoai lang tím, gạo lứt,...bán ra thị trường có giá 3.000đồng/cái, nướng có giá 3.500đồng/cái. Mỗi ngày gia đình bà Chung sản xuất thủ công khoảng 1.000 - 1.500 chiếc. Để kịp phơi nắng gia đình bà còn thuê thêm 2 nhân công phơi bánh theo thời gian khoảng 8h - 11h với giá 200.000đồng/người.
Bánh đa Vĩnh Đức được nhiều khách hàng tại các tỉnh, thành trong cả nước ưa chuộng đặt mua. Hiện sản phẩm cũng đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng trên cả nước. Các sản phẩm bánh đa vừng của các làng nghề này đều đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, được xuất khẩu sang nhiều thị trường ngoài nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Campuchia,…
Bánh sau khi hấp chín được rải trên các tấm đan bằng tre, nứa để phơi khô bằng ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, người thợ phải trở bánh liên tục để bánh được phơi đều. Càng nắng to thì người làm bánh càng thích.
Hàng xuất khẩu ra nước ngoài được người dân đóng gói cẩn thận hơn, bỏ vào thùng xốp gửi xe ra Hà Nội và xuất khẩu ra nước ngoài. Bánh có thể bảo quản trong vòng 4 – 5 tháng.
Theo người dân nơi đây, bánh chỉ làm được ngày nắng to, còn mưa thì không làm được. Theo chị Nhàn mỗi ngày gia đình bà làm khoảng 30- 40kg gạo. Gạo chủ yếu thu mua ở các đại lý và người dân trên địa bàn huyện Đô Lương.
"Vì sản phẩm làm thủ công nên không thể làm sản phẩm số lượng lớn được. Tuy nhiên, sản phẩm làm bằng tay thì có hương vị riêng biệt ngon hơn sản phẩm làm máy. Mỗi tiếng chúng tôi chỉ tráng được 200 chiếc bánh. Trung bình mỗi ngày sản xuất được 1.000 - 1.500 chiếc. Ngày lễ Tết khách đặt nhiều thì số lượng được tăng lên", chị Nhàn cho biết thêm.
Để tạo ra sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn OCOP, người dân làng nghề Vĩnh Đức chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất. Nguyên liệu phải rõ nguồn gốc từ mảnh đất Đô Lương. Lao động ở đây cũng được trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.