Độc đáo bảo vật quốc gia Đài thờ Mỹ Sơn
Giữa lòng Khu di tích Mỹ Sơn, có một cổ vật vừa được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó chính là Đài thờ Mỹ Sơn A10 - cổ vật rất tiêu biểu cho một giai đoạn phong cách kiến trúc nghệ thuật của Chăm Pa.
Cổ vật phát lộ
Từ những năm 1980, một số dự án bảo tồn Khu di tích Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu được triển khai, qua đó không chỉ trùng tu, gia cố vững chắc các kiến trúc, mà còn giúp phát hiện thêm nhiều hiện vật bằng sa thạch, đất nung có giá trị mỹ thuật, kỹ thuật cao.
Đầu năm 2020, trong quá trình các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam tiến hành phát lộ và trùng tu đền A10 của Khu di tích Mỹ Sơn đã phát hiện các thành phần đài thờ gồm linga - yoni liền khối và 2 khối đá thuộc đài thờ nằm sâu 2m dưới hố thiêng và bị bồi lấp bởi đất lẫn gạch vỡ.
Cặp linga - yoni của đài thờ
Tháng 5/2020, các nhà nghiên cứu tiến hành nâng linga - yoni và 2 khối đá lên khỏi miệng hố và kết hợp với các khối đá trước đền A10 để tiến hành nghiên cứu và lắp ghép một chỉnh đài thờ từ 17 khối đá và nhiều mảnh vỡ nhỏ. Đài thờ hoàn chỉnh có kích thước cao 226cm, dài 269cm, rộng 258cm. Yoni có kích thước dài 2m25, rộng 1m69, dày 31cm. Linga có đường kính 55cm, cao 57cm là hình trụ tròn, được mài nhẵn, có đường gờ chạy vòng quanh.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên cặp linga - yoni là đài thờ này phát lộ. Hồi đầu thế kỷ XX, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) dưới sự chủ trì của Charles Carpeaux (1870-1904) và Henri Parmentier (1871-1949) đã tiến hành công việc phát quang, dọn dẹp, nghiên cứu và khai quật Khu đền tháp Mỹ Sơn từ 11/3/1903 đến 3/2/1904.
Khi đó, các chuyên gia thấy rằng, các hoạt động săn tìm báu vật đã diễn ra trước khi các chuyên gia EFEO can thiệp vào khu di tích này. Đài thờ và hố thiêng của đền A10 đã bị xáo trộn và lật đổ trước khi tiến hành khai quật.
Theo các tác giả của EFEO, hố thiêng đã bị đào bới và các khối đá thuộc bệ thờ bị ném sang bên cạnh, chỉ tìm được ở đó một phần bệ. Trọng lượng của linga - yoni và lòng đền chật chội không thể mang ra ngoài. Nhiều khối đá thuộc đài thờ nằm sâu dưới hố thiêng và một số khối được mang lên.
Từ năm 1938 đến 1942, góc Tây Nam của đền A10 được trùng tu nhưng đài thờ vẫn không được chú ý. Sau chiến tranh năm 1975, việc phát lộ, dọn dẹp cũng được tiến hành tại đền A10 trong khoảng thời gian từ 1981 đến 1992. Tuy nhiên, đài thờ vẫn không được phát lộ, nghiên cứu và lắp ghép theo đúng như hình dạng vốn có của nó.
Hiện vật nguyên gốc và duy nhất
Theo hồ sơ công nhận Đài thờ Mỹ Sơn A10 là bảo vật quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là một đài thờ vuông được ghép từ 17 khối sa thạch, xếp thành 5 lớp chồng lên nhau.
Bốn mặt của phần đế đài thờ có bố cục trang trí khá giống nhau, mỗi mặt gồm 3 vòm cửa giả thu nhỏ nhô ra, một ở giữa và hai cửa giả ở hai đầu. Trong mỗi vòm cửa mặt đông, tây, nam là những tu sĩ nam đứng chắp tay trước ngực theo dạng thức anjali mudra. Các tu sĩ này mặc sampot có tà trước dài dưới đầu gối và hai dải thòng xuống hai bên từ đai nịt của sampot.
Một số hình ảnh về Đài thờ Mỹ Sơn:
Linga và Yoni được phát hiện tại Đài thờ Mỹ Sơn A10. Ảnh: Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn
Các nhà nghiên cứu nâng linga - yoni lên khỏi miệng hố. Ảnh: VNE
Đài thờ Mỹ Sơn A10 được sắp xếp, tái định vị ở vị trí ban đầu vốn có trong đền A10. Ảnh: VNE
Du khách đến tham quan đài thờ Mỹ Sơn
Trong vòm cửa giữa của mặt bắc là một đạo sư có râu cằm dài xuống trước ngực ngồi theo dạng thức rajalilasana (kiểu ngồi hoàng gia) chân phải gấp cao, chân trái xếp bằng, tay phải đặt trên đầu gối phải và cầm tràng hạt, tay trái đặt trên gối trái, mặc đai nịt, khuôn mặt lớn, búi tóc với kiểu thức jata-mukuta, tai dài, lông mày nối, trán ngắn. Đạo sư ngồi trên bục có trang trí bông hoa. Hai người hầu mặc khố, chắp tay đứng trong vòm cửa hai bên.
Đài thờ Mỹ Sơn A10 còn khá nguyên vẹn. Linga có vết rạn nứt chạy dọc từ chân lên đỉnh nhưng nhìn chung chất lượng đá xây đài thờ còn khá tốt. Đây là bộ đài thờ gốc, độc bản, không bắt gặp một đài thờ nào khác cùng nền văn hóa Chăm Pa và được sắp xếp, tái định vị ở vị trí ban đầu vốn có trong đền A10.
Các nhà khoa học đánh giá đây là đài thờ nguyên vẹn hiếm hoi còn nguyên vị trong không gian thờ tự Shiva giáo qua biểu tượng linga - yoni. Trong khi đó các kiến trúc và đài thờ cùng thời như phế tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại một mảng tường cổng.
Đài thờ này và kiến trúc của đền A10 là minh chứng quan trọng trong quá trình phát triển kiến trúc và điêu khắc tại Khu đền tháp Mỹ Sơn - một trong những tổ hợp kiến trúc quan trọng bậc nhất của vương quốc Chăm Pa. Trải qua bao biến cố lịch sử, đài thờ này và kiến trúc của nó trở thành ngôi đền chính thờ Shiva giáo tiêu biểu và duy nhất của giai đoạn thế kỷ IX - X dưới vương triều Indrapura (875-915) còn lại cho đến nay.
Mặc dù dưới vương triều Indrapara, Phật giáo phát triển nhưng Hindu giáo vẫn được thực hành mà minh chứng tiêu biểu nhất và mang tính biểu tượng cao nhất của Shiva giáo trong giai đoạn này chính là Đài thờ Mỹ Sơn A10 và kiến trúc của công trình này.
Theo đại diện Ban quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, đài thờ A10 đáp ứng được 3 tiêu chí quan trọng: Thứ nhất, là hiện vật nguyên gốc và duy nhất; thứ 2 là hiện vật độc đáo, thứ 3 là có tính sáng tạo và là hiện vật tiêu biểu cho một thời kỳ. Chính vì lý do đó, cuối năm 2021, Đài thờ Mỹ Sơn A10 đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Đài thờ Mỹ Sơn A10 không chỉ đơn thuần là không gian tế tự của một ngôi đền Hindu tiêu biểu tại khu đền tháp Mỹ Sơn mà còn là minh chứng cho một giai đoạn phát triển của kiến trúc và nghệ thuật tại thung lũng thần linh - nơi văn hóa cổ được bảo tồn và lưu giữ qua hàng thế hệ.
Phần đế của Đài thờ Mỹ Sơn A10. Ảnh: Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn
Việc phát lộ và lắp ghép hoàn chỉnh Đài thờ Mỹ Sơn và trả lại theo đúng vị trí vốn có của nó đã làm rõ được chức năng của đền A10 và không gian tế tự của một ngôi đền Hindu tiêu biểu tại di tích Mỹ Sơn.
Lịch sử thăng trầm của Khu đền tháp Mỹ Sơn không chỉ để lại cho hậu thế những công trình kiến trúc độc đáo, mà còn nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật quý giá. Đài thờ Mỹ Sơn A10 chỉ là những kiệt tác nghệ thuật ít ỏi mà chúng ta phát hiện được ở Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Việc công nhận Đài thờ Mỹ Sơn A10 là Bảo vật quốc gia, một lần nữa đã khẳng định giá trị của khu thánh địa Mỹ Sơn - một trong 8 Di sản thế giới được UNESCO công nhận của Việt Nam. Cũng thông qua nghiên cứu Đài thờ A10, các nhà khoa học càng có thêm những bằng chứng chắc chắn cho thấy một thời kỳ phát triển vàng son của Vương quốc Chăm Pa trên vùng đất này.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doc-dao-bao-vat-quoc-gia-dai-tho-my-son-post192596.html