Độc đáo chợ nổi trên hồ Thác

Từ khi dưa được trồng trên các đảo hồ, người trồng ở các xã phía Đông hồ Thác Bà của huyện Yên Bình thường tranh thủ thu hoạch dưa từ sớm rồi vận chuyển bằng thuyền nan sang khu vực thôn Làng Mới, xã Mông Sơn (phía Tây hồ Thác) để kịp thời giao đến khách mua. Dưa hợp đất, ngọt ngon, nhiều người trồng nên sản lượng tăng hàng năm. Những thuyền dưa tấp nập qua lại khu vực thôn Làng Mới tạo nên khung cảnh rất hữu tình. Vì thế, nơi đây được đặt cho cái tên là Bến dưa hồ Thác hoặc Chợ nổi Làng Mới nghe rất đỗi thân quen.

Từ cuối tháng 4 đến tháng 6 Âm lịch hàng năm, những chiếc thuyền nan chở đầy các loại: dưa hấu, dưa lê, dưa bở xuất phát từ các xã Phúc An, Yên Thành của huyện Yên Bình lại tấp nập cập bến thôn Làng Mới, xã Mông Sơn tạo nên khung cảnh kẻ mua người bán sôi động, độc đáo ngay trên mặt hồ Thác Bà. Người bán dưa lênh đênh trên mặt nước, dưa cũng dập dềnh trên thuyền, khách hàng tấp nập qua lại, chọn mua, vận chuyển hàng hóa trên chiếc bè bằng tre, tất cả tạo nên khung cảnh sống động, hữu tình.

Bến dưa tại thôn Làng Mới, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình.

Bến dưa tại thôn Làng Mới, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình.

Người trồng vận chuyển dưa từ các đảo hồ về bến thôn Làng Mới.

Người trồng vận chuyển dưa từ các đảo hồ về bến thôn Làng Mới.

Người bán dưa ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao vùng phía Đông hồ Thác Bà, cũng là người trực tiếp trồng, thu hái và bán, buôn sản vật cây nhà lá vườn. Dưa bán hầu hết có kích thước nhỏ nhưng khá đều đặn. Dưa có vị thanh, ngọt mát, kết tinh từ bàn tay chăm chỉ canh tác của người dân trên diện tích đất bán ngập màu mỡ ở các đảo hồ mùa nước rút. Thế nên, giá bán cũng rất phải chăng.

Người Dao ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình thường tranh thủ mùa nước rút trên hồ Thác Bà để trồng dưa.

Người Dao ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình thường tranh thủ mùa nước rút trên hồ Thác Bà để trồng dưa.

Đông đảo người dân ghé Chợ nổi Làng Mới để mua dưa.

Chợ nổi thôn Làng Mới được nhắc tới thường xuyên từ 2 - 3 năm trước, xuất phát là một bến mua bán tôm nhưng dần thay đổi từ khi dưa góp mặt. Người mua bán vì thế cũng lui tới thường xuyên hơn. Vào vụ dưa, chợ họp cả ngày, từ 5 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Người bán thường chở tới 3 đến 4 tạ dưa mỗi thuyền, ngày đắt hàng bán được 2 đến 3 chuyến dưa nên thu nhập từ nghề trồng dưa cũng khá ổn.

Dưa được trồng trên vùng hồ Thác Bà cho quả vừa nhưng vị rất ngọt.

Hình ảnh độc đáo Bến dưa Làng Mới.

Hình thành từ nhu cầu thực tế, chuyên buôn bán các sản vật địa phương, cụ thể ở đây là quả dưa trồng trên đất bán ngập hồ Thác Bà, Chợ nổi Làng Mới ở xã Mông Sơn đã trở thành điểm giao thương hàng hóa thu hút đông đảo người lại qua, hơn thế còn là nơi giao lưu văn hóa giữa nhân dân vùng phía Đông và Tây hồ Thác và các vùng khác. Thuyền dưa xanh nườm nượp nối nhau trên mặt nước hồ xanh tạo nên khung cảnh rất nên thơ, trữ tình. Đây cũng sẽ là hình ảnh độc đáo, thêm một nét khắc họa sinh động về cuộc sống đổi thay của người dân vùng ven hồ Thác Bà ngày nay không còn chỉ dựa thuần vào tôm cá.

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/323762/doc-dao-cho-noi-tren-ho-thac.aspx