Độc đáo dầu gội từ men ngải cứu
– Lên men lá ngải cứu là phương pháp ít được biết đến, song phương pháp này lại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dịch chiết men ngải thúc đẩy các mạch máu lưu thông, kết hợp với các loại thảo mộc để làm dầu gội sẽ giúp giảm đau đầu, kích thích mọc tóc. Đưa men ngải vào chế biến dầu gội đầu là ý tưởng độc đáo của nhóm học sinh Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn.
Từ xưa, cây ngải cứu được biết đến với công dụng an thần, kháng khuẩn, cầm máu, đặc biệt trong tinh dầu ngải cứu có thành phần chống viêm, kháng khuẩn có thể điều trị chứng mẩn ngứa, mụn nhọt… Qua nghiên cứu tính chất của lá ngải cứu sau khi lên men cho thấy, dịch chiết men lá ngải có tác dụng lưu thông các mạch máu dưới da đầu, giảm đau đầu, kích thích mọc tóc. Đây là công dụng chưa có nhiều loại dầu gội trên thị trường có được. Chính vì vậy, từ tháng 5 đến tháng 8/2023, nhóm học sinh Lớp 7A1, Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn gồm: Lương Trọng Lâm; Nguyễn Hoàng Lâm; Vi Minh Tuấn; Phạm Thu Giang dưới sự hướng dẫn của cô giáo Đoàn Thị Vân Kiều, giáo viên môn tiếng Anh đã nghiên cứu tạo ra sản phầm dầu gội men ngải.
Em Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Nguyên liệu để sản xuất dầu gội men ngải gồm thành phần chính là lá ngải cứu, cùng đó còn có nhiều nguyên liệu tự nhiên khác như: hà thủ ô, bồ kết, hương nhu, đẳng sâm, đậu đen, vừng đen, lá tre, đinh lăng, vỏ núc nác, cánh hoa hồng, cỏ nhọ nồi, kinh giới, tía tô, cỏ mần trầu, cỏ ngũ sắc, xuyến chi, trà xanh, vỏ bưởi…. Những nguyên liệu trên ngoài công dụng làm khỏe chân tóc, sạch gầu, đen tóc, giúp tóc mềm, suôn mượt còn có nhiều tác dụng khác như: kích thích mọc tóc, chống bạc tóc, phục hồi hư tổn do dùng hóa chất, thuốc nhuộm…
Lá ngải cứu để làm dầu gội có thể thu hái quanh năm, sau khi sơ chế thì tiến hành phơi khô để chuẩn bị cho công đoạn lên men. Lá ngải cứu khô được trộn đều với mật mía và ủ cho đến khi lên men hoàn toàn. Lúc này, các tinh chất của lá ngải đã tiết ra ngoài, tiến hành vắt lấy nước, lọc bỏ bã để thu được nước cốt. Sau khi lên men công dụng của lá ngải được tăng lên và phát huy lợi ích cho sức khỏe. Dịch men ngải được phối hợp với các loại thảo mộc theo tỷ lệ nhất định rồi đun trong nhiều giờ đến khi hỗn hợp đặc sánh lại thì thêm sáp dừa để tạo bọt và duy trì sự ổn định cho sản phẩm rồi tiến hành đóng chai, bảo quản. Thành phẩm dầu gội men ngải có màu nâu sóng sánh, hương thơm tự nhiên của các loại thảo mộc.
Sau khi hoàn thành sản phẩm, nhóm nghiên cứu đã đưa mẫu đến Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mĩ phẩm, Thực phẩm tỉnh Lạng Sơn (trực thuộc Sở Y tế) để kiểm định, kết quả cho thấy sản phẩm đạt yêu cầu, đảm bảo các quy định về vệ sinh và an toàn với người sử dụng. Sau khi hoàn thành sản phẩm nhóm đã đưa 80 chai mẫu cho bạn bè và người thân dùng thử. Kết quả cho thấy, đa số người dùng thử đều có phản hồi tốt về chất lượng sản phẩm, ngoài khả năng làm mượt tóc, dầu gội còn có tác dụng trị gầu, giảm rụng tóc, giảm ngứa da đầu và có mùi thơm tự nhiên từ các loại thảo mộc.
Cô Đoàn Thị Vân Kiều, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết: Do còn nhỏ tuổi nên quá trình thực hiện dự án các thành viên nhóm nghiên cứu gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tinh thần ham học hỏi, cùng sự hướng dẫn của giáo viên, các em đã chủ động tìm giải pháp, hoàn thiện sản phẩm.
Tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2023, sản phẩm dầu gội men ngải được ban giám khảo đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo, tuy còn nhỏ tuổi song các em đã đi sâu vào nghiên cứu, chế biến để tạo ra sản phẩm độc đáo, có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Với những giá trị mang lại, sản phẩm được Ban Tổ chức cuộc thi lựa chọn trao giải ba. Ngải cứu là một loại dược liệu phổ biến, được trồng ở rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Sử dụng loại dược liệu này để tạo ra dầu gội men ngải giúp việc chăm sóc và nuôi dưỡng tóc bằng phương pháp truyền thống thuận lợi hơn, đồng thời cũng góp phần nâng cao giá trị của cây ngải cứu.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/601644-doc-dao-dau-goi-tu-men-ngai-cuu.html