Độc đáo di tích lịch sử Sở Trà ở Đắk Nông

Ngay trong khuôn viên của Trung đoàn 726, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có 1 ngôi nhà cổ, màu trắng, xây theo kiểu kiến trúc Pháp. Theo nhận định của chuyên gia, nơi đây trước kia là địa điểm Sở Trà do người Pháp xây dựng tại Đắk Nông.

Ký ức về Sở Trà

Khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, thực dân Pháp vào vùng đất Tây Nguyên mở các đồn điền, trồng các loại cây như cà phê, trà và thuê công nhân là người dân tộc thiểu số.

Ông Điểu B’Lưu (SN 1958), dân tộc M’nông, bon Bu K’rắk, xã Quảng Trực cho biết, ngày xưa, xung quanh gần nhà ông có rất nhiều cây trà cổ thụ. Ông nghe cha kể lại tòa nhà trắng tại Trung đoàn 726 hiện nay là trụ sở làm việc của Sở Trà Bu Prăng. “Ngày còn nhỏ tôi thường lên tòa nhà tại Trung đoàn 726 để chơi. Khu vực này hầu như bị bom đạn tàn phá hết, chỉ còn lại khung nhà trống”, ông Điểu B’Lưu nhớ lại.

Di tích lịch sử Sở Trà hiện nay nằm trong khuôn viên của Trung đoàn 726, Binh đoàn 16, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức

Di tích lịch sử Sở Trà hiện nay nằm trong khuôn viên của Trung đoàn 726, Binh đoàn 16, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức

Ông Điểu Ronh (SN 1947), dân tộc M’nông, ở bon Bu Nung, xã Quảng Trực, từng là công nhân tại đồn điền trà Bu Prăng khẳng định, tòa nhà tại Trung đoàn 726 hiện nay là trụ sở làm việc của Sở Trà Bu Prăng. Năm 1962, khi mới 15 tuổi, ông Điểu Ronh bắt đầu đi làm công nhân ở đồn điền trà Bu Prăng. Đồn điền lúc đó rộng khoảng 20ha và có khoảng 80 công nhân làm việc tại đây. Trong đó, người dân tộc thiểu số làm việc tại đồn điền có khoảng 40 người. Đặc biệt, có 12 tù nhân chính trị bị bắt về làm việc tại đây.

Nhân chứng lịch sử ông Điểu Ronh (ngoài cùng bên trái) và ông Điểu B’Lưu (ở giữa)

Nhân chứng lịch sử ông Điểu Ronh (ngoài cùng bên trái) và ông Điểu B’Lưu (ở giữa)

Những công nhân làm việc tại đồn điền được trả 30 đồng/tháng. Có những người không lấy tiền thì sẽ quy ra đổi thành gạo hoặc muối. Cuối năm sẽ được thưởng thêm bằng thịt bò.

Những gốc trà cổ thụ của đồn điền trà xưa được tìm thấy đưa về trồng, chăm sóc, bảo vệ tại Trung đoàn 726

Những gốc trà cổ thụ của đồn điền trà xưa được tìm thấy đưa về trồng, chăm sóc, bảo vệ tại Trung đoàn 726

Một ngày, người công nhân tại đồn điền trà làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, buổi trưa sẽ được cho ăn uống và nghỉ ngơi. Ông Điểu Ronh làm công nhân ở đồn điền trà được khoảng 4 năm thì nghỉ do đồn điền giải thể.

Bảo tồn giá trị lịch sử

Thời gian qua, Sở VH-TT & DL tỉnh Đắk Nông đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, thông tin, tư liệu về di tích lịch sử Sở Trà. Qua khảo sát, di tích lịch sử Sở Trà được bảo tồn khá nguyên vẹn với 1 công trình xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép, theo kiểu kiến trúc Pháp những năm đầu thế kỷ XX.

Hiện nay, về quá trình xây dựng ngôi nhà vào ngày tháng năm nào chưa có tư liệu cụ thể. Diện tích khuôn viên ngôi nhà khoảng 200m². Ngôi nhà gần như còn nguyên vẹn với 1 trệt, 1 lầu và 1 tầng lửng. Bên trong ngôi nhà có 8 gian phòng và có 1 lò sưởi ấm xây thông từ tầng trệt lên lầu 1 và tầng lửng để sưởi ấm khi giá lạnh. Phía sau phòng tầng trệt có một hầm bí mật thoát hiểm nhưng đã che đậy miệng hầm. Cho đến nay, dù được Trung đoàn 726 quản lý nhưng chưa khám phá khai thông căn hầm bí mật này.

Lân cận khu vực công trình có một số cây ăn quả, cây trà cổ thụ mà theo người dân địa phương, những cây cổ thụ này khoảng 100 năm tuổi. Trong đó có 2 cây me tây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam vào tháng 9/2022.

Đoàn khảo sát của Sở VH-TT & DL tiến hành đo đạc tại di tích lịch sử Sở Trà

Đoàn khảo sát của Sở VH-TT & DL tiến hành đo đạc tại di tích lịch sử Sở Trà

Phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, nhân chứng lịch sử, Sở VH-TT & DL đã xây dựng hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử Sở Trà, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL cho biết, đơn vị chủ động và phối hợp hoàn thiện hồ sơ tham mưu các cấp thẩm quyền sớm công nhận di tích lịch sử Sở Trà trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh

Ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, chính quyền địa phương và người dân rất ủng hộ chủ trương của tỉnh trong việc khảo sát, khoanh vùng để hoàn thiện hồ sơ trình lên cơ quan thẩm quyền, công nhận di tích lịch sử Sở Trà trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh. Điều này sẽ bổ sung, làm dày thêm những trang sử truyền thống của xã an toàn khu Quảng Trực. Khi được công nhận sẽ giúp cho di tích phát huy được ý nghĩa, vai trò tuyên truyền giáo dục lịch sử địa phương tới các thế hệ sau.

Hoàng Dương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/doc-dao-di-tich-lich-su-so-tra-o-dak-nong-216050.html