Độc đáo đình cổ Lãng Xuyên

Ở huyện Gia Lộc không nhiều ngôi đình còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc đình cổ mang nét đặc trưng của vùng Bắc Bộ như ngôi đình này.

Đình Lãng Xuyên đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2005

Đình Lãng Xuyên đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2005

Đình Lãng Xuyên ở thôn Lãng Xuyên, xã Gia Tân (Gia Lộc) tọa lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng, phía trước là giếng nước trồng sen ngay ở đầu làng.

Chạm khắc tinh xảo

Theo thần phả còn lưu giữ tại đây, đình Lãng Xuyên được xây dựng vào thời Nguyễn và trùng tu nhiều lần. Trải qua biến cố thời gian, đến nay công trình vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật cổ xưa.

Đình có kiến trúc kiểu chữ đinh, bao gồm tòa đại bái 5 gian và hậu cung 4 gian. Tòa đại bái có giá trị nghệ thuật cao với kiến trúc kiểu đao tàu déo góc. Kết cấu chính gồm hai phần là mộc và nề ngõa, mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn. Phần mái có 4 vì kèo, trong đó 2 vì kèo gian trung tâm có kiến trúc kiểu chồng giá chiêng, hai vì kèo gian bên có kiến trúc kiểu chồng giường. 4 vì kèo có kích thước khá lớn, các cột cái bằng gỗ lim có đường kính 48 cm, cột quân có đường kính 38 cm.

Đặc biệt, hệ thống hoành được bố trí theo lối “Thượng tứ hạ ngũ” khá chắc chắn. Thượng lương (chồng nóc) chắc khỏe và được soi chỉ kép nghệ thuật. Hệ thống đấu tạo dáng như những bông sen nở. Chất liệu của công trình chủ yếu là gỗ lim còn tốt. Tòa đại bái còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao mang đậm nét kiến trúc truyền thống, thể hiện nét tài hoa của nghệ nhân xưa như các bẩy hiên chạm các bức “cúc hóa long”, “trúc hóa long”, “lá lật”... đường nét rất mềm mại sống động. Nghệ thuật chạm bong của nghệ nhân xưa còn thể hiện ở các bức chạm “độc long”, “lá lật liên hoàn” hoặc “lá lật xen kẽ” các con rồng nhìn rất sống động hay “rồng hút cá chép” theo tích “ngư long hý thủy” khá sinh động. Có đầu dư chạm một con rồng hoàn chỉnh, có đầu dư lại chạm đầu rồng đuôi chim phượng... Các bức chạm trên các chi tiết của 4 vì kèo chính tòa đại bái là tập hợp nhiều mảng chạm khắc dân gian thể hiện thần quyền trong tín ngưỡng, ngoài ra các bức chạm này còn mô tả cỏ cây, hoa lá gần gũi trong sinh hoạt đời thường của người nông dân. Những bức chạm còn lưu giữ được là những tiêu bản rất quý báu giúp khôi phục các công trình cùng thời. Phía ngoài là 4 đầu đao cong vút, đắp “rồng chầu phượng mớm”. Nóc đình đắp “lưỡng long chầu nguyệt”. 2 đầu nóc là 2con kìm. Các nghệ nhân đã tạo ra những linh vật khá độc đáo, tạo thế uy nghiêm cho công trình.

Tòa hậu cung nối liền với tòa đại bái gồm 4 gian. Hậu cung có một số bức chạm “lá lật” và “độc long” khá đẹp, chất liệu bằng gỗ lim. Móng và tường xây dáng quay chảo mềm mại với những đường gờ chỉ kép, mái lợp ngói vẩy cá truyền thống. Đình còn lưu lại nhiều cổ vật quý từ thời Nguyễn như đồ gỗ có các bức đại tự, câu đối, cuốn thư, ngai thờ, mâm thờ, sập thờ; đồ đá có bia thần tích, bia hậu thần; chuông đồng đúc năm 1933…

Cụ Nguyễn Đức Nội (85 tuổi) ở thôn Lãng Xuyên cho biết theo thần tích, đình thờ Thành hoàng làng hiệu là Ngọc Thị Quỳnh Lang công chúa (thiên thần). Theo phả ký, Ngọc Thị Quỳnh Lang công chúa có công âm phù Hai Bà Trưng trong khi lập đàn ở cửa sông Hát Môn. Sau khi đánh thắng Tô Định, Hai Bà Trưng thấy ứng nghiệm, phong cho bà là Hoa Hùng Uyển Mỵ chinh thục phu nhân thượng đẳng thần, nhân dân lấy sự tích này tôn thờ làm Thành hoàng làng.

Hằng năm, đình mở hội vào ngày 12.10 âm lịch và 15 tháng giêng. Kỳ lễ hội tháng giêng là lớn nhất trong năm. Lễ hội tháng 10 âm lịch là kỷ niệm ngày Thành hoàng âm phù Hai Bà Trưng đánh giặc. Lễ hội này chủ yếu là tế lễ.

Nhân dân phát tâm công đức

Với những nét độc đáo, những giá trị còn lưu giữ, năm 2005, đình Lãng Xuyên được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong những năm gần đây, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công, góp của để trùng tu tôn tạo, mở rộng không gian của di tích, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Kênh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lãng Xuyên cho biết trong suốt thời gian từ năm 2000-2009, đình bị xuống cấp trầm trọng. Toàn bộ phần nóc, rui, mè bị mối mọt, ngói xô lệch nên cứ mưa là dột, tường đình bị nứt, một số linh vật phía ngoài và mảng chạm khắc bị hư hỏng, bong tróc, một số chân cột đình bị mối mọt…

Năm 2009, được Nhà nước cho phép, cùng sự tích cực tham gia đóng góp của nhân dân, đình đã được trùng tu lớn. Toàn bộ phần nóc được làm mới, mái ngói được thay mới, chỉ giữ lại ngói cũ ở mái trước gian đại bái; phục dựng lại các cấu kiện gỗ, các mảng phù điêu bị bong tróc, đắp lại một số linh vật… với tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 600 triệu đồng.

Lần trùng tu lớn thứ 2 là năm 2016, nhân dân và con em xa quê đã đóng góp kinh phí mua lại phần đất của người dân để mở rộng diện tích đình từ 300 m2 ra hơn 1.000 m2 và tôn tạo lại giếng làng, san lấp, tôn nền lát gạch sân, xây sân khấu… với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Hiện, ngôi đình có không gian rộng rãi, thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội và các sự kiện của làng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/doc-dao-dinh-co-lang-xuyen-145487