Độc đáo đón Tết Độc lập của bà con vùng biên Quảng Bình
Ngày Tết Độc lập (2/9), người dân Quảng Bình làm mâm cơm tưởng nhớ tổ tiên, giỗ Bác Hồ và cũng là dịp để con cháu khắp mọi miền Tổ quốc quần tụ trong ngày lễ lớn của dân tộc.
Từ những ngày cuối tháng Tám, ở khắp các thôn, bản của huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đâu đâu cũng rợp trời cờ hoa, biểu ngữ. Cùng với đó, mỗi gia đình nơi đây lại tất bật chuẩn bị chu đáo mâm cỗ để đón Tết Độc lập với nét riêng của một huyện rẻo cao.
Theo các bậc cao niên, trước đây người dân Minh Hóa cũng ăn rằm tháng 7 nhưng đơn giản mà không tổ chức to như các địa phương khác. Từ sau năm 1945, để ghi nhớ ngày Quốc khánh 2/9, nhân dân huyện vùng cao Minh Hóa tổ chức mừng Tết Độc lập và làm mâm cỗ cúng giỗ Bác Hồ.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày lễ 2/9, gia đình ông Trương Văn Minh, thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ để cúng mời tiên tổ, ông bà và Bác Hồ. "Kể từ Quốc khách 2/9 năm 1945 đến nay, chúng tôi theo lệ tiền nhân tổ chức mừng Tết Độc lập. Mâm cúng ông bà tổ tiên, tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ, các vị anh hùng đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc", ông Trương Văn Minh cho biết.
Để chuẩn bị cho mâm cỗ mừng Tết Độc lập, mỗi gia đình thường chọn những sản vật riêng có ở vùng núi rẻo cao. Các bậc cao niên cho biết, trong ngày Tết Độc lập, nhà nào cũng gói bánh chưng, bởi nếu không có bánh chưng thì không phải là Tết.
Bánh chưng mừng Tết Độc lập được gói bằng thứ gạo nếp ngon nhất. Vài nhà trong thôn chung nhau mổ một con lợn rồi thịt gà, chuẩn bị hoa quả để có mâm cỗ tươm tất dâng lên bàn thờ tổ tiên và Bác Hồ.
Tết Độc lập cũng là dịp để con cháu sum vầy, gia đình đoàn tụ mừng ngày lễ lớn của dân tộc. Gia đình ông Cao Văn Tường, thôn 1 Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa cứ vào cuối tháng 8 lại tập trung con cháu, mỗi người một tay cùng nhau lau dọn bàn thờ, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị mâm cỗ tươm tất.
"Truyền thống ăn Tết Độc lập từ năm 1945 và đến nay không năm nào bỏ qua được. Nhân dịp này gia đình cũng sum họp để thăm hỏi sức khỏe, động viên con cháu cố gắng học tập, lao động và công tác tốt. Tết Độc lập cũng ăn to như Tết Nguyên đán, con cháu dù ở xa cũng tranh thủ về bên gia đình ngày này", ông Tường chia sẻ.
Cũng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, người dân huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình sinh sống khắp mọi miền đất nước lại cố gắng thu xếp trở về quê hương đoàn tụ với gia đình làm mâm cơm để giỗ Bác Hồ trong Tết Độc lập và dự lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Gia đình ông Đặng Đình Thuận, trú thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, đến những ngày đầu tháng 9 lại sửa soạn mâm cơm giỗ Bác Hồ. "Gia đình chúng tôi sửa soạn làm một mâm cơm để ghi nhớ công ơn của Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Đây cũng là dịp để các con cháu đi xa về đoàn tụ để hưởng phúc lộc của đất nước, gia đình", ông Đặng Đình Thuận chia sẻ.
Tết Độc lập đã được duy trì như một nét văn hóa có ý nghĩa, để từ đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ nhớ đến lịch sử của dân tộc và các thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh xương máu của mình để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Ông Dương Văn Bình, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết, hằng năm cứ mỗi dịp Quốc khánh, người dân Lệ Thủy thường làm mâm cúng tổ tiên cũng là để giỗ Bác Hồ. Đây là một trong những nét đẹp của người dân thể hiện tình cảm, sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Huyện Lệ Thủy thường xuyên tuyên truyền để người dân lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống và nét đẹp văn hóa của quê hương, cũng như những tình cảm thiêng liêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp", ông Dương Văn Bình cho biết thêm.