Độc đáo giao lưu pháo đất tại lễ hội đền Khúc Thừa Dụ năm 2024
Từ xa xưa đến nay, những trận đấu pháo đất giữa các làng thường được tổ chức ở sân đình, sân kho, sân nhà văn hóa vào các ngày rằm và mùng một tháng Giêng hàng tháng. Hiện ở Hải Dương, nhiều nơi vẫn bảo tồn được di sản văn hóa đặc sắc này, trong đó có huyện Ninh Giang.
Những năm gần đây, ngoài việc duy trì hội thi giữa các huyện hoặc liên vùng... tỉnh Hải Dương đã đưa hội thi pháo đất vào một số lễ hội lớn của tỉnh. Trong đó có huyện Ninh Giang đã đưa nội dung này lễ hội truyền thống, tưởng niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ (lễ hội đền Khúc Thừa Dụ).
Đây là năm thứ 2 huyện Ninh Giang đưa nội dung giao lưu pháo đất vào lễ hội nhằm tạo không khí vui tươi của lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham gia.
Đối tượng tham dự giải là nam có hộ khẩu thường trú tại địa bàn xã và các xã được mời tham gia; có sức khỏe tốt đảm bảo thi đấu; có hiểu biết và kỹ thuật để thi đấu môn pháo đất (không phân biệt độ tuổi).
Thành phần đội tuyển gồm 4 xã Kiến Quốc, Hồng Phong, Đồng Tâm, Tân Phong. Mỗi đội được đăng ký 20 vận động viên chính thức, 2 vận động viên dự bị, một trưởng đoàn, một huấn luyện viên.
Mỗi vận động viên chỉ được quyền tham gia thi đấu cho một đơn vị (mỗi đội tuyển phải chuẩn bị 10 đất thi đấu và cử 2 trọng tài tham gia điều hành, giám sát thi đấu).
Thời gian thi đấu trong 1/2 ngày, từ 13h30’ ngày 26/8 (23/7 âm lịch). Địa điểm tại sân đền thờ Khúc Thừa Dụ (thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương).
Các đội đánh 10 dây (sòng); mỗi vận động viên chỉ được gieo một lần trong một dây. Không được gieo thay các vận động viên khác; mỗi pháo thi đấu trong vòng 30 phút.
Về cách tính điểm, với toàn đoàn (đồng đội), thành tích được tính bằng tổng số thước đo pháo hợp lệ của các vận động viên ở 20 dây đấu cộng lại, đội nào có số thước đo lớn xếp từ trên xuống; chỉ đơn vị nào có đủ số vận động viên tham gia thi đấu theo đúng quy định mới được tính điểm đồng đội (nếu có 2 đội bằng nhau về thước đo sẽ thi đấu thêm một pháo để phân định thứ hạng).
Đối với cá nhân, thành tích được tính bằng tổng số thước đo lớn nhất pháo hợp lệ của vận động viên đó ở cả 4 dây đấu cộng lại để xếp hạng trao giải cá nhân (nếu có 2 vận động viên trở lên bằng nhau về thước đo sẽ thi đấu thêm một pháo để phân định thứ hạng).
Pháo gieo xuống bàn phải ra từ 2 thước trở lên (mỗi thước 40 cm) tính mép ngoài 2 đầu dây pháo (manh) mới được tính.
Pháo gieo, dây pháo (manh pháo) bị đứt làm 2 đoạn thì pháo đó không hợp lệ. Pháo gieo xuống phải được trọng tài đo xong mới được thu pháo.
Về khen thưởng, kỷ luật, Ban tổ chức sẽ trao cờ lưu niệm và động viên kinh phí cho các đội tham gia dự kiến 2.000.000đ/đội.
Việc tổ chức này nhằm làm phong phú thêm các giá trị di sản văn hóa đặc sắc trong lễ hội đền Khúc Thừa Dụ. Đồng thời, nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, rèn luyện sức khỏe cho cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu ở huyện Ninh Giang nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung.