Độc đáo gốm Hương Canh

'Ai về mua vại Hương Canh,

Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng…”.

Câu ca dao cứ vẳng bên tai nhắc nhở tôi tìm tới địa danh và làng nghề làm gốm nổi tiếng này khi đặt chân lên Vĩnh Phúc - một vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng.

Tác giả và nghệ nhân vẽ gốm tại lò gốm Thanh Nhạn

Tác giả và nghệ nhân vẽ gốm tại lò gốm Thanh Nhạn

Theo sự chỉ dẫn của các đồng nghiệp tại địa phương, chúng tôi đã đến được làng gốm Hương Canh khá nhanh chóng và dễ dàng. Bởi nơi này chỉ cách thành phố Vĩnh Yên ngày nay chừng 12 km dọc theo Quốc lộ 2 về hướng Đông Nam và Thủ đô Hà Nội 42 km. Làng gốm gần như nằm trọn trong địa bàn thôn Lò Cang, thị trấn Hương Canh, huyện Xuyên Bình,tỉnh Vĩnh Phúc. Với bề dày lịch sử hơn 300 năm tuổi, nghề làm gốm Hương Canh nổi tiếng với những sản phẩm gốm gia dụng trên cả nước về chất lượng và độ bền, đẹp của gốm thủ công truyền thống. Gốm Hương Canh nổi tiếng không chỉ nhờ tài hoa, óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của nghệ nhân, mà một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là nguyên liệu (chất đất) làm gốm mang tính đặc thù của tài nguyên đất ở địa phương mà không phải nơi nào cũng có được.

CHẤT ĐẤT ĐẶC BIỆT, HOA VĂN ĐỘC ĐÁO

Nguyên liệu dùng để sản xuất gốm là một loại đất sét xanh nhiều thịt, có hàm lượng sắt cao, được khai thác ngay tại vùng đất đồng quê Hương Canh. Chính chất đất đặc biệt của vùng Hương Canh cũng đã tạo cho sản phẩm gốm sành nơi đây giá trị đặc biệt và độc đáo. Ngoài vẻ bền đẹp, gốm Hương Canh còn có nhiều công dụng thích hợp với loại gốm gia dụng sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Chính đất sét để làm gốm ở đây là loại đất sét xanh có nhiều sắt, lại là lớp trầm tích lắng đọng tự nhiên; nên khi nung, với sự tác động trực tiếp của nhiệt, xương gốm sẽ trở nên bền chắc. Sản phẩm gốm sẽ có màu tự thân và khi gõ vào nghe thấy âm thanh trong và ngân vang như gõ vào các sản phẩm được chế tác bằng kim loại.

Theo kinh nghiệm cũng như lời kể của Nghệ nhân Ưu tú Giang Thị Nhạn và những người thợ gốm Hương Canh thì nhờ đặc trưng của chất đất sử dụng làm nguyên liệu mà một số sản phẩm đồ gốm Hương Canh như bình đựng rượu sẽ giúp khử bớt độc tố Andehit có trong rượu; bình cắm hoa thì giúp hạn chế được mùi phân hủy của hoa trong bình, nước cắm hoa không bị hôi như các bình sứ được làm với chất đất khác. Rõ nhất là khi dùng cắm các loại hoa có độ phân hủy cao như sen, lili... không cần phải dùng hóa chất để khử mùi. Ấm pha trà làm bằng gốm Hương Canh thì giữ được nhiệt lâu hơn. Các loại trà khô đựng trong các bình, hũ gốm Hương Canh có thể để đến 5 - 6 tháng vẫn giữ được hương vị và độ khô giòn, không bị ẩm.

Tác giả và Nghệ nhân Ưu tú Giang Thị Nhạn tại lò gốm Thanh Nhạn, Hương Canh

Tác giả và Nghệ nhân Ưu tú Giang Thị Nhạn tại lò gốm Thanh Nhạn, Hương Canh

Người thợ gốm Hương Canh vẫn sử dụng kỹ thuật thủ công nặn vuốt gốm bằng tay trên bàn xoay cùng với những lò tự xây, nung theo kiểu truyền thống. Cũng chính vì vậy mà đã tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm của các lò gốm với độ nung khác nhau. Sản phẩm của các nghệ nhân trong quá trình chế tác, họ cũng có thể sáng tạo thay đổi một số họa tiết. Đây cũng là điểm tạo nên nét đặc trưng cho mỗi lò, thể hiện được phong cách khác nhau qua sự sáng tạo của các nghệ nhân.

Không như gốm của những làng gốm nổi tiếng khác trong nước, gốm Hương Canh mang đậm hơi thở của cuộc sống sinh hoạt bình dị hàng ngày. Hoa văn của gốm Hương Canh đơn giản và gần gũi với đời thường, không được chú ý trau chuốt như những sản phẩm chỉ dùng để trưng bày, trang trí. Các sản phẩm như chum, vại, hũ, lọ, bình rượu,… phần nhiều để trơn, ít trang trí. Nếu có trang trí thì chủ yếu là các văn chải, hình kỷ hà, sóng nước, các vòng tròn đồng tâm quanh thân. Ngày nay, ngoài những hoa văn trên sản phẩm gốm truyền thống xưa, các nghệ nhân Hương Canh cũng đã có nhiều sáng tạo khi đưa những mẫu hoa văn trang trí làm đẹp và phong phú thêm cho các sản phẩm gốm, đặc biệt là gốm thủ công mỹ nghệ. Tuy vậy, các sản phẩm này vẫn được sản xuất bằng chất liệu và kỹ thuật thủ công truyền thống. Các đề tài trang trí vẫn hướng về quan niệm triết lý văn hóa, nghệ thuật dân tộc của người Á Đông như: sen - hạc, hoa mai, hoa cúc, tùng, trúc, giải hoa văn hình kỷ hà, sóng nước, băng hoa dây… Người thợ gốm và nghệ nhân Hương Canh còn gửi gắm cái hồn quê mộc mạc qua hình ảnh chim bói cá, chim, cá, những loài hoa đồng nội rất thân thuộc của quê hương mình trên các sản phẩm gốm truyền thống với những nét vẽ đơn giản, không quá trau chuốt và có khi “tốc tả” nhưng vẫn thể hiện được tính chân thật, tinh tế mà không đơn điệu, thô kệch.

GỐM HƯƠNG CANH TỪ QUÁ KHỨ ĐẾN HIỆN TẠI

Gốm Hương Canh vốn nổi tiếng là gốm gia dụng, nên trước đây chuyên tập trung vào sản xuất các sản phẩm truyền thống như các loại chum, vại, vò, tiểu sành và một số đồ gia dụng nhỏ sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như hũ, liễn, lọ, be sành phục vụ nhu cầu trao đổi, mua bán với dân trong vùng và các địa phương trên cả nước từ những thế kỷ trước. Nhưng thời gian gần đây, các hộ gia đình và nghệ nhân gốm Hương Canh đã có sự giao lưu học hỏi, phát triển sản xuất thêm một số đồ gốm thủ công mỹ nghệ khác như các loại bình hoa, nậm, bầu đựng rượu, độc bình, vật dụng trang trí, chao đèn, con giống và một số phù điêu họa tiết trang trí trong các nhà hàng với nhiều hình dáng, mẫu mã khác nhau khá phong phú và đa dạng.

Một số sản phẩm gốm Hương Canh

Một số sản phẩm gốm Hương Canh

Trải qua gần 300 năm hình thành và phát triển, làng nghề gốm Hương Canh đã từng có lúc phát triển rực rỡ ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX trở về trước với những sản phẩm gốm gia dụng nổi tiếng cả nước như: vại, chum sành,… và cũng có những lúc thăng trầm; đã có thời kỳ tưởng chừng như mai một. Đặc biệt là khi hợp tác xã sản xuất gốm, đồ gia dụng và gạch ngói giải thể, không còn phát triển. Nhưng nhờ một số hộ gia đình và nghệ nhân với sự tâm huyết và lòng yêu nghề vẫn cố gắng duy trì sản xuất các sản phẩm gia dụng để bảo tồn nghề truyền thống. Một vài nghệ nhân trong làng đã chủ động đi giao lưu, học hỏi để tìm hướng đi, đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, song song với việc sản xuất các loại gốm gia dụng truyền thống, họ đã sản xuất thêm các loại gốm thủ công mỹ nghệ; đa dạng hóa sản phẩm với nhiều mẫu mã mới phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trên thị trường.

Nghề làm gốm Hương Canh đang dần được vực dậy, từ 3 hộ ban đầu trong thôn nay đã nâng lên thành 7 - 8 hộ. Sản xuất được tiếp tục duy trì, ngày càng có nhiều khách đặt hàng và khách du lịch tìm tới tham quan, trải nghiệm. Điển hình là lò gốm Thanh Nhạn của hộ gia đình nghệ nhân ưu tú Giang Thị Nhạn (71 tuổi) nay do con trai cả của bà là Nguyễn Giang Anh làm chủ lò và lò gốm Quang của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang - em trai của bà Giang Thị Nhạn. Đây cũng là hai lò gốm lớn sản xuất gốm thủ công mỹ nghệ nhiều nhất trong thôn. Ông Quang là một người yêu nghề và chịu khó tìm tòi học hỏi, đi đầu trong việc “thổi hồn” thêm vào các sản phẩm gia dụng và đặc biệt là đồ gốm thủ công mỹ nghệ. Ông cũng chính là người có công níu giữ nghề làm gốm truyền thống của Hương Canh và tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi tìm hiểu qua các chủ lò gốm ở đây và nghệ nhân ưu tú Giang Thị Nhạn, chúng tôi được biết, các sản phẩm gốm Hương Canh hiện nay ngoài tiêu thụ tại chỗ cũng đã có mặt ở một số địa phương và các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau... Tuy chưa nhiều nhưng đã có một số sản phẩm gốm Hương Canh được đặt hàng trở thành mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài qua các kênh khác nhau.

Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm của chính quyền địa phương và ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, làng gốm Hương Canh sẽ hưng thịnh như xưa và trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm các quy trình làm gốm truyền thống của người dân nơi đây. Qua đó, góp phần “chắp cánh” cho thương hiệu gốm Hương Canh vươn xa, mãi trường tồn cùng câu ca dao đã từng in sâu trong tâm thức - niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

ĐOÀN BÍCH NGỌ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/202211/doc-dao-gom-huong-canh-3145865/