Độc đáo hàng thông trăm tuổi, điểm hút khách du lịch nơi phố núi Gia Lai
Hàng thông trăm tuổi tại Gia Lai đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách và nhiếp ảnh gia không chỉ bởi khung cảnh thơ mộng mà còn gắn liền với bề dày lịch sử, khai hoang của vùng đất này.
Nét hoang sơ phố núi
Hàng thông trăm tuổi tọa lạc trên con đường đi qua địa phận thôn 1, (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) nằm cách trung tâm thành phố 15km. Những cây thông có đường kính từ 0,8 - 1,5m, cao khoảng 20m với tán lá cao vút nằm kề bên đồi chè bạt ngàn xanh biếc đã tạo nên sự bình yên, hoang sơ.
Điều đặc biệt của hàng thông hơn trăm tuổi này là mỗi khi có cơn gió đi qua ai cũng có thể nghe thấy tiếng rì rào, du dương như âm thanh của dàn nhạc đang tấu lên. Người dân ở đây vẫn gọi đó là tiếng “thông reo”.
Du khách gần xa ví con đường này như con đường tình yêu trong các bộ phim lãng mạn Hàn Quốc. Còn với người Gia Lai thì đây là con đường của tuổi thơ, của thời gian và kí ức.
Bà Hồ Thị Mận (83 tuổi, trú thôn 1, xã Nghĩa Hưng) cho biết, hàng thông đại thụ trong thôn được trồng từ thời Pháp thuộc, tới nay đã lớn như vậy.
“Sau giải phóng tôi rời Thanh Hóa vào làm công nhân ở nông trường chè Biển Hồ. Thời điểm đó, hàng thông này đã to lớn chừng hơn một người ôm, đến nay phải hơn ba người nối tay có khi còn không hết. Người dân thấy to lớn nên gọi là hàng thông trăm tuổi, còn cụ thể bao nhiêu tuổi không ai biết được”, bà Mận kể lại.
Cũng theo bà Mận, người biết gốc gác hàng thông chỉ có những người già lúc trước làm ở đồn điền chè cho Pháp, giờ họ đã theo cát bụi. Những người còn lại trong thôn hầu hết là người đi theo diện kinh tế mới sau 1975, không ai biết được gốc gác lịch sử của hàng thông này.
Ông Phan Văn Đồng - người từng có nhiều năm làm công tác quản lý ở nông trường chè Biển Hồ cho biết, trong diễn văn và các tài liệu tổ chức kỷ niệm hàng năm ngày thành lập nông trường có ghi rõ, năm 1921 Pháp đặt chân đến mở đường, khai phá trồng lô chè đầu tiên và cũng là năm trồng hàng thông đại thụ này.
Nhìn về phía hàng thông trăm tuổi, ông Đồng kể lại, sau giải phóng năm 1975, nông trường do quân đội Việt Nam tiếp quản. Thời điểm đó, lãnh đạo hỏi lại những cai đồn điền chè của Pháp tiếp tục ở lại làm công nhân nông trường để từ đó có thông tin làm tư liệu truyền thống cho nông trường chè Biển Hồ về sau.
"Lúc Pháp vào mở đồn điền, người Việt làm công nhân trồng chè cho Pháp toàn là người trẻ. Họ là người trồng nên nhớ và nói đúng thôi chứ không sai được. Những người trồng chè cho Pháp năm 1921 đến năm 1975 vẫn còn khỏe, tiếp tục làm công nhân cho nông trường. Đến nay họ đã mất hết rồi", ông Phan Văn Đồng kể.
Cũng theo ông Đồng, khoảng năm 1991 - 1992 Công ty chè Biển Hồ gặp nhiều khó khăn. Dân nghèo khổ vì đói, công ty không đủ tiền trả lương cho công nhân nên Ban lãnh đạo công ty chè thời bấy giờ tính bán hàng thông này. Tuy nhiên khi cưa hạ một số cây (hiện là đoạn giữa hàng thông có những cây thông nhỏ được trộng lại sau này) thì công đoàn công ty ngăn lại, cùng nhau gìn giữ bảo vệ mới được như bây giờ.
“Thời đó có cái gì bán được là bán hết để có tiền trả cho công nhân. Trong đó có hàng thông, nhưng khi vừa cắt được khoảng 7 - 8 cây thì công đoàn công ty đã ra can ngăn không cho cưa hạ nữa. Nếu lúc đó không có người ngăn cản thì không có hàng thông đại thụ như bây giờ” - ông Đồng nhớ lại.
Điểm du lịch độc đáo
Những gốc thông già trăm tuổi nhuốm rêu phong, xù xì đủ hình dạng nằm giữa bạt ngàn màu xanh của đồi chè được chọn làm địa điểm lý tưởng để ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc, kỷ niệm của cuộc đời. Cung đường có hàng thông trăm tuổi này luôn được mọi người ví như “bản tình ca mùa đông” bởi sự lãng mạn không kém cạnh những thước phim Hàn Quốc.
Nhiều bạn trẻ yêu mến vẻ đẹp lãng mạn của hàng thông trăm tuổi thường ưu ái gọi nó bằng cái tên “con đường Hàn Quốc”. Những ngày cuối tuần có hàng ngàn lượt khách đến tham quan chụp ảnh tại hàng thông trăm tuổi.
Hàng thông trăm tuổi là địa điểm không còn xa lạ với các Studio. Từ lâu hàng thông trăm tuổi đã là lựa chọn ưu tiên của những người làm nghề nhiếp ảnh.
"Những ngày cuối tuần đường dẫn từ đầu thôn đến hàng thông đại thụ, xe cộ đi lại tấp nập đến kẹt cứng đường. Đông đảo du khách, bạn trẻ và những đôi vợ chồng đến check in, lưu giữ những hình ảnh đẹp”, anh Lê Trung Nhật, thợ chụp ảnh ở đây cho biết.
Quang cảnh giống những con đường ở Hàn Quốc với màu ngả vàng, pha chút bạc trắng của lá thông già giúp hậu kỳ cho ra tông màu đẹp hơn. Buổi sáng sớm, khi bình minh vừa ló rạng, soi rọi vào những khe lá thoáng thấy lớp sương mờ là thời điểm đẹp nhất. Hay khi hoàng hôn, ánh nắng chiều tà vàng nhạt khiến cho những tán thông như đổi màu cũng ấn tượng không kém
Bạn Đặng Thị Quỳnh Tiền - lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến, Thị xã An Khê, Gia Lai cho biết, để tìm địa điểm chụp ảnh kỷ yếu cuối cấp, em cùng bạn bè lên các trang mạng tìm hiểu và vô tình lướt thấy những hình ảnh về hàng thông trăm tuổi với khung cảnh rất đẹp, thích hợp lưu giữ khoảnh khắc kết thúc thời học sinh.
“Khi đến đây, mình và các bạn rất bất ngờ bởi đập vào mắt là hàng thông lớn thẳng tắp đẹp mê mẩn. Không nghĩ ở đây thật sự đẹp đến vậy, rất mát mẻ, bình yên, thơ mộng”, Tiền vui vẻ chia sẻ.
Ông Huỳnh Trọng Quang - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai)) cho biết, trước đây, hàng thông cổ thụ này do Công ty chè Biển Hồ quản lý. Hàng thông trăm tuổi đã trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh. Đây là nơi mà các cặp đôi, các bạn trẻ, khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn để chụp hình cưới ngoại cảnh, kỷ yếu, lưu giữ khoảnh khắc hạnh phúc.
Nhằm gìn giữ cảnh quan thu hút khách du lịch đến địa phương tham quan, UBND xã Nghĩa Hưng đã gắn các biển đánh số thứ tự từ 1 - 90, tương ứng 90 cây thông đại thụ nhằm dễ kiểm tra, bảo vệ tránh kẻ gian phá hoại.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền người dân, phối hợp với Công ty cổ phần chè Biển Hồ cùng có trách nhiệm quan tâm, bảo vệ hàng thông trăm tuổi nhằm gìn giữ cảnh quan phát triển du lịch.
Theo lãnh đạo địa phương, hiện nay, tỉnh và huyện cũng đã đưa ra phương án kêu gọi đầu tư chuỗi du lịch. Bởi ngoài hàng thông đại thụ tuyệt đẹp còn có đồi chè rộng lớn phủ kín hai bên đường, chùa Bảo Minh, núi lửa Chư Đăng Ya… Những địa điểm này có tiềm năng phát triển du lịch, tạo cơ hội cho người dân địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
“Hiện đã có phương án thu hút, kêu gọi đầu tư và người dân cũng mong muốn đầu tư du lịch vào hàng thông trăm tuổi và các địa điểm trên địa bàn xã để kéo theo phát triển kinh tế. Hy vọng có nguồn vốn đầu tư vào để những điểm du lịch này được nâng tầm, thu hút du khách hơn, từ đó đời sống người dân cũng phát triển hơn”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng nói.