Độc đáo làng bông giấy ở xứ dừa
Trong thú chơi hoa mấy năm gần đây, cây bông giấy đang… 'lên ngôi' khi được nhiều người ưa chuộng, đón nhận.
Điều này có thể thấy qua việc hầu như vườn bán hoa kiểng hay gian hàng cây cảnh nào trong chợ hoa Tết, hội hoa Xuân… bông giấy cũng chiếm một khoảng không gian lớn với đủ sắc màu rực rỡ.
* “Làng bông giấy” trong “vương quốc kiểng”
Nơi sản xuất ra nhiều mặt hàng bông giấy đủ sắc màu, chủng loại và kích thước hiện nay thuộc vùng Cái Mơn, H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Từ nhiều năm nay, Chợ Lách của xứ dừa Bến Tre nằm trên quốc lộ 57 trải dài qua các xã Long Thới, Vĩnh Thành, Phú Sơn, Hưng Khánh Trung B, Tân Thiền được mệnh danh là “vương quốc hoa kiểng” miền Tây. Trong đó “thủ phủ” của bông giấy là Phú Sơn - xã được mệnh danh “làng bông giấy Phú Sơn” với 5 làng nghề hoa kiểng - cây giống và hình thành được 7 tổ hợp sản xuất, thu hút gần 500 nhà vườn tham gia liên kết làm bông giấy”.
Vào dịp Tết Nguyên đán, khi các vườn bông giấy bung sắc, nam thanh nữ tú từ Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang… kéo đến tham quan, chụp ảnh nhộn nhịp, tưng bừng. Một không gian rực rỡ, ngập tràn bông giấy đẹp đến ngỡ ngàng này đã biến ấp Lân Đông chuyên làm bông giấy của Phú Sơn trở thành điểm nhấn của Làng văn hóa du lịch Chợ Lách.
Ở Chợ Lách người ta không dùng chữ “trồng” mà phải xài chữ “làm” mới nói hết các công đoạn sản xuất ra một tác phẩm bông giấy. Do loại hoa có “made in Phu Son” này khi đưa ra thị trường phải trải qua khâu ươm trồng, tạo phôi rồi tháp ghép, lai tạo, uốn tỉa… rất công phu. Tính ra phải mất 10 tháng mới sản xuất ra một cây bông giấy. Từ lúc đầu năm xuống giống chăm sóc, tưới nước, bón phân đến tháng 7 âm lịch đưa cây lên chậu rồi tất bật với việc ghép, chuyển sắc, cắt tỉa, tạo dáng…
Với đặc điểm rộ hoa vào dịp Tết Nguyên đán và thường xuất xưởng” trước các loại hoa xuân khác khoảng 20 ngày, bông giấy Phú Sơn trong mấy năm gần đây đã có mặt ở cả miền Bắc. Từ năm 2013, vào mỗi đầu tháng Chạp, con đường từ trung tâm xã Phú Sơn vào ấp Lân Đồng nơi có hơn 100 nhà vườn chuyên làm bông giấy Tết dài hơn 1 cây số các loại xe tải, xe lôi nối đuôi nhau vào “ăn hàng” chật kín lộ.
* Đi lên từ vùng đất sình lầy
Ấp Lân Đông có trên 100 nhà vườn hoa kiểng với 5 ngàn chậu bông giấy. Ông Phan Thế Dũng (65 tuổi), chủ vườn Sáu Dũng cũng thuộc hàng có “máu mặt” ở làng hoa nổi tiếng Phú Sơn. Không chỉ thế, ông còn là cháu ngoại cụ Nguyễn Văn Vàng, một bậc tiền hiền được lấy tên đặt cho con kênh Bảo Vàng dẫn nước từ sông Hàm Luông theo Vàm Mơn vào vùng đất Phú Sơn. Đặc biệt, ông Dũng là con của cụ Phan Văn Bỉnh (1919-1977), người đầu tiên ở vùng đất sình lầy này làm bông giấy để bán.
Chủ vườn Sáu Dũng cho biết: “Mãi đến năm 2010 khi chế phẩm giữ hoa được áp dụng rộng rãi, bông giấy Phú Sơn bắt đầu vượt khỏi xứ dừa, được người chơi hoa để ý tới. Đến năm 2013, khi con đường dẫn vào Phú Sơn được khai thông thì thương lái từ các nơi ùn ùn kéo vào đây đặt hàng”.
Cái “rún” của làng bông giấy Phú Sơn là ấp Lân Đông “nở nồi” rất lẹ. Số thanh niên trai tráng đi Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân hay làm thợ ghép cây cũng lục tục kéo về, xúm nhau làm bông giấy. Kỹ thuật lai tạo các giống bông giấy mới được khai thác tối đa. Rất nhiều thợ bước đầu tháp 10 bo chỉ được 2-3 mầm, dần dần đạt đến 8-9 mầm. Đặc biệt, nhà vườn ở Lân Đông cũng đã định hình thời vụ. Mùa mưa (mùa cây giống) và mùa hoa kiểng Tết (từ tháng 7-8 âm lịch). Và mỗi nhà vườn ở đây hiện giờ có ít nhất là 1 ngàn gốc bông giấy, vườn lớn thì có đến 4-5 ngàn gốc.
* Tin đồn độc hại
Cây bông giấy ở Phú Sơn đã thực sự “lên ngôi”. Nhưng con đường đi lên của loài hoa này của xứ dừa cũng không hề êm ả.
Có nghề cây giống lâu đời, lại nhanh nhạy trong việc áp dụng kỹ thuật, tìm tòi, khai thác giống mới, đến nay dân nhà vườn Phú Sơn đã lai tạo được trên 30 giống bông giấy với khoảng 100 màu. Trong đó từ những giống màu Thái, Mỹ, Nhật, Ấn… bà con tháp, ghép ra những cây bông giấy 3 màu, 5 màu rất sặc sỡ.
Ông Trần Thanh Phương (một thành viên chủ chốt của Tổ hợp tác Bông Giấy ở Lân Đông), người từng tình nguyện thử nghiệm chế phẩm giữ cho bông giấy lâu tàn của TS Nguyễn Văn Bé thuộc Trường đại học Cần Thơ cho biết: “Sau nhiều lần thử nghiệm tại thực địa, kết quả bước đầu là đậu bông, nhưng cánh bị xoắn và màu sắc không tươi. TS Bé phải mang về trường để tiếp tục nghiên cứu. Sau đó thì bông đậu và đẹp. Toàn thể các nhà vườn ở Phú Sơn đều náo nức trước kết quả này và đồng loạt áp dụng chế phẩm giữ bền hoa mà nhà vườn nơi đây gọi nôm na là “thuốc cầm bông”.
Đang ăn nên làm ra nhờ thành tựu khoa học, mới đây xuất hiện tin đồn bông giấy là loại hoa thu hút tà ma không nên trồng hoặc chưng chơi trong nhà. Đặc biệt là hóa chất chống rụng cánh cho bông giấy gây ung thư…!
Nhiều năm bán hoa Tết ở Biên Hòa, ông Trần Thanh Phương nhớ lại: “Thường vào dịp Tết tôi tiêu thụ từ 500-1.000 gốc bông giấy các loại, đạt doanh thu khoảng 300-400 triệu đồng. Nhưng Tết 2015 bán ế quá đành phải chở về. Nhiều người cũng lâm vào cảnh ấy. Không ai muốn ăn Tết. Không muốn nhậu bởi rượu uống đắng miệng, nuốt cũng không vô…”.
Tết 2015 cả xã Phú Sơn điêu đứng, vì bông giấy ế.
* Những cú “phản đòn”
GS-TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng văn hóa du lịch đồng thời là cố vấn Nhóm Sáng tạo khởi nghiệp Bến Tre kể: “Khi nghề trồng bông giấy đang phát triển tự nhiên thì trên mạng xã hội có thông tin cho rằng, loại bông này thờ cúng ma quỷ khiến cho 1-2 năm liền bà con không thể bán được. Gần Tết năm đó, nhân có cuộc hội thảo đầu bờ về cây bông giấy do UBND tỉnh tổ chức, tôi lại kéo 17-18 nhà khoa học về để giải thích cho bà con nghe. Sau đó thì tin đồn này không còn”.
Sau “đòn phản công” này của GS-TS Vũ Gia Hiền, UBND xã Phú Sơn còn có văn bản mời đại diện của Trường đại học Cần Thơ về trực tiếp giải thích và khẳng định với người dân rằng trong chế phẩm giữ hoa không có tác nhân gây ung thư. Từ đó, các nhà vườn ở Phú Sơn mới yên tâm, bỏ qua ý định “xóa sổ” cây bông giấy, mà tiếp tục “gia cố” đưa loại bông có mãi lực lớn này ngày càng nhiều màu sắc.
Với hơn 500 hộ dân, nhà vườn tham gia làm bông giấy, tạo ra gần 1 triệu sản phẩm, Phó chủ tịch UBND xã Phú Sơn Đặng Quốc Việt tỏ ra rất tự hào cho biết: “Từ một xứ dân nghèo phải tha hương, nay Phú Sơn đạt danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao. Nghề hoa giấy có công lớn, đem lại khoảng 100 tỷ đồng, tạo thu nhập bình quân đầu người 61 triệu đồng/năm”.