Độc đáo lễ cưới của người M'nông trong ngôi nhà chung
Lễ cưới của dân tộc M'nông mang nhiều nét đẹp, trải qua các thế hệ, đến nay người M' Nông vẫn trân trọng và giữ gìn giá trị văn hóa này.
Ngày nay, mặc dù ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối sống hiện đại nhưng lễ cưới đồng bào M’nông ở Tây Nguyên vẫn luôn giữ được nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc mình.
Nghi thức cưới gồm lễ kep môi (dạm ngõ), Văng Ur (ăn hỏi), Tâm Nsông (cưới), Njă gre, păp plơ (lễ lại mặt). Người M’nông có tập tục tiến hành lễ ăn hỏi liền với lễ cưới. Trong lễ cưới, nhà trai phải mang đến nhà cô gái lễ vật gồm: Một ché rượu, gà nướng, gà sống, bát gạo trắng, cây đèn sáp, dao, chiếc lao, lược chải tóc...
Muốn lễ cưới được tiến hành sớm, nhà gái sẽ phải đem các vật lễ như dao, lược, váy áo mà nhà trai mang sang, tặng lại nhà trai để chứng tỏ rằng mình đã giữ trọn vẹn các lễ vật đính ước và ngỏ ý muốn nhà trai tiến hành lễ cưới. Sau đó, nhà gái tiễn nhà trai ra về. Bước tiếp theo, nhà gái sẽ sửa soạn các lễ vật để chuẩn bị cho lễ cưới sắp tới.
Đến ngày lành tháng tốt, nhà trai mang lễ vật sang nhà gái. Đi đầu là bà mối, theo sau là bố mẹ chú rể, chú rể và đại diện họ nhà trai. Đến trước sân nhà gái, bà mối hai bên hát đối đáp. Đồng thời bố cô dâu sẽ mời bà mối cùng đằng nhà trai và mọi người vào nhà.
Khi vào trong nhà, nhà trai bày lễ vật lên một chiếc nia. Già làng, bố cô dâu dẫn cô dâu ra, bà mối nhà trai đưa chú rể ra trình diện mọi người. Hai bên gia đình, một lần nữa hỏi đôi trai gái xem có gì thay đổi không. Nếu không, cô dâu sẽ đưa chiếc vòng đồng, để bố mình trao cho chú rể và cô dâu sẽ tự nhận lễ vật bên nhà trai.
Tiếp đến, nhà trai mang ché rượu đặt giữa nhà và cắt tiết con vật được hiến sinh hòa vào rượu để cúng thần. Bố cô dâu lấy một chiếc que, đầu buộc bông gòn, nhúng vào bát rượu pha huyết, vừa phết lên các vị trí thiêng trong nhà, vừa khấn các vị thần linh về việc kết hôn của con cái.
Đại diện nhà trai uống hai ngoh rượu (ngoh là một ống tre ngắn), tiếp đến là đôi vợ chồng trẻ rồi lần lượt là bố cô dâu, họ hàng, bà con buôn làng.
Sau khi mọi người uống rượu xong, bà mối và già làng mời hai vợ chồng mới cưới vào phòng ngủ của cô dâu để tiến hành nghi thức trùm chăn hay được gọi là kup boh (lễ trùm mặt), một nghi thức không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người M’nông.
Trong phòng, trên sạp tre, nhà trai đặt sẵn ché rượu có quệt huyết con vật hiến sinh lên miệng ché, gà nướng. Trên hai cạnh của núm lao được gắn hai cây nến. Khi hai cây đèn sáp đã cháy đều, đôi vợ chồng trẻ khẩn cầu các vị thần linh phù hộ cho mình được sống bên nhau hạnh phúc trọn đời.
Cầu khẩn xong, bà mối và già làng uống mỗi người hai ống rượu, bà mối sẽ mời cô dâu chú rể trao vòng đồng cho nhau. Nghi lễ tiếp theo, bà mối và già làng cầm một tấm chăn rộng trùm lên đầu cô dâu và chú rể chúc phúc cho họ. Chúc phúc xong, già làng và bà mối đẩy nhẹ cô dâu chú rể ngã xuống, ngay lập tức, cô dâu chú rể lật chăn lên trong tiếng reo hò cổ vũ của mọi người.
Theo luật tục xưa, nếu ai nhanh tay hơn khi lật chăn, người đó sẽ là trụ cột trong cuộc sống. Sau đó, hai vợ chồng trẻ mời nhau rượu và cùng đứng lên thổi tắt đèn sáp, họ sẽ so hai cây đèn sáp với nhau, cây nào dài hơn chứng tỏ người đó sẽ sống lâu hơn.
Hai vợ chồng trẻ đút cơm cho nhau biểu hiện tình cảm gắn bó của hai vợ chồng. Họ phải ăn hết bát cơm đó, không được bỏ dở, nghi thức này gọi là sa iăr (lễ ăn gà). Cô dâu và chú rể sẽ đút thịt và mời rượu bố mẹ và họ hàng hai bên để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn.
Khi đã trao lễ vật cho hai bên gia đình xong, cô dâu và chú rể cùng đi trao lễ vật cho những người có mặt tại lễ cưới và được họ tặng quà chúc phúc.
Sau đó, cô dâu ngồi tại chỗ dâng thịt và trao lễ vật cho nhà trai. Đầu tiên là bố mẹ chồng, kế đến là bà mối và họ hang, đàn bà thì sẽ được tặng 1 chiếc váy hoa kèm theo 1 vòng chỉ hoặc vòng cườm. Đàn ông thì sẽ được tặng 1 chiếc khố hoa, 1 vòng chỉ hoặc vòng cườm.
Tiếp sau đó, bà mối mời hai bên gia đình tiến ra gian nhà chính. Tại đây, mẹ chú rể trao vòng chỉ cho cô dâu, Bố cô dâu trao vòng chỉ cho chú rể. Rồi họ cùng nhau ngồi lại nói chuyện.
Lúc này, bà mối nhà trai đứng dậy sang ngồi bên nhà gái, còn ông bác nhà gái sang ngồi bên nhà trai. Họ có trách nhiệm giới thiệu cô dâu và chú rể biết vai vế của các thành viên trong dòng họ hai bên để họ biết kính trọng những người có vai lớn hơn mình và tuân thủ những điều cấm kỵ theo tục lệ của người M’nông.
Chú rể mời rượu và trao lễ vật cho bên nhà gái. Đầu tiên là bố mẹ vợ, kế đến là chủ hôn, rồi đến họ hàng. Đàn bà sẽ được tặng 1 chiếc váy hoa, vòng đồng, vòng chỉ hoặc vòng cườm. đàn ông thì sẽ được tặng 1 chiếc khố hoa, vòng đồng, vòng chỉ hoặc vòng cườm.
Hai bên gia đình và bà con họ hàng sẽ cùng nhau ăn uống, đánh chiêng, hát ca để chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ.
Trong không khí rộn ràng, hai bên nhà trai nhà gái giao kết với nhau rất cụ thể về những trường hợp có thể xảy ra trong cuộc sống của đôi vợ chồng sau này? Những giao kết này được hai gia đình bẻ các que để ghi nhớ từng mục.
Hai bên giao kết xong, bên nhà gái bưng một ché rượu và lễ vật đáp lại nhà trai. Theo phong tục, sau khi làm lễ cưới xong, hai vợ chồng lưu lại nhà vợ bốn hoặc tám ngày, rồi cùng bố mẹ, họ hàng nhà gái sang bên nhà trai để chào và đưa cô dâu ra mắt bố mẹ, họ hàng nhà chồng.
Nghi lễ tái hiện đám cưới truyền thống của dân tộc M’nông ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông mang đến nét văn hóa độc đáo mà người M’nông muốn giới thiệu, trình diễn với du khách gần xa tại ngôi nhà chung của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).