Độc đáo Lễ hội Ariêu Piing của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô
Vào dịp lễ hội Ariêu Piing, người Pa Cô huy động cả cộng đồng thực hiện việc cải táng người chết, xây sửa, trang trí lại lăng mộ tổ tiên và coi đây là công việc chung của cả cộng đồng.
Người Pa Cô có rất nhiều lễ hội nhưng Ariêu Piing (lễ cải táng) được xem là lễ hội lớn nhất. Lễ hội Ariêu Piing mang đậm nét văn hóa tâm linh đặc sắc, là ngày lễ giỗ tổ của người Pa Cô, thể hiện sự tôn kính, hiếu nghĩa của người đang sống với những người đã khuất.
Ngày 10/11/2023, tại Quyết định 3420/QÐ-BVHTTDL, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa "Lễ hội Ariêu Piing của người Tà Ôi (Pa Cô) (Quảng Trị)” vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Theo phong tục truyền thống từ xa xưa, Lễ hội Ariêu Piing của đồng bào Pa Cô được tổ chức nhằm đem lại sự siêu thoát cho những người đã khuất, mang lại cho dân làng một cuộc sống ổn định, bình yên.
Vào dịp lễ hội Ariêu Piing, người Pa Cô huy động cả cộng đồng thực hiện việc cải táng người chết, xây sửa, trang trí lại lăng mộ tổ tiên và coi đây là công việc chung của cả cộng đồng.
Tùy vào quyết định của già làng, khoảng từ 5 đến 16 năm, Lễ hội Ariêu Piing được đồng bào dân tộc Pa Cô sinh sống ở vùng cao của tỉnh Quảng Trị tổ chức một lần. Trong những ngày diễn ra Lễ hội Ariêu Piing, các hoạt động được đồng bào thực hiện là bốc mộ người đã khuất, làm nhà mồ mới của các dòng họ tập trung về một khu vực để tiện bề chăm sóc, thờ cúng, làm cây nêu, đánh trống, chiêng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị, Lễ hội Ariêu Piing mang tính cộng đồng cao, được tổ chức theo trình tự mang tính chất tập thể, người đứng đầu là người có uy tín và chức sắc cao nhất trong dòng họ và trong thôn bản.
Ngày đầu tiên của lễ hội, người dân trong làng tụ họp cùng nhau làm một ngôi nhà ngay giữa trung tâm, nơi tổ chức lễ hội. Ngôi nhà này có tên gọi là Ân Trạp, là nơi để tro cốt của người đã khuất và những đồ cúng tế.
Các nghi lễ trong Lễ hội Ariêu Piing diễn ra rất quy củ. Ngày thứ hai diễn ra Lễ hội là liên hoan văn hóa cồng chiêng và các môn thể thao truyền thống. Dân làng lại tụ tập quanh các trường thi đấu, những thanh niên khỏe mạnh tham gia cuộc thi đẩy gậy, những người khéo léo thì tham gia cuộc thi bắn nỏ trong tiếng reo hò cổ vũ. Đến ngày cuối là ngày thể hiện nét văn hóa tâm linh của đồng bào, bởi hôm đó mọi người đưa tiễn những người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong khi các hoạt động khác diễn ra thì tiếng cồng chiêng, tiếng trống ở nhà viếng Ân Trạp vẫn không ngừng vang lên. Những người thân ở xa, hoặc bà con làng xóm sẽ vào thắp hương, cúng viếng.
Trước khi lễ hội Ariêu Piing được tổ chức, họ hội ý trước 3 năm. Mỗi dòng họ Pa Cô cử ra một người trưởng dòng họ để làm phong tục cho dòng họ mình. Lễ hội này còn gọi là “Lễ nhổ xương ma, đưa vào nhà mới, còn gọi là nhà Piing."
Điều có ý nghĩa đặc biệt trong Lễ hội Ariêu Piing, đây còn là dịp để người dân cùng ngồi lại, bàn bạc và tìm cách giải quyết các vấn đề vướng mắc cả về phong tục tập quán lẫn đời sống và để con cháu trong các dòng họ nhận biết nhau, tránh tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được lồng ghép như giao lưu cồng chiêng, bắn nỏ, đẩy gậy...
Kết thúc Lễ hội, hài cốt của những người đã mất được thân nhân đưa về an táng tại các nhà mồ của mỗi dòng họ được xây dựng đúng với truyền thống văn hóa đặc trưng của đồng bào Pa Cô.
Lễ hội Ariêu Piing thể hiện nét văn hóa tâm linh, góp phần khơi dậy truyền thống hiếu nghĩa, đoàn kết gắn bó bền chặt trong cộng đồng làng bản./.