Độc đáo Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2024

Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ Văn hóa – Du lịch - Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2024 diễn ra trong vòng 5 ngày, từ ngày 13/4 đến ngày 17/4/2024 (tức ngày 5/3 đến ngày 9/3 năm Giáp Thìn) tại Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, du khách thập phương đã được chứng kiến rất nhiều các hoạt động đặc sắc, được đầu tư công phu, tỉ mỉ.

Thanh âm nguồn cội

Hoàng đế Lê Đại Hành (941-1005) húy là Lê Hoàn, sinh ra tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Không chỉ có công trong việc lãnh đạo nhân dân ta đánh tan quân xâm lược nhà Tống năm 981, trong suốt 24 năm trị vì, với nhiều kế sách tiến bộ, vua Lê Đại Hành đã xây dựng Đại Cồ Việt trở thành quốc gia phát triển vững mạnh. Nhờ những thành quả to lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, vua Lê Đại Hành trở thành một trong những vị vua đầu tiên đặt nền móng cho nền quân chủ phong kiến tập quyền Việt Nam cuối thế kỷ X.

Quang cảnh Đền thờ Lê Hoàn

Quang cảnh Đền thờ Lê Hoàn

Bằng tất cả niềm biết ơn, khi Đại Hành Hoàng đế băng hà vào năm Ất Tỵ 1005, người dân làng Trung Lập đã lập nên đền thờ Lê Hoàn nhằm tưởng nhớ công lao của vị vua tài ba. Gắn liền với khu di tích, xuyên suốt những năm qua, Lễ hội Lê Hoàn luôn được tổ chức một cách trang trọng trong không khí trang nghiêm, thành kính với đầy đủ các nghi lễ: dâng hương, khởi chỉnh cổ, đọc chúc văn, lễ tế cáo,…

Lễ hội Lê Hoàn được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về với cội nguồn, tổ tiên để chiêm bái và ngưỡng vọng. Năm 2023, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn đã được ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Cho đến nay, lễ hội không chỉ là hoạt động kỉ niệm nhân ngày mất Anh hùng dân tộc - vua Lê Đại Hành, để hậu thế bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tiền nhân mà còn góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc chung tay góp sức bảo vệ, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Những giá trị độc đáo

Đền thờ Lê Hoàn mang những nét độc đáo rất riêng. Về kiến trúc, ngôi đền có kết cấu hình chữ Công, rộng 13 gian, gồm các nhà tiền đường, trung đường, hậu cung. Hệ thống giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy, kèo góc được kết cấu liên kết tạo nên một tổng thể vững chãi cho ngôi đền. Đền thờ còn có những bức chạm thủng, chạm nổi, chạm bong tinh xảo trên một đồ án bố cục chặt chẽ, thể hiện tư duy thẩm mĩ cao của những nghệ nhân tài hoa. Với lối kiến trúc truyền thống cùng nghệ thuật trang trí đặc sắc, Đền thờ Lê Hoàn được đánh giá là một trong những di tích lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cổ, đẹp và độc đáo bậc nhất xứ Thanh.

Khung cảnh Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2024

Khung cảnh Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn năm 2024

Đền thờ Lê Hoàn không chỉ nổi bật với lối kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, tại đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý. Hiện nay, đền còn bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ như văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp,… Đây là những hiện vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, giúp đời sau hiểu thêm về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển truyền thống văn hóa của làng Trung Lập - một ngôi làng Việt có lịch sử lâu đời.

Hiện trạng của ngôi đền về cơ bản còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn đến ngày nay. Trải qua trên dưới 1.000 năm tồn tại, ngôi đền đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ được các yếu tố gốc của di tích như kiểu dáng, vật liệu, đặc biệt là các mảng chạm khắc và kết cấu bộ khung,…

Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội Lê Hoàn

Trong những ngày diễn ra lễ hội, không khí tại di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn trở nên sôi nổi với các hoạt động thú vị. Các hoạt động chính bao gồm: tổ chức rước kiệu từ các làng văn hóa xã Xuân Lập, xã Phú Xuân, xã Trường Xuân; nghi thức tế lễ và chúc văn; diễn văn Lễ Kỉ niệm; đánh trống khai hội. Bên cạnh đó là Chương trình Nghệ thuật “Lê Đại Hành Hoàng đế - chiến công ghi mãi ngàn năm”.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa – Du lịch - Ẩm thực, huyện Thọ Xuân cũng tổ chức trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của huyện, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện. Bánh lá răng bừa, bánh gai tứ trụ, nem nướng,… đều là các sản phẩm nức tiếng và trở nên quen thuộc với du khách gần xa. Điều tạo nên sự hấp dẫn của lễ hội không thể không kể đến các phần trình diễn văn nghệ, các hoạt động thể thao, cắm trại binh và các trò chơi dân gian truyền thống.

Trò chơi dân gian tại Lễ hội thu hút sự quan tâm của du khách thập phương

Trò chơi dân gian tại Lễ hội thu hút sự quan tâm của du khách thập phương

Anh Phạm Anh Tuấn – du khách từ Triệu Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ: “Đây là lần đầu mình tới với Lễ hội Lê Hoàn qua lời mời của một người bạn tại Thọ Xuân. Mình rất ấn tượng với các hoạt động từ phần lễ cho tới phần hội. Tất cả đều được tổ chức công phu, bài bản, đem lại cho du khách những trải nghiệm đáng giá nhất”.

Trong hành trình về với xứ Thanh, Đền thờ Lê Hoàn đã, đang trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn. Với sự chuẩn bị chu đáo, chỉn chu về mọi mặt, Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ Văn hóa – Du lịch - Ẩm thực huyện Thọ Xuân 2024 sẽ góp phần quảng bá hình ảnh huyện Thọ Xuân nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, để họ hiểu hơn về những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của mảnh đất, con người nơi đây.

Trịnh Trang

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nhan-vat-su-kien/doc-dao-le-hoi-den-tho-le-hoan-nam-2024-56966.html