Cứ đến mùng 4 Tết hàng năm, người dân xa Đại Đồng (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) lại nô nức tổ chức, tham dự lễ hội "Trâu rơm bò rạ".
Với ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, 2 làng Đồng Vệ và Bích Đại lại tập trung ở miếu làng để diễn lại tích xưa.
Nằm ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, xã Đại Đồng cũng như bao vùng quê thuần nông khác, người dân nơi đây luôn mong muốn mưa thuận gió hòa trong đầu năm mới để có được vụ mùa bội thu.
Để chuẩn bị cho lễ hội "Trâu rơm bò rạ", người dân xã Đại Đồng chuẩn bị rất kĩ lưỡng từ khâu phục trang... Đặc biệt, nhân vật chính những chú trâu, bò được làm từ rơm rạ được lựa chọn kĩ lương từ vụ mùa trước thu hoạch, xử lý bằng cách phơi khô và bảo quản.
Từ rất sớm, người dân 2 làng Đồng Vệ và Bích Đại đã tập trung, các chú "trâu, bò" rơm rạ được sắp xếp ra trước sân đình và các cụ cao niên kiểm tra trước khi tiến lên miếu xã Đại Đồng để làm lễ.
Theo tìm hiểu của PV, Lễ hội "Trâu rơm bò dạ" được phục dựng lại năm 1996 giữ nguyên những nét cốt lõi của lễ hội xưa. Tất cả đều tham gia, bày trò nơi sân miếu vào đầu năm, tạo nên bức tranh xuân rộn ràng, đong đầy giá trị nhân văn.
Sau phần dâng lễ của các cụ cao niên tại miếu làng Đại Đồng, không khí lễ hội tưng bừng bắt đầu diễn ra, những con trâu bằng rơm, bằng rạ được người dân hóa thân đi cày.
Phần chính của phần hội đó là tái hiện các hoạt động "tứ dân chi nghiệp": Nông dân, thầy đồ, học trò, thợ mộc. Họ tượng trưng cho 4 tầng lớp: Sĩ, nông, công, thương.
Qua những hoạt cảnh sản xuất nông nghiệp thường ngày, người dân Đại Đồng bày tỏ khát vọng lao động, cầu mùa, cầu lộc trời cho là mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, gia súc gia cầm sinh sôi nảy nở.
Không khí hứng khởi của lễ hội được người dân xã Đại Đồng tạo ra nhằm hướng đến một năm lao động sản xuất hăng say.
Lễ hội "Trâu rơm bò rạ" là lễ hội đặc trưng của nền văn minh lúa nước khu vực đồng bằng sông Hồng.
Thiên Anh