Độc đáo Lễ mừng nhà mới của người Khơ Mú
Đồng bào dân tộc Khơ Mú xưa có câu: 'Làm ăn có tháng, làm nhà có ngày' nên việc chọn ngày lành tháng tốt để vào nhà mới là một trong những việc hệ trọng trong đời người. Đây là nghi thức có từ bao đời vẫn được duy trì đến ngày nay.
Ngôi nhà là không gian đặc biệt của người Khơ mú. Về mặt tâm linh, trong ngôi nhà bếp là nơi quan trọng nhất. Trong gian này có 2 cái bếp, một cái chuyên việc nấu nướng hàng ngày, cái còn lại người Khơ Mú gọi là “bếp chủ nhà”. Đây là nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng như lễ tết, lễ mừng nhà mới, lễ vía... Những người trong gia đình sử dụng gian bếp này.
Chính vì ngôi nhà là một không gian đặc biệt như thế nên lễ ăn mừng nhà mới cũng trở thành nghi lễ quan trọng. Trong cộng đồng, hễ có lễ mừng nhà mới là vui cả bản. Mỗi lần dựng xong nhà mới, người Khơ Mú đều có tập tục làm lễ để cầu mong cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tập tục này xuất phát từ quan niệm của họ về thế giới thần linh, về quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Người Khơ Mú thường làm vào những ngày chẵn, đồng thời phải là những ngày nhàn rỗi của dân bản, có như vậy họ mới tham gia đầy đủ vào ngày làm lễ lên nhà mới của gia đình. Trước hôm lên nhà mới người Khơ Mú thường tổ chức nhảy múa để thông báo cho bà con dân bản tới dự lễ mừng nhà mới của mình.
Theo phong tục của đồng bào dân tộc Khơ Mú, nghi lễ vào nhà mới thường được người đàn ông, là chủ gia đình trực tiếp thực hiện nghi thức cúng trong lễ. Để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng này, gia chủ phải chuẩn bị các đồ dùng sinh hoạt gồm kiềng, chăn, mền, xoong nồi… Đặc biệt, không thể thiếu mâm lễ vật gồm: gà luộc, xôi, nội tạng lợn, rượu trắng, 1 đôi bát, 2 đôi đũa, 2 cái thìa, bát nước luộc gà, bát chẩm chéo, một bình rượu cần. Ngoài ra còn phải chuẩn bị chiêng, những ống vầu để múa Tăng bu.
Trước khi đến ngày vào nhà mới, gia chủ mời một người cao niên trong bản, thường là già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín trong cộng đồng, có gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả để làm người đại diện hỗ trợ trong ngày làm lễ vào nhà mới.
Những lễ vật chuẩn bị cho việc lên nhà mới được chuẩn bị xong mọi người có mặt đầy đủ trong ngôi nhà vừa được dựng. ông chủ lễ (chủ nhà) sẽ tiến hành nghi thức cúng mừng nhà mới: “Con xin báo cáo với thần linh, thần địa, tổ tiên chúng con đã làm xong nhà mới và được ngày lành tháng tốt, chúng con sẽ tiến hành lễ mừng nhà mới cầu mong thần linh, tổ tiên chứng giám. Con xin tổ tiên, thần linh phù hộ để ngôi nhà vững chắc, mọi thành viên trong gia đình khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi lúa, ngô, khoai, sắn đầy nhà; trâu, bò, lợn gà nhiều không bị dịch bệnh”.
Sau khi nghi lễ được tiến hành xong, tiếng chiêng bắt đầu vang lên, điệu múa tăng bu cũng được đồng bào Khơ Mú tái hiện những động tác làm rẫy, đốt nương. Ông chủ nhà hoặc bà nhà sẽ hát trước, dân bản hát theo. Cây tăng bu được làm bằng một đoạn thân cây nứa, có đường kính thân khoảng từ 4- 6cm, dài khoảng từ 1,4m- 1,6m tùy theo mỗi người.
Sau một nhịp dẫn, tất cả mọi người cùng vỗ mạnh cây tăng bu xuống sàn gỗ, tạo nên một dàn âm thanh cộng hưởng. Dàn âm thanh này luôn được giữ nhịp rất đều, những người tham gia múa vừa phải đảm bảo tạo ra âm thanh, vừa bước uyển chuyển theo nhịp điệu và giữ nhịp cho đều. Sau mấy vòng múa lại xoay chiều di chuyển một lần, cứ như thế vòng múa tăng bu tạo cho người tham ra một cảm giác đầm ấm, đoàn kết, vui vẻ như không hề biết dừng lại.
Những tiếng dậm dịch dưới sàn hòa lẫn tiếng chiêng rộn ràng gọi mời các linh hồn trong gia đình về nghe tiếng chiêng, thưởng thức những điệu múa để phù hộ cho gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngày nay, phương thức canh tác theo hình thức chọc lỗ tra hạt vẫn còn phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số, vì vậy điệu múa tăng bu mô tả hình ảnh chọc lỗ tra hạt vẫn còn tồn tại trong đời sống văn hóa văn nghệ của đồng bào. Nó như một sản phẩm kết tinh từ sự sáng tạo của đồng bào trong quá trình lao động với một nền tảng âm nhạc dân gian phong phú, đặc sắc. Những điệu xòe của đồng bào Khơ Mú và du khách xung quanh đã góp phần làm cho không khí trở nên náo nhiệt.
Kết thúc việc cúng lễ cũng là lúc chủ nhà mời tất cả anh em, họ hàng ngồi vào mâm cùng uống rượu cần và thưởng thức mâm cơm cúng để cả gia đình sẽ yên tâm và hăng hái sản xuất hơn. Những người tới dự uống rượu cần và bắt đầu với lời chúc tốt đẹp tới chủ nhà, họ truyền tay nhau men rượu và cả niềm hy vọng về cuộc sống yên ấm, mùa màng bội thu.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/doc-dao-le-mung-nha-moi-cua-nguoi-kho-mu-2023090511064995.htm