Độc đáo lễ Thu tế làng Chuồn

Trên đường cung nghinh bài vị các vị khai canh, ở mỗi đầu xóm của làng Chuồn đều dựng cổng tam quan, treo đèn kết hoa và bày hương án trang trọng, trước đình làng là hương án của 7 họ được trang hoàng lộng lẫy, uy nghiêm.

Cung nghinh bài vị của các vị khai canh từ miếu làng ở Đồng Miệu về tổ đình làng Chuồn

Cung nghinh bài vị của các vị khai canh từ miếu làng ở Đồng Miệu về tổ đình làng Chuồn

Rạng sáng 13-8 (tức 16 tháng 7 Âm lịch) nhiều người trang phục chỉnh tề long trọng cung nghinh bài vị của các vị khai canh từ miếu làng ở Đồng Miệu, sát đầm Chuồn về tổ đình và mọi nghi lễ cúng tế đều diễn ra trong không khí trang nghiêm, tôn kính tại tổ đình. Đây là nghi thức mở đầu lễ Thu tế làng Chuồn (còn gọi là làng An Truyền thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, cách thành phố Huế 5km về phía đông, là một ngôi làng không rộng lắm nhưng dân cư đông đúc, sống hiền hòa với ruộng vườn, đầm phá).

Trên đường cung nghinh bài vị các vị khai canh, ở mỗi đầu xóm của làng Chuồn đều dựng cổng tam quan, treo đèn kết hoa và bày hương án trang trọng, trước đình làng là hương án của 7 họ được trang hoàng lộng lẫy, uy nghiêm.

Các vị cao niên đứng trước hương án thành kính cúi lạy khi đoàn rước ngang qua. Đoàn rước tiến về đình làng, hương án của 7 họ được bố trí hai bên với sự trang trọng, tưởng nhớ các bậc tiền nhân.

Cung nghinh bài vị của các vị khai canh từ miếu làng ở Đồng Miệu về tổ đình làng Chuồn

Cung nghinh bài vị của các vị khai canh từ miếu làng ở Đồng Miệu về tổ đình làng Chuồn

Theo các vị cao niên, dân làng đi hành hương (dâng cúng) lễ vật từ chiều ngày 16 Âm lịch tháng 7, con dân làng ở xa trong cả nước cũng về dự thu tế, nếu không về được thì cũng gửi lễ vật hoặc tiền bạc bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, tình cảm dành cho quê hương.

Đêm 16, trời trong trăng sáng, mát mẻ, già trẻ trai gái trong làng đều thức để hòa mình vào niềm vui chung của làng nước, bà con phương xa về cúng tổ tiên, thăm quê hương, vui vầy hàn huyên tâm sự và thú vị hơn là được nhấm nháp rượu ngon nổi tiếng làng Chuồn, thưởng thức đặc sản quê nhà: lát bánh tét dẻo thơm và nhón nhén nhai bánh khoái cá kình lạ miệng.

Bắt đầu vào lúc 2 giờ khuya ngày 17 tháng 7 Âm lịch, khi trời chưa mờ sáng, đây là thời điểm thiêng liêng nhất của đất trời, dân làng háo hức cùng nhau tề tựu quanh đình làng tham dự lễ tế. Trong sự tĩnh lặng của một ngày mới, tiếng trống, kèn và điệu hát Thài vang lên kỳ ảo với những lời lẽ chí tình tha thiết báo đáp ơn đất.

Sau bài văn tế và 3 tuần rượu, người tư văn cắt một vuông thịt trên sườn bò để vào chiếc mâm đồng sáng loáng và trân trọng trao cho vị chánh tế, đây là lộc của thần, của tổ tiên tặng cho dân làng mà vị chánh tế là đại diện, lộc này cũng tượng trưng cho lời chúc phúc được mùa, làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, ấm no hạnh phúc, mọi người an vui.

Các nghi thức đều mang dấu ấn dân tộc cổ truyền theo đúng nghi thức lễ cúng ngày xưa

Các nghi thức đều mang dấu ấn dân tộc cổ truyền theo đúng nghi thức lễ cúng ngày xưa

Khi mọi nghi thức cúng tế xong, bài văn tế sẽ được đốt ở trước tổ đình để biểu thị cho tấm lòng thành kính của người dân làng đang quyện theo mây gió, trầm hương về với người thân yêu đã khuất bóng. Trong không khí trang nghiêm huyền bí này, dân làng lặng im tưởng niệm...

Lúc trời rạng sáng, vào khoảng độ từ 4 đến 5 giờ sáng 17 Âm lịch, đám rước bắt đầu, dân làng trân trọng tiễn đưa "Tiên y thánh mẫu" và "Nhị vị tôn ông" về lại miếu làng, đám rước rầm rộ, đoàn người áo thụng, cờ lọng rợp trời nối bước nhau trên bờ đê nhỏ in bóng xuống mặt nước đầm Chuồn.

Điều đặc sắc của lễ Thu tế làng Chuồn là các nghi thức, trang phục... đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng mọi người, bởi tất cả đều mang dấu ấn dân tộc cổ truyền theo đúng nghi thức lễ cúng ngày xưa.

VĂN THẮNG - ĐÌNH HOÀNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//doc-dao-le-thu-te-lang-chuon-834279.html