Độc đáo mô hình bảo vệ đàn cá tự nhiên trên sông Tiền

Hàng ngày, cứ vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, các thành viên của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hồng Ngự lại đến cho đàn cá tự nhiên ăn.

Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hồng Ngự cho đàn cá tự nhiên ăn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hồng Ngự cho đàn cá tự nhiên ăn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Trên sông Tiền, tại khu vực bờ kè An Thạnh, phường Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) xuất hiện đàn cá tự nhiên với rất nhiều loài cá nước ngọt. Chính quyền địa phương và người dân quan tâm bảo vệ, cho ăn hàng ngày nên cá về ở nơi đây ngày càng nhiều, ước chừng đàn cá lên đến hàng chục tấn. Việc này góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch gần xa đến tham quan, trải nghiệm cho cá ăn.

Hàng ngày, cứ vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, các thành viên của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hồng Ngự lại đến cho đàn cá tự nhiên ăn. Ông Trương Minh Hải, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hồng Ngự cho biết, sông Tiền là một trong hai con sông lớn chảy qua Đồng Tháp, trước đây có cá, tôm rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian sau này do người dân đánh bắt quá nhiều nên nguồn lợi thủy sản trên sông Tiền suy giảm. Hơn một năm trước, nhận thấy ở khu vực bờ kè An Thạnh xuất hiện một số loài cá về trú ngụ, chính quyền địa phương và người dân bảo vệ, cho ăn nên chúng kéo về ở đông hơn.

Tháng 7/2024, Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hồng Ngự với hơn 70 thành viên (trong đó có 9 thành viên thường trực) được thành lập. Theo ông Trương Minh Hải, lãnh đạo địa phương rất quan tâm việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Thành viên của Tổ là đại diện các đoàn thể ở phường như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… và người dân. Các đoàn thể và các thành viên trong Tổ thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân không đánh bắt đàn cá tự nhiên; tổ chức thả thêm cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hồng Ngự và lực lượng chức năng phối hợp tuần tra trên sông Tiền nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những người đánh bắt thủy sản trái phép trong khu vực bảo vệ đàn cá tự nhiên.

Cùng với thức ăn công nghiệp, người dân còn cho đàn cá ăn phế phẩm rau, củ, quả thu gom ở chợ. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Cùng với thức ăn công nghiệp, người dân còn cho đàn cá ăn phế phẩm rau, củ, quả thu gom ở chợ. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hồng Ngự dùng chà tre rào xung quanh bến sông, nuôi lục bình để đàn cá có nơi trú ngụ an toàn; gắn đèn, camera giám sát và có bố trí người trực đêm để bảo vệ đàn cá tự nhiên trên sông Tiền. Nhờ thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nên người dân địa phương rất tích cực bảo vệ đàn cá và đóng góp thức ăn.

Ông Nguyễn Thái Bằng ở phường Hồng Ngự chia sẻ, có đàn cá tự nhiên về trú ngụ, ông cảm thấy rất vui và thường xuyên đi thu gom thức ăn thừa tại các quán ăn trên địa bàn phường, mang về cho đàn cá. Bởi đàn cá có nơi ở an toàn và ăn no đủ thì sẽ gắn bó với nơi đây.

Ông Trần Ngọc Hùng ở phường Hồng Ngự cũng rất phấn khởi, tự hào giới thiệu với bạn bè gần xa về một trong những điểm đặc biệt của quê hương, đó là đàn cá sông tự nhiên. Ngoài việc tham gia trông coi, bảo vệ đàn cá; mời nhiều bạn bè đến tham quan và vận động ủng hộ thức ăn công nghiệp cho đàn cá, ông còn tham gia đi thu gom phế phẩm rau, củ, quả ở chợ để về làm thức ăn cho cá.

Người dân địa phương thường xuyên đến thăm đàn cá tự nhiên và cho chúng ăn. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Người dân địa phương thường xuyên đến thăm đàn cá tự nhiên và cho chúng ăn. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hồng Ngự trước đây và phường Hồng Ngự hiện tại cùng sự chung tay, góp sức của nhân dân, đàn cá tự nhiên trên sông Tiền tại khu vực bờ kè An Thạnh phát triển, ước chừng lên đến hàng chục tấn. Đàn cá gồm nhiều loài cá nước ngọt như: cá tra, cá trê, cá rô, cá mè, cá lăng, cá vồ đém… Tuy nhiên, chiếm đa số là cá tra, trung bình trọng lượng mỗi con từ 2 kg trở lên, thỉnh thoảng cũng xuất hiện con cá tra khoảng hơn 10 kg. Đàn cá tự nhiên được bảo vệ, cho ăn hàng ngày nên rất dạn dĩ và có thể bắt dễ dàng.

Bến sông Tiền ở khu vực bờ kè An Thạnh với sự quản lý của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hồng Ngự đã trở thành địa chỉ tin cậy, an toàn, thu hút nhiều tổ chức, nhân đến thả cá phóng sinh và thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Cuối năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Thành phố Cần Thơ cũng chọn nơi đây để tổ chức lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tại đây, các tổ chức, cá nhân thả khoảng 200 nghìn con cá giống các loại xuống sông Tiền như: cá he, cá hô, cá tra, cá mè, cá vồ cờ, cá điêu hồng, cá chạch lấu…

Đàn cá tự nhiên trên sông Tiền, tại khu vực bờ kè An Thạnh, phường Hồng Ngự là một trong những điểm đến của Chương trình du lịch Sắc màu vùng biên ở tỉnh Đồng Tháp. Trong thời gian 2 ngày 1 đêm, du khách tham quan, trải nghiệm một số điểm du lịch ở các địa phương biên giới của tỉnh Đồng Tháp như Tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung; tham quan Vườn sinh thái Nam Hương; Làng nghề dệt choàng Long Khánh; vùng nuôi cá tra; cột mốc biên giới Trạm kiểm soát biên phòng Mộc Rá (thuộc Đồn biên phòng Bình Thạnh)…

Khu vực bảo vệ đàn cá tự nhiên trên sông Tiền, ở khu vực bờ kè An Thạnh, phường Hồng Ngự. Ảnh: Nhựt An /TTXVN

Khu vực bảo vệ đàn cá tự nhiên trên sông Tiền, ở khu vực bờ kè An Thạnh, phường Hồng Ngự. Ảnh: Nhựt An /TTXVN

Đang định cư ở Mỹ, có dịp về Việt Nam gần đây, chị Cao Sói Mũi và các thành viên trong gia đình đã đến tham quan đàn cá tự nhiên trên sông Tiền, tại khu vực bờ kè An Thạnh. Chị Cao Sói Mũi cho biết, chị cũng có nghe nói về đàn cá này nhưng khi trực tiếp đến xem thì rất bất ngờ và thích thú vì đàn cá nhiều hơn chị nghĩ, cá lại to. Đặc biệt là được trải nghiệm tự tay cho cá ăn, khi rải thức ăn xuống, đàn cá ngoi lên mặt nước, đớp thức ăn, nhìn rất vui.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND phường Hồng Ngự, với sự bảo vệ của chính quyền địa phương và người dân, đàn cá tự nhiên ở khu vực bờ kè An Thạnh phát triển ngày càng nhiều. Thông qua nhiều hình thức, địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ và vận động nguồn thức ăn cho đàn cá.

Cùng đó là nghiêm cấm khai thác thủy sản trái phép dưới mọi hình thức trong phạm vi từ đoạn sông cầu Sở Thượng đến cầu Nguyễn Tất Thành, dài khoảng 3 km. Sự xuất hiện của đàn cá tự nhiên bên bờ sông Tiền ở Hồng Ngự không chỉ mang lại niềm vui cho người dân địa phương mà còn góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển du lịch.

Nhựt An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doc-dao-mo-hinh-bao-ve-dan-ca-tu-nhien-tren-song-tien-20250710073751415.htm