Độc đáo mô hình trồng quất bonsai ở Yên Thắng

Khu vườn của anh Lê Đức Bình ở thôn Vân Hạ, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô những ngày cận Tết trở nên ấn tượng với khách tham quan bởi hàng nghìn chậu quất bonsai đẹp, độc. Có những cây tuổi đời lên tới 20-30 năm được tạo dáng cầu kỳ, thể hiện lối chơi khác biệt cũng như bàn tay tài hoa của chủ vườn.

Anh Lê Đức Bình bên các tác phẩm quất bonsai.

Anh Lê Đức Bình bên các tác phẩm quất bonsai.

Vốn đam mê cây cảnh, anh Bình biết trồng và chơi cây từ rất sớm. Trước đây, các loại cây cảnh mà anh trồng chủ yếu là sanh, si, tùng la hán, ruối, muội… nhưng cũng chỉ để chơi, mua bán giao lưu là chính. Từ năm 2015, anh mới nảy sinh ý định làm ăn kinh tế từ nghề này và quất bonsai là lựa chọn khả thi nhất bởi lúc

bấy giờ cây cảnh đã ở vào thời kỳ bão hòa. Thế là anh Bình đầu tư vốn liếng, thời gian đến nhiều vùng trồng quất ở các tỉnh, thành phố phía Bắc để mua cây giống. Rồi tình cờ, tìm được vườn quất của một trạm xá cũ, trước người ta trồng để làm thuốc nay bỏ đi, anh liền xin lại và thuê người đào gốc, di chuyển toàn bộ về

nhà. Ngoài ra, anh Bình còn đến các lò gốm thủ công ở Bát Tràng tìm đặt các chậu gốm, sứ phù hợp, đẹp, lạ về ký cây. Đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, mới lạ, những cây quất cảnh bonsai của anh dần được người tiêu dùng biết đến, yêu thích. Làm ăn có chút lãi nào, anh lại đầu tư nhân rộng vườn, ban đầu là vài chục cây,

sau nhân lên hàng trăm, hàng nghìn cây. Còn hiện tại, vườn của anh có hơn 3.000 gốc quất to, nhỏ đủ loại. Mỗi gốc quất là một tác phẩm nghệ thuật với dáng thế khác nhau, vào mùa Tết, cả vườn như được thắp sáng bởi những chùm quả trĩu trịt, vàng rực.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh vườn, anh Bình thuyết minh tỉ mỉ dáng thế của từng cây, từng chậu quất. Nào là long giáng, phụng chầu, thác đổ, rồi trực, huyền, huynh đệ, tứ quý, kim long… Mỗi chậu quất còn mang một câu chuyện, một chủ đề và thông điệp khác nhau giúp cho người thưởng lãm không thấy nhàm chán.

Có tác phẩm thể hiện tình phụ tử cha con thắm thiết, có cây thể hiện nghĩa phu thê, có cây mang thông điệp về tương sinh, tương khắc, có cây thể hiện sức sống, sức vươn lên mãnh liệt khi toàn thân đã bị lũa hóa chỉ còn chút vỏ nhưng vẫn sống, ra hoa, đậu quả… Theo anh Bình: Chăm sóc một chậu quất bonsai rất khó.

Trồng quất trong chậu, trong bình cần chăm chút tỉ mỉ hơn rất nhiều so với trồng dưới đất. Cho nhiều hoặc ít chất dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Nếu cho phân quá nhiều, cây sẽ bị rụng hoa nhưng nếu phân ít, cây sẽ yếu không ra hoa. Các giai đoạn chiết cành, tạo dáng, đón quả cần chuẩn xác, nếu không cây sẽ bị phá thế. Có những cây đường kính gốc chỉ 3 cm thôi cũng phải nuôi tới 3-4 năm trời.

Ngoài ra, tháng 7, tháng 8 trời mưa liên tục, hay khoảng tháng 11-12 trời hanh khô cũng dễ khiến cây bị chết đột ngột.

"Cái khó nhất của việc trồng quất thế, quất bonsai là giải quyết được mâu thuẫn cây quất già lâu năm thì thường ít quả và khó chăm sóc. Tôi phải mất một thời gian dài tìm tòi, thử nghiệm với nhiều thất bại. Mất nhiều đêm không ngủ, tôi mới tìm ra cách giải quyết vấn đề nan giải này" - anh Bình chia sẻ.

Mặc dù khó làm nhưng 1 cây quất bonsai có giá gấp 4-5 lần cây quất thông thường. Đây cũng chính là "quả ngọt" mà anh Bình thu được từ hướng đi mới.

Anh Nguyễn Tiến Nam, khách hàng thường xuyên của anh Bình mỗi dịp Tết cho biết: Tôi rất yêu thích những cây quất ghép bonsai của nhà vườn bởi cây quất kết hợp được giữa sự mềm mại, tươi xanh, rực rỡ của cành lá với chất cứng cỏi, mộc mạc của những thân cây phong trần in dấu thời gian, từ đó tạo nên 1 tác phẩm mang vẻ đẹp mạnh mẽ, lôi cuốn, khác biệt.

Đặc biệt, do cây của nhà vườn là cây nguyên bản, không chiết, ghép, không dùng thuốc kích thích và được trồng thuần trên chậu từ nhỏ nên bền, dễ chăm sóc.

Bài, ảnh: NGUYỄN LỰU

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doc-dao-mo-hinh-trong-quat-bonsai-o-yen-thang/d20220110083130519.htm