Độc đáo mô hình tự chủ đại học đầu tiên ở Việt Nam: 'Cho tất cả, trừ tiền'
Với 30 năm phát triển, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) trở thành thương hiệu giáo dục có uy tín quốc tế.

'Hội làng HSB 2025'.
Điều tuyệt vời hơn thế là, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) thực sự trở thành ngôi nhà chung của chúng ta cùng hàng chục nghìn cựu sinh viên thành đạt và hạnh phúc - những con người sống có văn hóa, đạo đức, lý tưởng, đam mê, đang từng ngày tiếp tục học tập, lao động, sáng tạo và có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển bền vững của các tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia.
“Chuyển mình” cùng đất nước
Đầu những năm 1990, khi đất nước chuyển mình trong công cuộc đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đứng trước đòi hỏi cấp thiết phải hiện đại hóa, linh hoạt và tiệm cận nhu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh ấy đã hun đúc ý tưởng táo bạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về một cơ sở đào tạo đại học công lập, nhưng được trao quyền tự chủ thực chất – từ tài chính, nhân sự đến học thuật – để hoạt động như một tổ chức giáo dục hiện đại, sẵn sàng cạnh tranh, tự nuôi sống và phát triển.
Ý tưởng đã được GS.VS Nguyễn Văn Đạo - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) khi ấy tiếp nhận và quyết liệt hiện thực hóa, đặt nền móng cho Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) ra đời ngày 13/7/1995, với triết lý đặc sắc: “Cho tất cả, trừ tiền”.
Với quyền tự chủ chưa từng có tiền lệ trong hệ thống giáo dục công lập, HSB trở thành đơn vị tiên phong triển khai mô hình quản trị đại học hiện đại: khác biệt hóa chương trình đào tạo, công nghệ dạy học, quản trị điều hành, liên tục đổi mới nội dung – tất cả được thiết kế để bám sát nhu cầu xã hội và chuẩn mực quốc tế. Mô hình HSB nhanh chóng trở thành hình mẫu để các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN và nhiều cơ sở giáo dục trong nước học tập, nhân rộng tinh thần tự chủ đại học.
Ngay từ ngày đầu, HSB đã xác định nhiệm vụ phát triển các chương trình đào tạo liên ngành, đổi mới mạnh mẽ, ứng dụng tri thức hiện đại. Nhờ đó, trường không chỉ dẫn đầu về chất lượng, mà còn tiên phong cập nhật các trường phái học thuật quốc tế, hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp, đưa người học tiếp cận thực tiễn ngay trong quá trình học tập.

Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) và Viện An ninh phi truyền thống tổ chức Diễn đàn hợp tác Quản trị An ninh phi truyền thống khu vực ASEAN (ACF – MNS).
Dấu ấn khác biệt của HSB
Mặc dù bắt đầu từ “0 đồng”, HSB luôn khao khát khẳng định bản sắc riêng của mình và đặt các giá trị “Sáng tạo – Tiên phong – Chất lượng” thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động phát triển của mình trong suốt 30 năm qua. Từ định hướng ấy, HSB đã xây dựng nên những bản sắc học thuật độc đáo, mà tiêu biểu là trường phái học thuật IBM-MNS – nền tảng đào tạo và nghiên cứu tích hợp ba trụ cột: Quản trị – Công nghệ – An ninh. Đây là hướng đi đặc biệt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Điểm đặc biệt làm nên dấu ấn khác biệt của HSB là, trường tiên phong khai mở trường phái học thuật an ninh phi truyền thống, lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam. Ngày 13/1/2019, đáp ứng yêu cầu cấp bách về quản trị rủi ro trong môi trường kinh doanh và quản lý hiện đại, HSB thành lập Trung tâm nghiên cứu Khoa học quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống (NSMS).
Ba năm sau, trên cơ sở hoạt động của NSMS, Viện An ninh phi truyền thống (INS) được thành lập. Đây là cơ quan công lập tự chủ cấp trường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và là cơ quan nghiên cứu khoa học liên ngành đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Viện An ninh phi truyền thống và Trường Quản trị và Kinh doanh đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện nhiều đề tài khoa học, nghiên cứu khoa học có tính mới, giá trị về lý luận và thực tiễn cao. Viện đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương tổ chức gần 50 Hội thảo khoa học về lĩnh vực an ninh phi truyền thống; triển khai thực hiện 16 đề tài khoa học cấp tỉnh/thành phố ở nhiều địa phương trong cả nước như các đề tài về An ninh kinh tế, An ninh môi trường, An ninh nguồn nước, An ninh biển và cảng biển… tại các tỉnh, thành phố. Không dừng lại ở đó, HSB và Viện An ninh phi truyền thống đã thực hiện hàng loạt nghiên cứu cấp nhà nước, công bố quốc tế các công trình về an ninh phi truyền thống.
Song song với các chương trình đào tạo, HSB còn đầu tư mạnh vào chuyển giao tri thức, đặc biệt là trong các chủ đề mới như: an ninh môi trường, an ninh kinh tế, an ninh nguồn nước, an ninh biển và cảng biển… Những kết quả nghiên cứu không chỉ được công bố quốc tế, mà còn được ứng dụng trực tiếp thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo tại nhiều địa phương trong cả nước.
Trong 30 năm, HSB liên tục đổi mới chương trình và hình thức đào tạo. Đến nay, HSB đã sáng tạo 6 chương trình cử nhân liên ngành, 3 chương trình thạc sĩ và 1 chương trình tiến sĩ chuyên biệt, tất cả đều được thiết kế theo triết lý tích hợp: kiến thức quản trị kinh doanh + quản trị an ninh phi truyền thống, mang tính thực tiễn cao, cập nhật các xu hướng học thuật toàn cầu. Các chương trình này đã đào tạo hàng nghìn sinh viên, học viên, cung cấp cho xã hội đội ngũ chuyên gia quản trị doanh nghiệp, an ninh kinh tế, quản trị thương hiệu, quản trị rủi ro – những lĩnh vực cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập sâu rộng.

Hội thảo về An ninh nguồn nước.
Vươn mình ra thế giới
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, từ một đơn vị không có đồng ngân sách nào, HSB đã trưởng thành thành cơ sở giáo dục công lập tự chủ bậc nhất, được kiểm định chất lượng quốc tế ACQUIN; đào tạo hơn 15.000 cựu sinh viên, học viên, nhiều người giữ vị trí lãnh đạo trong khu vực công và tư. Trường hiện triển khai 10 chương trình đào tạo chất lượng cao, liên ngành, tiêu chuẩn quốc tế; duy trì và phát triển trường phái học thuật IMB-MNS…
Trên chặng đường phát triển, HSB luôn đặt mục tiêu vươn mình ra thế giới; mục tiêu ấy không chỉ thể hiện ở việc nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế, mà còn ở việc mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục uy tín toàn cầu. Trong tương lai, HSB tiếp tục đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng trên toàn thế giới, nhằm mở rộng không gian học thuật, nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Quan trọng hơn, HSB đã khẳng định giá trị cốt lõi của một cơ sở đào tạo đại học: không chỉ giỏi lý thuyết, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề mới của xã hội, dẫn dắt xu hướng nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đúng tinh thần “Cho tất cả, trừ tiền” – sẵn sàng chia sẻ tri thức, kết nối doanh nghiệp, cộng đồng, nhưng không trở thành gánh nặng cho ngân sách.
Với ba giá trị cốt lõi “Sáng tạo – Tiên phong – Chất lượng”, HSB chắc chắn sẽ dũng cảm sáng tạo và cống hiến hết mình để người học liên tục phát triển được sáu giá trị cốt lõi là: “Sức khỏe –Đạo đức – Ý chí – Tài năng – Tình yêu – Trách nhiệm”. Đó là sứ mệnh thiêng liêng xuyên suốt lịch sử của HSB là “đào tạo các tài năng trẻ để sau này trở thành các nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và khu vực tư”.
Điều đặc biệt mà mọi người luôn nhớ mỗi khi gọi tên HSB chính là “Văn hóa HSB”. Môi trường và công việc có thể thay đổi, nhưng các thành viên gia đình HSB đã được trang bị đủ ‘công cụ tư duy’ và ‘công cụ hành động’ để luôn vững tin trên con đường tìm kiếm ý nghĩa công việc và ý nghĩa cuộc sống. Trên hành trình đi bất cứ nơi đâu, chúng ta sẽ luôn lưu giữ trong trái tim và ký ức của mình những kỷ niệm đẹp về gia đình HSB, về nghĩa thầy trò và tình cảm bạn bè đồng đội…
Nhiều thứ có thể sẽ qua đi nhưng văn hóa HSB sẽ tồn tại mãi mãi. Văn hóa HSB là “tôn sư trọng đạo”, là tinh thần hợp tác và sáng tạo vì cộng đồng, là cam kết luôn đồng hành cùng các giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên. Hãy đến với HSB khi bạn cần được giúp đỡ và khi bạn muốn chia sẻ…