Áp lực tài chính là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều phụ nữ thành thị ngại sinh con

Dù chưa hẳn là nguyên nhân lớn nhất nhưng áp lực tài chính là yếu tố đầu tiên khiến nhiều phụ nữ trẻ ở khu vực thành thị ngại sinh con.

 Vì áp lực tài chính, vợ chồng chị Đỗ Thị Lan Vy (phường Tam Bình, TPHCM) chưa dám nghĩ đến việc sinh con thứ 2. Ảnh: NVCC

Vì áp lực tài chính, vợ chồng chị Đỗ Thị Lan Vy (phường Tam Bình, TPHCM) chưa dám nghĩ đến việc sinh con thứ 2. Ảnh: NVCC

Với hơn 20 năm làm công tác nghiên cứu, tham vấn tâm lý, tiếp xúc, lắng nghe tâm sự của nhiều người trẻ tại phòng tham vấn và tại các diễn đàn, Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy đã đúc kết một số nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh con thấp tại khu vực thành thị.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy. Ảnh: NVCC

Áp lực tài chính - nguyên nhân hàng đầu

Theo TS. Phạm Thị Thúy, tại các khu vực thành thị, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, nhiều phụ nữ sau khi lập gia đình nhưng ngại sinh con với lý do: Không có tiền!

Nhiều chia sẻ rằng, từ khi mang thai đến khi sinh con đều tốn rất nhiều tiền. Nào là chi phí thăm khám, theo dõi thai kỳ; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho mẹ bầu như tiền sữa và các dịch vụ hỗ trợ khác. Đến khi sinh con, nuôi con, cho đi học cũng rất tốn kém. Nào là viện phí (sinh con), chăm sóc con (sữa, tã bỉm, thuê người làm…). Rồi khi con đến tuổi đi học, thêm bao nhiêu khoản phí khác, cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Với các khoản "đầu tư" như đề cập, so với mức thu nhập hiện tại, nhiều phụ nữ trẻ ở thành thị từ chối việc sinh con vì sợ rằng, mình không thể lo cho con đầy đủ như họ kỳ vọng.

Cùng với áp lực tài chính, nhiều phụ nữ trẻ ngày nay sống và làm việc tại khu vực thành thị ngại sinh con vì muốn sống độc lập, tự do phát triển bản thân.

Một số chị em nêu quan điểm: Phụ nữ hiện đại là phải độc lập tài chính, không phụ thuộc vào bất kỳ ai, không muốn liên quan đến chuyện gia đình, sinh nở!

TS. Phạm Thị Thúy cho rằng, với nhóm phụ nữ này, ưu tiên hàng đầu của họ là sự nghiệp và tài chính. Họ muốn dành thời gian để đi học, đi làm, xây dựng sự nghiệp và tự do về tài chính. Đến khi thấy có thể lo cho con một cách chu toàn họ mới nghĩ đến việc sinh con. Có một số ít cho rằng, việc có con hay không cũng không thực sự quan trọng!

Nhiều nỗi lo khi sinh con

Theo ghi nhận của TS. Phạm Thị Thúy, nếu như trước đây, vợ chồng khi sinh con có thể nhờ người thân 2 bên gia đình hỗ trợ: tài chính, chăm sóc trẻ… thì cuộc sống ngày nay đã khác. Nhiều vợ chồng trẻ là từ nơi khác đến, sống và làm việc ở thành phố, diện tích nhà ở (thuê hoặc mua) không lớn, nếu có thêm người, mọi sinh hoạt sẽ bất tiện, bố mẹ từ quê lên hỗ trợ cũng khó khăn. Nếu gửi con về quê thì lại không an tâm khi không kề cận bên con… Đó là chưa kể đến cách chăm sóc, giáo dục trẻ của ông bà cũng khác với thế hệ trẻ. Các bạn trẻ có lối sống hiện đại hơn, điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn trong cách chăm sóc, giáo dục trẻ…

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến môi trường sống ô nhiễm, chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế còn thấp, gánh nặng gia đình, công việc sau sinh…, cũng góp phần khiến nhiều phụ nữ ngại sinh con, hoặc có sinh thì cũng chỉ sinh một (xu hướng này đang tăng)."Các bạn trẻ cho rằng từ môi trường, chất lượng ăn uống, dịch vụ tại khu vực thành thị những năm qua không cải thiện mấy. Không gian sống thì chật chội, không gian vui chơi cho trẻ thì không nhiều. Chưa kể, thỉnh thoảng lại nghe tin trẻ bị đánh, hành hạ ở các nhà giữ trẻ; Thuốc, sữa giả thì bán tràn lan…", TS. Phạm Thị Thúy cho biết.

Vấn đề giáo dục, chăm sóc trẻ từ 6 tháng đến dưới 3 tuổi chưa được quan tâm đúng mức. Rất nhiều trường hợp, do không đủ điều kiện cho con vào học tại các trường mầm non công lập, bố mẹ phải gửi con cho các nhóm trẻ tư nhân. Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra, để lại ấn tượng rất xấu trong mắt các bạn trẻ đang có ý định sinh con. Vấn đề này không chỉ xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều lao động nữ, mà diễn ra tại các khu vực nội đô, trung tâm các thành phố lớn.

Gia định chị Nguyễn Hoàng Thanh Trúc (phường Tân Sơn Nhất, TPHCM) có một con được 30 tháng tuổi và quyết định trì hoãn sinh thêm con vì lo sợ thiếu kinh nghiệm nuôi dạy và chăm sóc con. Ảnh: NVCC

Gia định chị Nguyễn Hoàng Thanh Trúc (phường Tân Sơn Nhất, TPHCM) có một con được 30 tháng tuổi và quyết định trì hoãn sinh thêm con vì lo sợ thiếu kinh nghiệm nuôi dạy và chăm sóc con. Ảnh: NVCC

Sinh con, chăm sóc và cho con được học tại những môi trường giáo dục tốt là điều tất cả bậc cha mẹ mong muốn. Nhưng để có được những điều ấy, không phải ai cũng có thể đáp ứng được. Tất cả đều trở về nguyên nhân đầu tiên, đó là tài chính. Muốn cho con được chăm sóc bằng các dịch vụ chất lượng cao, học trường tiêu chuẩn… thì khả năng tài chính phải tốt, ổn định. Vậy giải pháp nào để giải quyết vấn đề tăng sinh tại khu vực thành thị được hiệu quả? Đó là câu hỏi khó, cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và ngay cả trong mỗi gia đình.

Cần thêm chính sách thực chất

Thời gian qua, chúng ta đã có những chính sách cụ thể, có ý nghĩa quan trọng. Như việc nâng thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ là 6 tháng và tại Dự thảo về Luật Dân số năm 2025, Bộ Y tế cũng đề xuất cho phép lao động nữ khi sinh con thứ hai được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng. Điều này rất ý nghĩa. Vì ngoài việc người mẹ có đủ thời gian lấy lại sức khỏe sau sinh, còn giúp có thời gian chăm sóc cho con trẻ tốt hơn.

Ngoài ra, chính sách miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước, áp dụng từ tháng 9/2025 cũng là một tin vui đối với toàn xã hội. Bởi sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí cho người dân, đặc biệt là đối tượng trong độ tuổi lập gia đình, sinh con và có con trong độ tuổi từ mầm non đến hết bậc THPT. Hoặc như tại TPHCM, phụ nữ trước 35 tuổi sinh đủ 2 con sẽ được thưởng tiền…

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Thị Thúy, nhà nước cần có những hỗ trợ thêm nữa khuyến khích các gia đình trẻ sinh con. Các chính sách đã nêu trên là ý nghĩa nhưng với những gia đình trẻ sống tại các thành phố lớn, điều đó không tác động nhiều so với khoản chi phí cần có để sinh con, nuôi con và cho con ăn học. Ngoài ra, giảm thuế cho những gia đình có con nhỏ cũng là một giải pháp thiết thực mà các cấp lãnh đạo có thể xem xét.

"Thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác hiện nay cũng là 1 vấn đề mọi người quan tâm. Dù là cán bộ, nhân viên nhà nước hay là hộ kinh doanh thì đều có ảnh hưởng từ chính sách thuế. Trong khi thu nhập, việc làm ngày càng khó khăn, nếu không bảo đảm được ổn định kinh tế thì rất khó khuyến khích tăng sinh tại các khu vực thành thị. Vì vậy, cần xem xét đến chính sách giảm thuế cho những gia đình có con nhỏ", TS. Phạm Thị Thúy chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích đầu tư giáo dục và y tế, 2 lĩnh vực quan trọng bậc nhất, tác động trực tiếp vào quyết định sinh con của nhiều người trẻ hiện nay. Khi có nhiều trường mầm non công lập đảm bảo chất lượng, những người làm cha mẹ cũng yên tâm khi gửi gắm con mình và cũng giảm bớt gánh nặng chi phí.

Tăng cường truyền thông về mặt nhận thức đối với phụ nữ trẻ ngày nay cũng là giải pháp cần quan tâm. Phải làm cho phụ nữ thấy rằng, sinh con không có nghĩa là thực hiện nghĩa vụ mà là tạo nên niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi gia đình. Thêm nữa, việc sinh con không có nghĩa là chị em phải từ bỏ những niềm ước mơ của bản thân. "Chị em hoàn toàn có thể vừa đi làm, vừa học nâng cao trình độ, vừa sinh con được. Không nhất thiết phải xong cái này mới đến cái kia. Đôi khi, vì quá ham học, lo cho sự nghiệp, chị em bỏ qua giai đoạn tuổi vàng để sinh con tuyệt với nhất rồi", TS. Phạm Thị Thúy nhắn nhủ.

Một yếu tố khác, đó là không thể không nói đến vai trò của nam giới trong vấn đề sinh con, không thể giao toàn bộ trách nhiệm lên người phụ nữ. Chúng ta cần tuyên truyền, có chính sách cụ thể để đàn ông chăm sóc và cùng tham gia nuôi dạy con cái. "Cần tuyên truyền để nam giới nhận thấy trách nhiệm của mình đối với việc sinh con; cùng chia sẻ việc nhà, việc chăm sóc, nuôi dạy con với phụ nữ. Tôi cho rằng, cần xem xét cho nam giới được nghỉ nhiều hơn khi vợ sinh con, khi con đau ốm… để họ thực hiện nghĩa vụ chăm sóc con cái trong gia đình", TS. Phạm Thị Thúy nhấn mạnh.

Phước Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ap-luc-tai-chinh-la-nguyen-nhan-hang-dau-khien-nhieu-phu-nu-thanh-thi-ngai-sinh-con-20250710201916846.htm