Độc đáo nền 'Văn hóa Hòa Bình'

Là cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB) không chỉ là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Xác định xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để tập trung chỉ đạo. Những năm qua, công tác quản lý đối với di tích VHHB được tỉnh ngày càng quan tâm. Đặc biệt, Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền VHHB giai đoạn 2023 - 2030 đang được triển khai đã xác định nền VHHB là một di sản quý giá của đất nước và nhân loại, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị mang tầm thế giới.

Là cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB) không chỉ là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Xác định xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để tập trung chỉ đạo. Những năm qua, công tác quản lý đối với di tích VHHB được tỉnh ngày càng quan tâm. Đặc biệt, Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền VHHB giai đoạn 2023 - 2030 đang được triển khai đã xác định nền VHHB là một di sản quý giá của đất nước và nhân loại, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị mang tầm thế giới.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh trao đổi về giá trị các hiện vật trong gian trưng bày chuyên đề"Văn hóa Hòa Bình" trên đất Hòa Bình.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh trao đổi về giá trị các hiện vật trong gian trưng bày chuyên đề"Văn hóa Hòa Bình" trên đất Hòa Bình.

Những nỗ lực bảo tồn

Để bảo tồn di sản nền VHHB, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản VHHB. Công tác quản lý nhà nước đối với các di tích khảo cổ của nền VHHB đạt những kết quả quan trọng.

Đồng chí Tô Anh Tú, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Sau khi tái lập tỉnh Hòa Bình, từ năm 1995, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành tổng kiểm kê di tích khảo cổ về VHHB trong toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 87 địa điểm di tích về VHHB, gồm: huyện Kim Bôi 21 di tích; Lương Sơn, Lạc Thủy mỗi huyện 13 di tích; Lạc Sơn 11 di tích; Yên Thủy 9 di tích; Tân Lạc 10 di tích; Đà Bắc, Mai Châu mỗi huyện 4 di tích và TP Hòa Bình 2 di tích. Số di tích được quản lý bảo vệ tại 43 địa điểm. Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ gần 10 nghìn hiện vật VHHB được các đơn vị trong nước thám sát, khai quật từ năm 1960 trở lại đây (chưa tính số lượng khai quật năm 2022 tại 2 di chỉ hang xóm Trại và mái đá làng Vành, huyện Lạc Sơn). Toàn tỉnh có 10 địa điểm di tích VHHB được Bộ VH-TT&DL xếp hạng cấp quốc gia (6 di tích đã được tu bổ, tôn tạo); một số điểm trở thành nơi tham quan của khách du lịch như: động Tiên, huyện Lạc Thủy; mái đá làng Vành và hang xóm Trại, huyện Lạc Sơn; hang Chổ, huyện Lương Sơn… Trong đó, mái đá làng Vành và hang xóm Trại vừa được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu về VHHB ở Việt Nam và trên thế giới.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá, giới thiệu di sản VHHB được tỉnh quan tâm, tổ chức các hoạt động trưng bày về nền VHHB, trưng bày lưu động tại TP Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên… và tại các huyện trong tỉnh để giới thiệu về những giá trị của nền văn hóa đến đông đảo công chúng, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là đến học sinh, sinh viên, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của nền VHHB.

Năm 2017, Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ đạo tổ chức thành công hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận thuật ngữ nền VHHB. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý về di sản văn hóa Trung ương, để lại tiếng vang tốt đối với giới học thuật và quản lý di sản trong và ngoài nước. Năm 2022, kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận thuật ngữ nền VHHB, UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học để đánh giá những tiến bộ mang tính nhảy vọt trong nghiên cứu về VHHB tại tỉnh Hòa Bình, tôn vinh nhà khoa học M.Colani đã có công phát hiện, nghiên cứu, đưa nền VHHB được giới học thuật tiền sử quốc tế công nhận vào năm 1932. Qua đó góp phần khẳng định giá trị các di tích khảo cổ tiêu biểu của nền VHHB tại tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu VHHB ở Việt Nam và trên thế giới.

Phát huy xứng tầm nền "Văn hóa Hòa Bình"

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích nền VHHB trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn; chưa được đầu tư nghiên cứu, khai thác giá trị của di sản; nhiều di tích VHHB không còn hoặc bị phá hủy. Nhiều di tích chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo để trở thành điểm phục vụ nghiên cứu và tham quan của du khách.

Trao đổi về công tác bảo tồn, phát huy giá trị nền VHHB thời gian tới, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á khẳng định: Mặc dù tỉnh Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy, nhưng chưa tương xứng với giá trị của nền VHHB. Thời gian tới, tỉnh cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia địa phương. Thêm một bước trong phát hiện, nghiên cứu để đảm bảo ra đời một bảo tàng chuyên đề xứng tầm về VHHB với đội ngũ cán bộ chuyên gia tương ứng. Cùng với đó, xếp hạng cấp tỉnh toàn bộ các di tích đã phát hiện, trong đó có cả di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia. Từ đó có đủ điều kiện lập hồ sơ trình UNESCO xác nhận di sản văn hóa, khảo cổ học nhân loại.

Trong Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền VHHB giai đoạn 2023 - 2030 đề ra mục tiêu chung là: Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường tỉnh và nền VHHB trong nước và quốc tế. Trong đó, chú trọng tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích quốc gia hang xóm Trại, xã Tân Lập và mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, di tích tiêu biểu của VHHB tại tỉnh Hòa Bình để xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại.

Đến nay, hang xóm Trại và mái đá làng Vành đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về việc lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại đối với nền VHHB theo quy định.

Hiện tỉnh tập trung quy hoạch các di tích tiêu biểu của VHHB trên địa bàn, trong đó, đang lập dự án tu bổ, tôn tạo cảnh quan đối với di tích quốc gia đặc biệt hang xóm Trại và mái đá làng Vành; tiếp tục thám sát, khai quật, nghiên cứu khoa học khảo cổ, tu bổ, tôn tạo các di tích nền VHHB; tranh thủ sự hỗ trợ của Viện khảo cổ học Việt Nam, các trung tâm nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế trong quá trình nghiên cứu nền VHHB, tiến tới thành lập tổ chức chuyên nghiên cứu về VHHB tại tỉnh Hòa Bình. Lựa chọn tu bổ, tôn tạo một số di tích khảo cổ tiêu biểu về nền VHHB trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về nền VHHB; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo tồn nền VHHB cho đội ngũ cán bộ quản lý; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn, phát huy giá trị nền VHHB gắn với phát triển du lịch.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã dành kinh phí thực hiện đề án từ nguồn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đề án do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó trưởng Ban Chỉ đạo đề án là các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy; thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành và thành lập tổ tư vấn, tổ giúp việc triển khai thực hiện đề án. Việc đề án được tích cực triển khai sẽ phát huy xứng tầm giá trị nền VHHB nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Hòa Bình nói chung mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/192668/doc-dao-nen-van-hoa-hoa-binh.htm