Độc đáo nghề câu kiều
Nghề 'câu kiều' hay còn gọi 'câu vương' rất độc đáo đã có từ lâu đời ở làng chài ven biển tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên ngày nay nghề này ít được chú ý bởi làm nghề biển ngư dân thường mơ ước có tàu lớn để vươn khơi. Do vậy câu kiều chỉ dành cho người dân ven bờ mưu sinh.
Mưu sinh nghề câu kiều
Làng chài ven biển ở xã Bình Hải (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) hiện có khoảng 15 người hành nghề câu kiều mang lại hiệu quả cao. Đối với ngư dân xã Bình Hải, nghề này là chủ lực trong khai thác thủy sản ven biển, tuy là nguồn thu nhập chính, nhưng họ chỉ bỏ ra vài tiếng đồng hồ cho nghề này.
Những ngày cuối tháng 6 chúng tôi tìm về làng chài Bình Hải gặp gỡ người dân nơi đây. Ông Hồ Văn Chương (người dân xã Bình Hải) trong lúc đem ra 10 nẹp câu để sửa chữa, ông cho chúng tôi biết số câu này do lâu ngày không sử dụng nên sửa chữa lại để chờ biển lặng sóng đánh bắt hải sản. Từng lưỡi câu được ông mài dũa sắc bén cho vào nẹp tre gọn gàng.
Ông Chương chia sẻ, nghề câu kiều khi thả lưỡi xuống nước nhưng không gắn mồi. Lưỡi câu làm bằng inox uốn cong, không bị gỉ rét khi ngâm trong nước biển. Dây câu bỏ vào ống tre nẹp lại chắc chắn, gọi là nẹp câu. Mỗi dây câu dài 45m được chia khoảng cách 20cm buộc một lưỡi. Phao được gắn trên sợi dây, thả xuống sẽ nổi cách đáy biển 20 - 30cm. Cá bơi qua gặp chướng ngại vật sẽ quay đầu hoặc quẫy đuôi và mắc vào lưỡi câu. Nghề này bắt chủ yếu cá đuối. Tuy nhiên cũng có rất nhiều loại hải sản khác vướng câu.
Hành nghề này, theo ông Chương, hàng ngày từ mờ sáng, trên chiếc ghe nhỏ, ông cùng các ngư dân khác chạy ra biển vài trăm mét rồi tắt máy dừng lại rồi cùng bạn thuyền thả câu. “Mỗi lần đi câu, tôi thả 1 vàng câu. Mỗi vàng câu gồm có từ 40 đến 60 kẹp. Như vậy, 1 vàng có khoảng 12 nghìn lưỡi câu. Vì lưỡi câu nhiều, sắc bén và thả sát đáy nên khi cá đuối ngoi lên khỏi lớp cát để đi kiếm ăn sẽ bị vướng vào lưỡi câu” - ông Hải giải thích.
Theo ngư dân xã Bình Hải, nghề câu kiều diễn ra từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Hầu hết các chủ ghe ở địa phương đều tự làm lưỡi câu và vàng câu phù hợp, đúng theo ý mình mong muốn để đạt hiệu quả cao nhất khi thả câu.
Ông Trần Văn Bình cũng ở xã Bình Hải cho biết, để có ngư cụ đi câu, người dân phải đặt mua dây cước bền chắc và thép inox không gỉ loại 1,2mm. Bước đầu tiên, mọi người cắt ngắn cuộn thép thành từng đoạn dài 10cm và đập dẹt 2 đầu. Tiếp đến, dùng đồ chặt đứt đoạn thép ấy thành 2 đoạn ngắn hơn có mũi nhọn. Kế đó là uốn cong đoạn thép thành hình lưỡi câu và mài lưỡi câu thật sắc bén bằng máy mài. Bước cuối cùng, buộc dây cước vào lưỡi câu.
Cũng theo ông Bình, lưỡi câu kiều có độ nhạy vướng mắc cao. Câu kiều không cần mồi nhưng các loại cá lớn, đặc biệt là cá đuối vẫn dính vì dưới đáy biển nước chảy nhẹ, có thể cuộn xoáy đảo chiều, giàn lưỡi câu đung đưa theo chiều nước và trong khi các loại cá ăn chìm bơi đi tìm mồi, gặp chướng ngại vật thì quay đầu hoặc quẫy đuôi, lúc này cá đã bị lưỡi câu mắc vào. Nghề này nếu cần mẫn, chịu khó sẽ cho thu nhập cao.
Giúp đỡ không tính toán
Ngoài việc câu kiều để mưu sinh, làng câu kiều còn giúp đỡ nhiều gia đình có người đuối nước. Gần 40 năm hành nghề, ông Hồ Văn Chương 3 lần thả câu tìm người đuối nước khi khai thác hải sản gần bờ.
Theo ông Chương, nạn nhân là người thân của ông cũng có và cả người xa lạ. Họ bị tử nạn khi khai thác hải sản với nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi có người gặp nạn, ông mang từng nẹp câu đến nơi. Một đầu dây câu được nối vào bờ cố định, ông và một người khác chèo thuyền ra khu vực người gặp nạn. Mỗi dây câu dài 45m được gắn 110 lưỡi thả xuống tạo thành một hàng dài nằm sát đáy và bắt đầu kéo. Quá trình kéo chậm rãi, gặp thi thể lưỡi sẽ mắc vào quần áo, da thịt. Lúc đó, đôi tay cảm nhận sức nặng thì kéo vào bờ.
“Nạn nhân đuối nước vừa mới tử vong còn chìm dưới đáy chưa trôi đi xa khu vực gặp nạn thì thả câu kiều hầu hết vớt được. Nếu tử vong hơn 3 ngày, thi thể nổi lên trôi dạt đó đây thì thả câu xuống ít trúng. Biển nước mênh mông, gặp dòng nước chảy, xác trôi theo nên cần phải khoanh vùng. Trước khi thả cầu phải xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán con nước lên, xuống, chảy về rồi buông câu” - ông Chương nói.
Còn nhà của ông Trần Văn Bình cũng là nơi nhiều thân nhân người gặp nạn trên biển tìm đến.
“Có gia đình tôi đã cho câu hướng dẫn về tìm được thi thể sau đó tìm đến cảm ơn. Họ muốn gửi tiền để cảm ơn nhưng tôi không nhận. Giúp người tìm được thi thể người thân là tốt rồi, còn câu mình tự làm, chỉ bỏ công và mua thép, sợi dây về nên tặng luôn bà con” - ông Bình chia sẻ..
Ông Trần Văn Nam - Bí thư chi bộ thôn An Trân (xã Bình Hải) cho biết: Ở địa phương còn khoảng 15 hộ dân duy trì nghề câu kiều. Mỗi khi xảy ra đuối nước thì huy động những ngư dân này giúp đỡ. Càng đáng nói khi người dân giúp đỡ bằng cái tâm, không đòi hỏi tiền bạc. Họ làm để chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân.
Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, nghề câu chủ yếu ở thôn An Trân. Hiện nay ngư dân hành nghề này rất ít, đa số bà con chuyển qua đi tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên nghề câu kiều được người dân trong vùng sử dụng không chỉ để mưu sinh mà còn giúp tìm kiếm nạn nhân không may gặp nạn trên biển. Nhờ vậy nhiều vụ bà con dùng câu kiều vớt được thi thể nạn nhân lên bờ và bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Việc làm của những ngư dân này rất đáng trân trọng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doc-dao-nghe-cau-kieu-5721724.html