Độc đáo nghệ thuật nấu ăn bằng nước khoáng nóng của Nhật Bản
Vốn đã trở thành nét văn hóa lâu đời tại Nhật, những con suối nước nóng không chỉ là ưu đãi của thiên nhiên cho sức khỏe con người, mà còn mang lại một ứng dụng độc đáo khác - đó là chế biến món ăn.
Nhờ các nguồn địa nhiệt tự nhiên, Nhật Bản được thế giới biết đến như "thiên đường" của tắm suối khoáng nóng (onsen). Vốn đã trở thành nét văn hóa lâu đời tại Nhật, những con suối này không chỉ là ưu đãi của thiên nhiên cho sức khỏe con người, mà còn mang lại một ứng dụng độc đáo khác - đó là chế biến món ăn.
"Onsen tamago" được biết đến như một món điển hình của nền ẩm thực Nhật Bản và cách thức nấu chín bằng suối khoáng nóng. Để có được một quả trứng onsen hoàn hảo, người ta sẽ ngâm trứng sống trong nước suối nóng ở nhiệt độ 65 độ C để đạt được kết cấu lòng trắng - lòng đỏ đặc biệt, bên ngoài mềm mượt như kem và bên trong đặc dẻo, song vẫn giữ được màu sắc và vị ngậy.
Bên cạnh món "onsen tamago" nổi tiếng, nghệ thuật chế biến món ăn bằng hơi nước còn được biết đến qua món "onsen manju" - một loại màn thầu nhân đậu đỏ được bán phổ biến tại khoảng 2.900 suối khoáng nóng tại Nhật Bản.
Ở Beppu, một thị trấn nhỏ ven biển ở phía Tây Nam đảo Kyushu của Nhật Bản, sự phong phú của các suối khoáng nóng tự nhiên đã giúp tạo nên các món đặc sản chế biến bằng phương pháp "jigoku mushi", hay "hấp địa ngục.”
Đây là cách nấu ăn truyền thống sử dụng hơi nước của onsen, vừa giữ được các chất dinh dưỡng lại làm tăng hương vị của món ăn. Khách hàng có thể mua thịt, cá và rau ngay tại onsen và nấu chúng trong các nồi chứa tiếp xúc trực tiếp với hơi nóng.
Chủ sở hữu của Hyotan Onsen - một địa điểm bán các món "jigoku mushi" nổi tiếng, ông Hitoshi Tanaka cho biết phương pháp nấu ăn này đã được đề cập trong các tài liệu lịch sử địa phương từ 200 năm trước. Theo ông Tanaka, với hơi nước ở nhiệt độ 100-110 độ C và thời gian nấu thường không quá 5 đến 10 phút, thực phẩm nấu bằng phương pháp "jigoku mushi" vẫn giữ được màu sắc ban đầu.
Bên cạnh đó, chất lưu huỳnh có trong hơi nước sẽ giúp tạo ra vị "umami" (vị ngon/vị ngọt) cho thức ăn. Lưu huỳnh được coi là một chất tăng hương vị và "chìa khóa" của nền ẩm thực Nhật Bản, trong khi mang lại nhiều lợi ích sức khỏe do chứa chất sắt.
Ông Tanaka cho biết, "thưởng thức" một món ăn chế biến từ onsen là trải nghiệm ẩm thực bằng nhiều giác quan. Vị ngon của món ăn không chỉ được được cảm nhận qua vị giác và thính giác, mà còn trọn vẹn hơn khi thực khách ngửi thấy mùi hơi nước trong không gian và nghe thấy âm thanh của suối nguồn.
Kỹ thuật nấu ăn này còn mang lại một lợi ích khác - đó là giúp tiết kiệm điện và khí đốt, đặc biệt vào thời điểm mà Nhật Bản, cũng như nhiều quốc gia khác, đang phải đối phó với giá năng lượng leo thang./.