Độc đáo nghề thuốc nam gia truyền của người Tày
Từ bao đời nay, người Tày đã biết dùng lá cây rừng và những loại dược liệu tự nhiên làm thuốc chữa bệnh. Từ đầu làng, ngõ xóm cho đến những cánh rừng nguyên sinh, bà con đều có thể tìm được những cây thuốc, nhưng người Tày mỗi vùng lại có cách kết hợp để có những bài thuốc chữa bệnh khác nhau.
Người Tày ở Ba Chẽ ai cũng biết vài cây thuốc để chữa bệnh thông thường. Họ truyền tai nhau hoặc chỉ cho nhau biết về cây thuốc trong những lần đi rừng, nhiều người giỏi hơn thì bốc các bài thuốc chữa được bệnh nan y.
Bà Dương Thị Minh, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh làm nghề bốc thuốc nam gia truyền đã gần 30 năm nay, mỗi gói thuốc của bà được kết hợp từ vài loại đến hàng chục loại dược liệu. Để biết về thuốc phải là người rất am hiểu những cây dược liệu tự nhiên nên từ nhỏ, bà Minh đã theo bố mẹ, ông bà vào rừng tìm cây thuốc. Khi có gia đình, may mắn bố mẹ chồng cũng làm nghề bốc thuốc nên bà đã theo nghề của cha ông để lại: "Đây là cây trầu tiên, cây này trị được các chứng như trúng gió, đau xương khớp, đau bụng, tiêu chảy, người bị ho cũng dùng làm thuốc được. Còn đây là cây thuốc dùng cho những người bị tai nạn gãy xương thì dùng để bó sẽ mau liền. Còn đây là cây thuốc dành cho người già, trẻ nhỏ biếng ăn, suy nhược cơ thể dùng đun nước uống sẽ ăn ngon, người già mau khỏe..."
Theo bà Dương Thị Minh, người làm thuốc thì nhìn đâu cũng ra cây dược liệu. Mỗi ngày bà hái được vài loại, có loại thì phơi khô để dùng dần, có loại thì phải dùng tươi mới phát huy được hết tác dụng của dược liệu đó... Cây thuốc trong tự nhiên có nhiều nhưng không phải ai muốn hái là được, phải là những người làm nghề mới có thể kết hợp các thành phần cây, lá, quả... thành bài thuốc chữa bệnh hiệu quả.
"Cây thuốc thì có ở rất nhiều nơi, ở ngay gần nhà cũng có hoặc có loại thì phải vào tận trong rừng tìm kiếm. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ những bài thuốc cho bà con trong làng, tuy nhiên nhiều người bảo không thể nhớ hết được những cây thuốc tôi chỉ. Nói đủ thì không biết thế nào là đủ cả. Có loại chỉ cần một cây là được nhưng có những loại thuốc phải kết hợp đến cả trăm loại nên nhiều người vẫn phải tìm đến tôi để lấy thuốc", bà Dương Thị Minh chia sẻ.
Bà Dương Thị Minh cũng không nhớ trong mấy chục năm làm nghề bốc thuốc nam đã chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người. Bà chỉ làm theo tâm mình với mong muốn giúp được cho nhiều người. Tiếng lành đồn xa, càng ngày thuốc của bà được nhiều người biết đến. Người đến bà Minh mua thuốc ở khắp các tỉnh thành như Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn rồi cả những tỉnh miền Trung và miền Nam. Giờ đây, khi đã ở cái tuổi 70, bà cũng muốn truyền lại cho con cháu để nghề thuốc gia truyền không bị mai một.
Chị Nịnh Thị Thắng, xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, con gái bà Dương Thị Minh chia sẻ, mặc dù được mẹ chỉ cho rất nhiều cây thuốc nhưng bản thân chị không thể nhớ được các bài thuốc gia truyền của gia đình. Những bài thuốc chữa bệnh đơn giản như đau bụng, nhức đầu, sổ mũi không khó nhưng chữa những bệnh nặng cần phải học rất nhiều.
"Mẹ tôi cũng chỉ cho những cây thuốc nhưng tôi cũng không nhớ được những cây thuốc khó. Chỉ nhớ những cây chữa bệnh đơn giản thôi. Mình phải biết rõ được cây thuốc nào chữa bệnh gì thì mới dám bốc thuốc", chị Nịnh Thị Thắng cho hay.
Ba Chẽ là huyện vùng cao phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh với những dãy núi cao, nơi có nhiều loại dược liệu quý trong tự nhiên. Trong tổng số hơn một ngàn loài thực vật được thống kê ở Ba Chẽ có tới 30 loài dược liệu có giá trị cao, như: Ba kích, trà hoa vàng, nấm lim xanh, cát sâm… Từ những dược liệu quý đó bà con người Tày nơi đây đã kết hợp được nhiều bài thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Bà Trần Thị Cứu, thôn Bắc Xa, xã Đạp thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Tôi bán nhiều loại cây dược liệu như củ khúc khắc, sâm nam, sâm cau... nhất là ở Ba Chẽ có củ Ba Kích. Những cây dược liệu này thì tôi tự vào rừng tìm. Mỗi loại dược liệu có cách dùng khác nhau, cây thì sắc nước uống, cây thì dùng làm thuốc tắm, ngâm chân. Những loại dược liệu của nhà tôi thì khách ở dưới xuôi biết đến và gọi điện bảo tôi gửi theo đường bưu điện".
Ngày nay, cùng với y học hiện đại thì y học cổ truyền cũng góp phần không nhỏ trong chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Chính vì thế, những bài thuốc nam gia truyền của người Tày nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung là một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con vùng cao. Qua đó, giúp bà con có ý thức giữ rừng tự nhiên góp phần mang lại giá trị kinh tế cho người dân; đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu "Xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (Tiểu dự án 1, Dự án 9), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dan tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/doc-dao-nghe-thuoc-nam-gia-truyen-cua-nguoi-tay-post1066754.vov