Độc đáo nhà sàn của người Mường xã Thạch Lâm
Nhằm gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường, gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.
Vượt 38 km từ thị trấn Kim Tân lên đến xã Thạch Lâm - xã cuối cùng của huyện Thạch Thành giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, chúng tôi lạc vào không gian yên bình của vùng núi nơi đây với bạt ngàn màu xanh núi rừng và những thác nước hiền hòa.
Theo anh Bùi Văn Năng, công chức văn hóa - xã hội xã Thạch Lâm: “Thạch Lâm là xã có nhiều nhà sàn truyền thống nhất huyện Thạch Thành với 580 ngôi nhà còn hiện hữu. Trong đó, các thôn Đăng Thượng, Nội Thành, Đồi, Biện có tỷ lệ hơn 90% người dân còn sinh sống trên nhà sàn. Nhiều nhà sàn tại xã Thạch Lâm đã được bà con sửa chữa lại, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống.
Theo chân anh Năng, tôi đến gia đình ông Nguyễn Văn Phúc - người sở hữu ngôi nhà sàn cổ nhất của thôn Đăng Thượng. Ngôi nhà đã hơn 200 năm tuổi. Ông Phúc chia sẻ: “Ngôi nhà có cấu trúc 2 gian, 2 chái, vật liệu hầu hết là gỗ quý như lim, trai... Từ đời ông cha đến đời tôi đều gắn bó và có nhiều kỷ niệm lưu dấu với ngôi nhà. Vì vậy mà tôi luôn ý thức rằng, mình cần phải bảo vệ và giữ gìn ngôi nhà sàn này”.
Tại Thạch Lâm, nhiều nếp nhà sàn có giá trị cao về yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật. Chẳng hạn như hoa văn, họa tiết trang trí trên các con tiện chắn song cửa sổ, trên bát trụ, thượng lương, chếnh... được thể hiện tinh xảo, đường nét, màu sắc tươi tắn. Bên cạnh đó, nhà sàn của đồng bào Mường còn có “giếng trời” cùng nhiều ô cửa sổ xung quanh để đón khí, ánh sáng vào nhà, tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ.
Những ngôi nhà sàn đơn sơ xen giữa rừng, núi hùng vĩ cùng tiếng nước chảy róc rách của thác nước hòa lẫn trong tiếng chim muông, tạo nên một “bản nhạc” rất riêng khiến nhiều du khách đến đây vô cùng thích thú.
Ông Nguyễn Văn Nận, thôn Đăng Thượng cho biết, gia đình ông lưu giữ ngôi nhà sàn vừa làm nơi sinh hoạt cho gia đình, vừa để phục vụ du khách khi đến tham quan, du lịch tại thác Mây. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với thác Mây ngày càng đông, và hầu hết khách du lịch đều thích trải nghiệm ở nhà sàn, thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào Mường.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm cho biết, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Mường nói chung, nét văn hóa nhà sàn nói riêng là một trong những định hướng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định. Những năm qua, xã đã quan tâm vận động đồng bào không tháo dỡ nhà sàn truyền thống, khuyến khích bà con xây dựng nhà sàn làm nơi sinh sống nhằm gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc trưng này. Đồng thời, với việc phát triển du lịch cộng đồng tại thác Mây, nếp nhà sàn truyền thống của bà con dân tộc Mường ở Thạch Lâm có thêm điều kiện để bảo tồn và phát huy.