Độc đáo nhạc cụ ching kok
Không biết từ bao giờ, tiếng ching kok (hay còn gọi chiêng cóc, chiêng cốc) đã được đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) sử dụng phổ biến trong các dịp lễ, Tết của gia đình, buôn làng. Theo các nghệ nhân ở Ninh Tây, loại nhạc cụ này chỉ có duy nhất đồng bào Ê đê nơi đây sử dụng.
Thanh âm rộn ràng
Mới đây, có dịp đến Ninh Tây, chúng tôi may mắn được xem các nghệ nhân người Ê đê trình diễn một số bản nhạc truyền thống từ dàn ching kok, trong đó có bản kok Y DLơng. Đây là bản nhạc thường được đồng bào sử dụng trong các lễ hội cúng bến nước, đầu mùa vụ, lễ cúng rẫy được mùa, lễ cúng trưởng thành, mừng tuổi, mừng thọ, lễ cúng ông bà tổ tiên, thần linh núi rừng, lễ cưới, lễ đám ma, bỏ mả… Những tiếng ching kok vang lên thanh âm rộn ràng, vang xa, mang đến cảm xúc phấn khởi trong lòng người nghe. Ông Y Hy - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây, nghệ nhân am hiểu về ching kok cho biết, bản nhạc này mang tên ông Y DLơng. Theo lời ông bà truyền lại, ông Y DLơng là người đầu tiên sáng tạo nên bản nhạc để sử dụng cho ching kok. Tuy nhiên, nhân vật này sống vào thời nào thì đến nay không ai rõ.
Nghệ nhân Y Guanh biểu diễn một bản nhạc từ dàn ching kok.
Nghe những thanh âm phát ra từ dàn ching kok, chúng tôi thấy đây là loại nhạc cụ mô phỏng lại tiếng chiêng đồng (ching k’nah) của người Ê đê. Ching kok thuộc bộ gõ, được làm từ những thanh gỗ có độ dài ngắn, dày mỏng khác nhau, tương ứng với việc cho ra những âm thanh có âm vực khác nhau. Mỗi bộ ching kok gồm 6 thanh gỗ, thường là những cây gỗ thân mềm như: Đỗ trọng, xoan đào, keo…
Khi trình diễn, ching kok có thể được thực hiện bởi nhiều người, trong đó mỗi người sẽ cầm đánh một thanh gỗ. Tiếng dài, tiếng ngắn, âm trầm, âm bổng của ching kok được điều khiển bởi bàn tay cầm vào thanh gỗ lúc chặt, lúc lỏng. Âm thanh của từng thanh gỗ khi hòa quyện, lúc đuổi bắt nhau tạo nên những giai điệu thu hút người nghe. Trong trường hợp không đủ số lượng người biểu diễn, ching kok được đồng bào xếp lại với nhau gần giống như cách sắp xếp những thanh gỗ của đàn xylophone. Dàn ching kok để một người đánh thường có từ 6 đến 11 thanh gỗ, được xếp theo thứ tự âm thanh từ thấp đến cao. Điều độc đáo là người đánh ching kok có thể cầm một lúc 4 chiếc dùi tre để đánh nhằm tạo nên các hợp âm nghe giống như lúc nhiều người cùng trình diễn. “Cũng như bộ chiêng đồng, ching kok phát ra âm thanh từ sự va đập giữa dùi tre (hoặc gỗ) với những thanh gỗ để tạo nên các nhóm tiết tấu khác nhau nhằm tạo nên bản nhạc mạnh mẽ, dồn dập. Tiếng ching kok giòn, vang, rộn rã, thích hợp với không khí vui chơi, giải trí và thường được đồng bào sử dụng trên nương rẫy hoặc khi thanh niên nam nữ uống rượu trong buôn làng, nhà sàn. Một buổi biểu diễn ching kok đúng nghĩa thường có đội múa phụ họa để tăng thêm không khí lễ hội”, nghệ nhân Y Guanh (thôn Buôn Lác, Ninh Tây) cho biết.
Cần được tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn
Hiện nay, chúng tôi chưa tìm thấy một tài liệu nào viết về nhạc cụ độc đáo này. Đồng bào Ê đê ở các tỉnh Tây Nguyên có một loại nhạc cụ gần giống với ching kok, đó là ching kram (còn gọi là chiêng tre). Tuy cả 2 loại nhạc cụ này đều mô phỏng thanh âm của bộ chiêng đồng, nhưng từ vật liệu đến cách đánh đều có sự khác nhau. Ching kok là những thanh gỗ được gõ để tạo ra âm thanh, còn ching kram là những thanh tre được đặt ngang trên mặt những ống tre để khi gõ lên tạo sự cộng hưởng âm thanh, giai điệu cho bản nhạc. Ông Y Hy chia sẻ: “Tôi đã đi tìm hiểu và được biết, ching kok chỉ có người Ê đê ở Ninh Tây sử dụng. Đồng bào Ê đê ở tỉnh Đắk Lắk và huyện Khánh Vĩnh không biết đến ching kok. Tôi nghe người già kể lại, ching kok có trước cả chiêng đồng. Nhưng những điều này cũng chưa thể kiểm chứng được. Vậy nên, chúng tôi rất mong những nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian có thể đến tìm hiểu kỹ hơn về nhạc cụ ching kok của đồng bào Ê đê ở Ninh Tây”.
Đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây hòa tấu ching kok.
Trong đời sống của đồng bào Ê đê và một số dân tộc khác như Raglai, bộ chiêng đồng hay bộ mã la vốn có giá trị tinh thần, giá trị kinh tế rất to lớn. Gia đình nào có điều kiện mới mua được những bộ chiêng đồng về sử dụng. Với những người Ê đê không có điều kiện để mua sắm chiêng đồng, họ đã nghĩ cách chế tác ra bộ ching kok sử dụng thay thế chiêng đồng, tương tự như trường hợp cây đàn chapi của đồng bào Raglai cũng mô phỏng theo âm thanh bộ mã la.
Hiện tại, ching kok vẫn còn xa lạ đối với nhiều người. Những thông tin chúng tôi có được cũng chỉ mang tính chất gợi mở bước đầu. Hy vọng rằng, thời gian tới, sẽ có những nhà nghiên cứu âm nhạc quan tâm đến loại nhạc cụ này. Qua đó, có thể đưa đến cho công chúng những thông tin mang tính khoa học, chính xác nhất.
Ching kok của đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây gồm có 5 bài đánh cơ bản: Tông klei krông drai êa, mô phỏng theo tiếng thác nước chảy; bơ yơh, thúc giục mọi người đi đến một địa điểm nào đó; klei arai, thường dùng ching kok hòa tấu với đàn đing năm; klei adục adei la, hòa tấu cùng điệu múa nhằm thể hiện lời chào hỏi bạn bè; kok Y DLơng, bản nhạc được sử dụng phổ biến nhất trong các dịp lễ hội. Nếu như chiêng đồng thường được người Ê đê diễn tấu trong nhà dài, ngồi trên ghế kpan (ghế dài) để tấu lên những bản nhạc thì với ching kok, do sự gọn nhẹ, đơn giản nên thường được đồng bào mang lên nương rẫy để trình diễn. Bất cứ lúc nào, đồng bào cũng có thể sử dụng ching kok để đánh lên những bản nhạc truyền thống của dân tộc mình.
GIANG ĐÌNH
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202311/doc-dao-nhac-cu-ching-kok-4ba3ea8/