Video: Độc đáo 'phiên chợ ngày Xuân' của người đồng bào dân tộc ở Bắc Kạn
Nếu như ở dưới miên xuôi, những ngày cận Tết mọi người mua sắm đồ ở các con phố bán đồ Tết, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại lớn thì ở vùng núi cao có địa hình đồi núi, người đồng bào dân tộc thiểu số mua sắm và tụ tập lại vào những ngày chợ phiên hay còn gọi phiên chợ Xuân.
Theo tìm hiểu của phóng viên Gia đình và Xã hội, chợ phiên vùng cao được ra đời do điều kiện đi lại khó khăn, nên thường cứ 5 ngày người dân ở các xã tại Bắc Kạn lại tập trung tại một điểm thuận lợi nhất để họp chợ. Các phiên chợ thường được ấn định vào những ngày riêng để người dân có dịp đến trao đổi, giao lưu hàng hóa. Đó được coi là điểm hẹn để người dân trao đổi vật chất lẫn tinh thần.
Bên cạnh đó, vào những ngày giữa tháng chạp trở đi chợ phiên ở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trở nên đông đúc, tấp nập. Từ ngày 24 tháng chạp trở đi người dân thường gọi là chợ Xuân bởi lẽ vào những ngày này chợ phiên thành nơi buôn bán những sản phẩm, mặt hàng đồ Tết.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm, hàng hóa rất phong phú và đa dạng, thu hút rất nhiều người đến chợ.
Ở chợ phiên, không tranh giành chỗ ngồi, ai đến chợ sớm thì được chỗ thích hợp nhất để bán hàng. Các sản vật mang hương vị, sắc màu của núi rừng, sản phẩm do chính bàn tay người dân làm ra. Tất cả đều thật giản dị nhưng cũng thật đậm đà, đặc sắc. Đa số các mặt hàng là thịt lợn, nào gà, vịt, nào lá dong, lạt buộc, rau củ quả, quần áo, đồ dùng trang trí ngày Tết… đều được bà con mang đến chợ. Có người đi chợ phiên ngày Tết không chỉ để mua, để bán mà còn để đi chơi, đi ngắm chợ, hay tìm gặp lại người thân quen lâu ngày xa cách.
Gà do chính tay những người nông dân nuôi, khi đem đến chợ họ cho vào lồng được đan bằng tre.
Một người phụ nữ người dân tộc Dao mặc trên mình bộ quần áo thổ cẩm, cổ đeo vòng bạc trắng truyền thống mua sắm đồ dùng để đón Tết ở chợ phiên Cao Thượng, xã Cao Thượng, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Trẻ em vùng cao đi cùng bố mẹ xuống chợ Xuân sắm đồ Tết với bộ trang phục truyền thống của người dân tộc H' Mông.
Một gia đình mua sắm đồ ở chợ phiên đang trên đường đi về nhà.
Bên cạnh những mặt hàng mua sắm, tại chợ phiên quán ăn sáng không thể thiếu. Đa số quán thường bán bánh cuốn được dựng theo phong cách giản dị, theo đúng như vị quê.
Ngoài các mặt hàng phục vụ Tết, đào rừng cũng được những tiểu thương họ bán. Đào do chính tay những người nông dân trồng. Khi chặt cành đào họ thường đốt gốc, khi khách hàng mua về cắm xuống nước cây vẫn sống và nở hoa một cách kỳ lạ.
Hiện nay, cùng với kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, chợ phiên (ngày Tết) cổ truyền ở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn mang một màu sắc đặc trưng vốn có, phản ánh đúng đời sống văn hóa, tinh thần và các sản phẩm truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Chợ tết còn là hình hình ảnh gợi nhớ quê hương cho những con người xa quê.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tết Nguyên đán tại một số quốc gia Đông Nam Á
Nhật Tân