Độc đáo phong tục đón lễ Vu lan ở các nước châu Á
Trong tháng 7 âm lịch, không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đón lễ Vu lan theo những phong tục đặc trưng.
Nhật Bản
Lễ hội Obon được coi như lễ Vu Lan của người Nhật Bản. Obon mang nghĩa “Ngày của người chết” và thường diễn ra vào tháng 8 dương lịch hàng năm. Trong dịp này, hầu hết những người đang ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà.
Vào ngày đầu tiên của lễ hội Obon, người Nhật sẽ đem đèn lồng chochin đến các mộ của gia đình để gọi linh hồn tổ tiên của họ trở về nhà.
Lễ hội kết thúc với nghi thức thả thuyền giấy. Các con thuyền được xếp bằng giấy rồi thả theo các con sông để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ.
Người Nhật thường cúng bánh khảo (làm từ bột gạo màu xanh, đỏ, vàng) hình hoa sen cùng những giỏ trái cây bày biện đẹp mắt trên bàn thờ. Đồ cúng được thay đổi mỗi ngày, ngày 13 là bánh đón linh hồn; ngày 14 là một loại bánh làm từ bột gạo; ngày 15 là bún làm bằng bột mì và ngày 16 là bánh tiễn linh hồn.
Indonesia
Lễ hội Rằm tháng 7 ở Indonesia có tên là Chit Gwee Pua, chủ yếu được tổ chức tại đảo Java. Nhân dịp này người dân tập trung về các đền chùa và mang theo đồ cúng dành cho những linh hồn kém may mắn. Phần đồ cúng sau đó được tặng người nghèo.
Những lễ vật cúng người đã khuất gồm mù tạt và mía đỏ. Tại đền chùa, các nhà sư tế lễ, đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn lang thang.
Hàn Quốc
Lễ hội Baekjung diễn ra vào những ngày giữa tháng 7 âm lịch được coi là di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Hàn Quốc.
Ở nông thôn Hàn Quốc, Rằm tháng 7 âm lịch, người Hàn Quốc gọi là Bách Trung hay Bách Chủng, tức là 100 chủng loại hạt ngũ cốc, vì đây là thời điểm có nhiều loại rau củ quả có thể thu hoạch trong năm. Ngoài ra, người Hàn Quốc còn gọi ngày này là Lễ Trung Nguyên hoặc Vu lan Bồn như người Hoa.
Người dân sẽ tổ chức diễu hành với trang phục Hanbok truyền thống, tay cầm gậy có khi mang mặt nạ hoặc không, nhằm xua đuổi tà thần và cầu xin một vụ mùa mới may mắn cũng như không bị cô hồn quấy phá.
Campuchia
Từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, mọi gia đình theo đạo Phật ở Campuchia tụ tập cùng nhau tổ chức lễ Pchum Ben để tưởng nhớ người đã mất. Lễ Pchum Ben kéo dài 15 ngày.
Trong mùa lễ hội, các chư tăng thay phiên nhau tụng kinh bằng tiếng Pali liên tục không ngừng nghỉ suốt cả ngày và đêm, cầu nguyện cứu độ những vong linh quá vãng.
Người Campuchia sẽ mặc quần áo trắng, tập trung tại chùa để tưởng nhớ tổ tiên, cũng như cúng dường phẩm vật lên chùa để các chư tăng “gửi” cho các linh hồn của người quá cố.
Trung Quốc
Thường thì người Phật tử ở Trung Hoa tổ chức lễ Vu lan từ ngày 15/7 cho đến ngày 30/7 âm lịch. Trong ngày lễ Vu Lan, người dân Trung Quốc thường sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn để dâng lên tổ tiên ba lần mỗi ngày, buổi lễ chính vào lúc hoàng hôn.
Trong ngày lễ Vu lan, các vị chư Tăng thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho người đã khuất được ấm no, an lành. Phật tử ở Trung Hoa thường tới những ngôi chùa lớn để thắp hương, cầu nguyện, phát gạo cho người nghèo, đốt giấy tiền, vàng mã cho những người đã khuất.
Trong bữa cơm ngày lễ không thể thiếu thịt gà luộc, lợn quay. Ngoài ra có các phong tục kỳ lạ khác như để một chiếc ghế trống cạnh bàn ăn và tin rằng linh hồn người đã khuất sẽ ngồi đó.
Đài Loan (Trung Quốc)
Vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, người Đài Loan luôn giữ truyền thống lâu đời đó là thả đèn hoa đăng để soi sáng những linh hồn người đã khuất. Người Đài Loan quan niệm rằng, đèn trôi càng xa, gia chủ càng gặp nhiều tài lộc.
Tại Đài Loan, theo truyền thống, mỗi hộ gia đình Đài Loan sẽ chuẩn bị lễ vật để cúng cho những hồn ma đói tại một ngôi miếu hoặc trên một bàn thờ tạm phía trước nhà. Họ cũng mời các nhà sư để cầu nguyện cho người thân đã qua đời được bình an, siêu thoát.
Cũng vào dịp này, người Đài Loan thường tổ chức những lễ hội rước ma với quy mô lớn ở nhiều nơi trên cả nước.