Độc đáo Tết ăn than của người Giẻ Triêng
Khi cây đót trên rừng trổ đòng cũng là lúc người Giẻ Triêng lục tục chuẩn bị ăn Tết. Đàn ông lên rừng đốt than và cõng than về nhà nên Tết còn gọi là lễ hội ăn than; đàn bà cắt đọt đòng đòng của cây đót mang về làm cỗ Tết. Tết cũng là dịp cộng đồng người Giẻ Triêng tụ tập quanh ánh lửa hồng trong nhà rông để hỏi thăm, chúc mừng nhau. Đây cũng là dịp cho nam thanh nữ tú tỏ tình, hò hẹn…
Tục cõng than về nhà mừng Xuân mới
Tết Cha Kchah (hay còn gọi là lễ hội ăn than) là lễ hội truyền thống liên quan đến nền nông nghiệp được các thế hệ người Giẻ Triêng truyền lại từ đời này sang đời khác. Lễ hội tổ chức với mục đích tổng kết mùa màng, sau một năm thu hoạch để cộng đồng ăn mừng, tạ ơn thần linh phù hộ cho dân làng được mạnh khỏe, mùa màng bội thu, đời sống an lành, ấm no. Đây cũng dịp cộng đồng làng chuẩn bị các dụng cụ lao động sản xuất để bước vào vụ mùa sản xuất mới với niềm tin mãnh liệt mọi thứ sẽ tốt đẹp.
Lễ hội thường được tổ chức trong khoảng thời gian 7 ngày, từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 12 hàng năm. Trước khi tổ chức lễ hội, hội đồng làng họp xét chọn khoảng 7 thành viên khỏe mạnh, cao to, lực lưỡng đạt tiêu chuẩn quy định để lên rừng đốt than cho dân làng. Họ lựa những cây gỗ rừng chắc nhất để có than tốt. Khi đốt xong, thhan được bảo quản cẩn thận và mang về nhà chuẩn bị cho các lò rèn để rèn dụng cụ phục vụ cho nông nghiệp.
Muốn mang than về nhà, bảy chàng trai phải cõng những gùi than từ trong rừng ra, đi một quãng đường rất xa, chỉ cần ló dạng, chiêng, trống trong làng sẽ nổi lên để đón chào. Đáp lại, các thành viên lấy than sẽ hú ba tiếng, rồi đi xung quang 4 vòng, theo hướng từ trái sang phải rồi vào nhà rèn. Bên trong lò rèn, người thì xếp than, nhóm lửa, người thì chuẩn bị dao, rựa, rừu, người thì dã cua pha, dã lá cây đót.
Trước khi đưa dụng cụ lao động sản xuất vào lửa, một thành viên lấy hỗn hợp nước cua được giã nhuyễn trộn với bẹ non của lá cây đót bôi lên lưỡi các công cụ sản xuất. Theo quan niệm của dân tộc Giẻ Triêng, các công cụ sản xuất mà được bôi hỗn hợp nước này thì sau khi rèn xong mới sắc bén, không bị cong vênh, sứt mẻ.
Khi việc rèn công cụ lao động sản xuất kết thúc, dân làng tiếp tục nghi thức cõng những người đi lấy than lên nhà rông và đặt ngồi tại một góc nhà. Sau đó dân làng tập trung lên nhà rông để làm nghi thức cho những người đi lấy than, rồi cùng nhau chung vui bên ché rượu cần đã được ủ trước đó nhiều tháng.
Kết thúc nghi lễ, dân làng tiếp tục đánh chiêng, trống, uống rượu, múa xoang trong nhà rông.Họ cùng nhau trò chuyện, động viên nhau quên đi những chuyện buồn của năm cũ, đón chào năm mới với niềm vui hân hoan, phấn khởi.
Tự do tỏ tình ngày xuân
Trong lúc cánh đàn ông đi rừng đốt than thì những cô gái xinh đẹp Giẻ Triêng cũng vào rừng cắt lấy đọt đòng đòng của cây đót mang về. Lúa mới trên nhà kho cũng được lấy xuống giã làm bánh. Gạo lúa mới được trộn với đót đòng đòng, sau khi giã xong thêm muối, ớt hoặc trộn với bột gạo để nấu canh.
Cùng với các món thịt khô thú rừng, đây là những món ăn chính trong Tết Cha Kchah của người GiẻTriêng. Sau đó, mỗi gia đình góp một ít món canh đòng đòng, gan của các con vật hiến sinh được trộn lẫn vào nhau đem đến nhà rông để sau khi cúng xong mọi người cùng ăn uống vui xuân.
Khi mặt trời tắt sau lưng núi, tiếng chiêng huyền thoại vang lên, mọi thành viên sẽ tụ họp tại nhà rông, nam thanh nữ tú biểu diễn những tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc. Sau tiếng chiêng trống nổi lên, mọi người nối vòng xoang quanh bếp lửa bập bùng. Đàn ông ngồi uống rượu với nhau từ những ghè rượu nhỏ nhưng tuyệt đối không được uống say.
Đàn bà chuẩn bị gạo, nếp, lá gói bánh và làm những công việc nội trợ khác chuẩn bị thức ăn, đồ uống cho các ngày tết. Trong 7 ngày kiêng cữ, dân làng phải ăn chay. Người Giẻ Triêng cũng sẽ cầm một nắm xôi ném lên mái nhà, nắm xôi của ai dính lên đó sẽ năm mới người ấy sẽ có mùa màng bội thu. Trong 3 ngày Tết, nhà nào cũng được nhận phần và chia phần cho toàn thể cộng đồng. Tất cả các thành viên trong buôn làng tuyệt đối không được to tiếng, hay đánh nhau, vì như vậy sẽ đem lại vận xui cho cả năm mới,
Những ngày ăn Tết Cha Kchah, con trai chưa vợ, con gái chưa chồng được hưởng niềm vui tột đỉnh, bởi đây cũng là mùa tỏ tình của con trai, con gái Giẻ Triêng trong lúc nông nhàn. Họ được nằm chung một chiếu tại nhà rông để tự do tỏ tình mà không sợ sự dị nghị. Cũng trong dịp Tết cổ truyền này, nhiều cặp nam nữ Giẻ Triêng nên vợ nên chồng, ăn nên làm ra trong sự đùm bọc, thương yêu của cả cộng đồng buôn làng.
Qua 3 ngày Tết tưng bừng, dân làng trở về với cuộc sống đời thường. Con trai biết rèn thì chuẩn bị lò bễ, số không biết rèn thì vào rừng săn bắn, một số già làng có kinh nghiệm được bà con tin tưởng giao trọng trách đi tìm đất phát rẫy mới. Phụ nữ đi lấy củi, chăm sóc hoa màu và làm các công việc nội trợ hàng ngày.
Giẻ Triêng là tộc người có một nền văn hóa dân gian khá đặc sắc và đa dạng, hiện còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, mang rõ dấu ấn văn hóa của cư dân Bắc Tây Nguyên. Người Giẻ Triêng sống chủ yếu ở Quảng Nam và Kon Tum, họ đón Tết cổ truyền với tên gọi là Cha Kchah (hay còn gọi là Lễ hội ăn than -PV). Giống như Tết Nguyên đán của người Kinh, người Giẻ Triêng coi Tết Cha Kchah là tết cổ truyền của dân tộc mình.