Độc đáo võ Chùa và cuốn bí kíp truyền tới 13 đời danh sư
Bước chân rong ruổi trên miền đất võ dẫn tôi đến ngôi chùa hiện đang cất giữ báu vật võ học Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp.
Video: Võ sư Nguyễn Thanh Viện biểu diễn bài quyền Nạp mã môn cương
Từ TP Quy Nhơn chạy dọc tuyến quốc lộ 19 đến đoạn cầu Đại Giang, nhìn về hướng Đông Bắc đỉnh tháp của ngôi chùa Long Phước, hiện ra ngay trước mắt. Đến gần hơn chút nữa, toàn cảnh ngôi chùa thanh tịnh hiện ra giữa nơi làng quê xanh ngát.
Chùa Long Phước tọa lạc tại thôn Tân Thuận (xã Phước Thuận, Tuy Phước, Bình Định). Đây là nơi đã sản sinh ra nhiều nhân tài võ học nổi tiếng trong nước và cả nước ngoài như: Vạn Thanh, Văn Tính, Kim Huệ, Trần Di Linh, Nguyễn Văn Cảnh…
Bước vào bên trong ngôi chùa, khung cảnh tĩnh lặng, thoáng mát, không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên làm tôi như chìm vào chốn bồng lai. Đang dừng chân tận hưởng không gian thanh tịnh thì 2 chú tiểu tầm 5 - 6 tuổi lễ phép đến hỏi: “Chú tìm ai vậy chú?”. Giọng nói trong vắt, hồn nhiên làm tôi trào lên nỗi nhớ về thời thơ ấu.
2 chú tiểu đưa tôi đi qua khu chính điện tới sân tập. Trước mắt tôi là võ sư Nguyễn Thanh Viện đang chuyên tâm tập luyện lại các bài quyền để chuẩn bị truyền dạy cho các đệ tử tham gia kỳ Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Bình Định sắp tới.
Võ sư Nguyễn Thanh Viện cho tôi biết cuốn bí kíp được sư tổ Hư Minh (1518 - 1590) ghi chép lại hơn 150 bài võ cổ, quý hiếm truyền lại cho các đời sau, đến nay đã là đời thứ 13. Cuốn bí kíp hiện đang được Viện chủ là Đại võ sư quốc tế Hòa thượng Thích Hạnh Hòa nắm giữ.
Trong cuốn bí kíp ghi rõ các bài quyền, các bài binh pháp phá vây bằng nhiều loại binh khí khác nhau, được ghi chép lại một cách tỉ mỉ.
Những bài võ quý của các danh tướng các triều đại được ghi chép lại vào trong cuốn bí kíp như: U linh thương (thời nhà Đinh), Động địa thủy tiên (của Đinh Tiên Hoàng), Tru hồn kiếm (thời Lý), Tây quy kinh môn tiên (của Lý Công Uẩn), Mai hoa quyền (của Phạm Ngũ Lão), Vệ la thành thương, Đằng vân sát kiếm, Sa vân kiếm pháp…
Hiện tại cuốn bí kíp còn rất nhiều bài võ quý mà chưa được dịch và khám phá hết. Để dịch được, tìm hiểu được ý nghĩa sâu xa trong đó là cả một quá trình nghiên cứu lâu dài.
Đây là kho tàng võ thuật vô giá của võ phái chùa Long Phước nên cuốn bí kíp được gìn giữ rất kỹ lưỡng, chỉ có người đức cao vọng trọng và có kiến thức uyên bác về võ đạo, võ học mới được truyền lại.
Các bài võ được dịch và chân truyền cho các đời đệ tử tiêu biểu sau này. Điều đặc biệt ở đây, cách truyền lại và ghi chép đều mang những nét riêng biệt, nếu không phải là đệ tử của chùa thì khó có ai dịch được.
Bài võ được viện chủ các đời dịch lại bằng bài thiệu, bài thảo. Trong bài thiệu, bài thảo đó lại thêm một phần gọi là đề toán thao. Từng câu toán ứng với một thế võ, một chiêu thức. Chỉ có những đệ tử chân truyền mới hiểu được từng chi tiết trong bài.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử võ phái chùa Long Phước đang ngày càng cho thấy được thế mạnh về quyền thuật, các bài võ cổ. Đây là nơi còn lưu giữ hiếm hoi các bài võ thuật tưởng chừng như đã mai một thất truyền.
Có lẽ Tổ sư Hư Minh đã nhìn thấu được tương lai nên đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép lại kho tàng võ học của các danh tướng đời xưa để lưu truyền cho hậu thế.
Dù đây chưa phải đầy đủ hết các bài võ cổ, nhưng cũng là một phần giá trị vô giá của nền võ học chùa Long Phước nói riêng và cả nền võ học quốc gia nói chung.
Võ phái chùa Long Phước đưa việc dạy võ cho các đệ tử, chư tăng trong chùa từ sau những năm giải phóng đến nay. Nhưng để chính thức truyền bá võ thuật rộng rãi ra bên ngoài là vào năm 1983. Khi ấy Đại võ sư quốc tế Hòa thượng Thích Hạnh Hòa - cũng là Viện chủ hiện tại - đã thành lập ra Câu lạc bộ Võ thuật cổ truyền chùa Long Phước để truyền dạy võ thuật rộng rãi ra bên ngoài.
Với bản sắc riêng biệt khác hẳn với các võ đường bên ngoài, CLB chú trọng dạy cho các đệ tử đạo lý của nhà Phật bên cạnh việc dạy võ công. Môn sinh đến học võ tại chùa đều là những người có tâm hướng thiện, học võ chính là để tu tâm, rèn luyện sức khỏe, tuyệt đối không xem đó là vũ khí để giao đấu đánh người, tuyệt đối không thi đấu đối kháng.
Trước khi học võ, mỗi môn sinh đều được đích thân Hòa thượng Viện chủ Thích Hạnh Hòa chỉ dạy cách học làm người qua từng buổi giảng giải Phật pháp.
Tất cả các môn sinh, đệ tử đến chùa học võ không nhất thiết phải ăn chay trường mà chỉ cần tự phát tâm ăn chay vào mồng một, ngày rằm… Nhưng đa phần chúng đệ tử, môn sinh đều ăn chay thuần để tâm hồn được nhẹ nhàng. Nhiều người trong số họ đã xin được quy y Tam Bảo.
Chủ nhiệm CLB hiện nay là võ sư Nguyễn Văn Thắng (pháp danh Vạn An), nhưng người thường xuyên dìu dắt tất cả các môn sinh là võ sư Nguyễn Thanh Viện (Vạn Năng).
Võ sư Nguyễn Thanh Viện (Sinh năm 1978) quê ở thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh, Phù Cát, Bình Định) đang là huấn luyện viên duy nhất trong CLB. Anh học võ từ khi lên 6 tuổi, được cha là đại võ sư Nguyễn Văn Sáu truyền dạy cho những bài quyền cơ bản. Đến năm 8 tuổi anh mới bắt đầu theo chú của mình là Đại võ sư quốc tế Thích Hạnh Hòa vào chùa để học võ và tu thân.
Võ sư Nguyễn Thanh Viện từ nhỏ đã ở trong môi trường tu đạo nên từng câu, từng chữ của anh nói ra đều rất nhẹ nhàng, tao nhã mà cũng không kém phần uy nghiêm của người theo Phật và luyện võ.
Khi mới theo chú của mình vào chùa, thời gian đầu anh cảm thấy rất khó khăn để hòa nhập với không gian sống và nề nếp sinh hoạt trong chùa. Nhiều lúc anh cảm thấy rất nhớ nhà, nhưng nỗi nhớ ấy cũng đã vơi đi phần nào khi được chính người chú của mình và cũng là sư phụ tận tâm truyền dạy cả Phật pháp và võ công.
Giác ngộ được Phật pháp, học theo tấm gương của thầy Viện chủ ngày ngày anh cố gắng học tập chăm chỉ, ngoan ngoãn, lễ phép, làm sao để trở thành một môn đồ mẫu mực của võ phái.
Hàng ngày anh cắp sách đến trường học văn hóa, khi về chùa anh lại được các thầy, các sư phụ trong chùa truyền dạy về lễ đạo trong Phật giáo và võ công.
Đến năm 17 tuổi anh bắt đầu tham gia biểu diễn nhạc võ tại Bảo tàng Quang Trung 1 năm và thấy được tiềm năng biểu diễn quyền thuật, binh khí là sở trường của mình. Từ đó anh đại diện cho võ phái của chùa tham gia nhiều cuộc thi giải đấu, nhận được nhiều thành tích đáng kể.
Để có được những thành tích cao trong thi đấu anh đã phải cố gắng rất nhiều. “Thời ấy gia đình tôi và cả chư Tăng trong chùa còn khó khăn về mọi mặt, đặc biệt là cái ăn cái mặc. Tôi nhớ thời nhỏ buổi sáng dậy sớm đọc kinh, pha trà, học võ, rồi đi học. Chiều đến, tôi phải lén các thầy, các sư đi phụ người dân trong vùng cắt lúa để xin được chút gạo mang về chùa” - võ sư Viện kể.
Mỗi khi trời trở gió bắt đầu lập đông, trời bắt đầu lạnh, gió biển thổi lên vù vù, nhưng để rèn luyện cho thân thể cường tráng, hằng ngày anh đều chăm chỉ luyện võ, vừa là rèn luyện thân thể sau nữa là để bớt đi cái lạnh trong thời kỳ thiếu thốn trăm bề.
Trải qua nhiều khó khăn từ thưở ấu thơ, giờ đây võ sư Nguyễn Thanh Viện là người vừa tinh thông Phật pháp và cũng là một thầy thuốc Đông y với nhiều bài thuốc chữa trị xương khớp gia truyền rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến như pháp danh Vạn Năng mà thầy Viện chủ khi đặt cho đã hằng kỳ vọng.
Nội dung: PHẠM VIÊN - Thiết kế: HUY MẠNH
Nguồn VTC: https://vtc.vn/doc-dao-vo-chua-va-cuon-bi-kip-truyen-toi-13-doi-danh-su-ar702001.html