Độc đáo vùng quê 'săn' rêu đá làm món ăn

Ở nhiều làng, xã của huyện Lục Yên (Yên Bái), rêu đá được coi như một thực phẩm 'trời ban'...

Những món này xuất hiện thường xuyên trên mâm cơm gia đình và đặc biệt không thiếu vắng trong những ngày quan trọng như: Hứa hôn, cưới hỏi, lễ, Tết… Nhưng để biến những đám rêu dưới suối thành món ăn, người dân cũng phải bỏ ra không ít công sức.

Sau khi hái được rêu, người dân chọn chỗ nước sạch để rửa, loại bỏ những tạp chất

Nhiều món ăn từ rêu đá

Cuối giờ chiều, trước khi từ nương trở về nhà chuẩn bị bữa cơm tối, chị Đặng Thị Nghĩa (xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) rẽ xuống suối tìm lấy ít rêu về để nấu ăn.

Hiện, Hội phụ nữ xã đã phối hợp tuyên truyền để bà con giữ gìn môi trường, đảm bảo nguồn nước suối đầu nguồn luôn trong sạch, từ đó có thể thu hoạch rêu suối một cách thuận lợi, lâu dài và đảm bảo vệ sinh.
UBND xã Tân Phượng cũng đang xây dựng chương trình phối hợp với các khu du lịch cộng đồng đưa món rêu suối thành món ăn chính, chủ đạo, trở thành món ăn mang nét đặc trưng văn hóa ẩm thực của địa phương.
Ông Triệu Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Phượng, huyện Lục Yên

Chị Nghĩa cho biết, mùa này chưa có nhiều rêu, phải tầm cuối Thu, đầu Đông mới là chính vụ. Nhưng mấy ngày qua, mưa nhiều, cũng có thể tìm thấy ít rêu sớm đầu vụ.

“Lâu rồi chưa được ăn rêu nên thấy thèm, dù bây giờ tìm rêu khó”, chị Nghĩa phân trần và giải thích, không phải cứ thấy rêu là hái, không phải rêu nào cũng ăn ngon được.

Rêu phải hái ở những khu vực suối có mực nước nông đến đầu gối, nước chảy. Bởi chỗ nước sâu, nước tù thì rêu ít mọc, nếu có thì rêu cũng không được sạch vì dính nhiều sạn cát.

Chị Nghĩa cũng chỉ chọn những cụm rêu đã mọc 3 - 4 ngày, vì rêu già sẽ chuyển màu trắng, không ăn được nữa.

“Khi vớt rêu phải đứng ở dưới suối rồi tiến dần lên trên, tránh làm đục nước vì nước đục sẽ khó nhìn thấy rêu và làm cát sạn dính vào rêu”, chị nói.

Sau khi hái được rêu đá, chị Nghĩa chọn khu vực suối có nước chảy mạnh để rửa rêu. Chị rải rêu ra tảng đá lớn rồi dùng khúc gỗ đập mạnh, sau đó nhặt rác, sỏi đá lẫn trong rêu rồi dùng rổ, rá để đãi sạch sạn cát.

“Khi về nhà sẽ cho rêu vào những chậu nước lớn rửa nhiều lần nữa để giũ sạch những chất bẩn, nhớt còn bám ở rêu. Sau đó thì vớt rêu ra để chế biến nhiều món ăn như: Rêu nướng, canh rêu, rêu xào tỏi, nộm rêu...”, chị Nghĩa cho hay.

Biểu tượng của sự chung thủy

Rêu đá được bán ở chợ với giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, phục vụ du khách và người dân nơi khác

Cùng ở huyện Lục Yên, có xã Minh Xuân, người dân có thói quen coi rêu là một loại thực phẩm. Chị Hoàng Thị Thêm (xã Minh Xuân) cho biết: “Khi lấy rêu phải chọn nơi nước thật trong, xung quanh không có nhà dân ở. Rêu đá ăn và chế biến như kiểu một loại rau, rất ngọt, ngậy và thơm. Dù chế biến theo cách nào thì món rêu đá cũng phải có hạt dổi và củ sả”.

Chị Thêm thường hay nấu cỗ cho các đám cưới, đám lễ trong khu vực. Theo chị, với món canh rêu, sau khi sơ chế sạch sẽ được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm.

Rêu non thường dùng để làm nộm bằng cách cho vào chõ đồ cho chín tới rồi trộn cùng các gia vị như gừng, mùi, mắc khén, muối, mì chính, ớt nướng giã nhỏ.

Rêu nướng trộn với các loại rau thơm và gia vị sau đó gói vào lá chuối hoặc lá dong rồi kẹp tre, nướng trên bếp than hồng, có thể ăn riêng hoặc ăn kèm với cá suối nướng, thịt lợn, thịt gà...

Chị Thêm cũng không biết thói quen ăn rêu đá có ở Lục Yên từ bao giờ, chỉ biết từ nhỏ, chị đã thấy vào những ngày lễ, Tết, cỗ bàn, đặc biệt là trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái được tổ chức trong ngày Xuân, không thể thiếu món ăn từ rêu đá. Bởi người dân nơi đây tin rêu đá là biểu tượng của sự chung thủy.

Một số món ăn làm từ rêu đá

Các cụ già trong làng vẫn kể về truyền thuyết về một đôi trai gái yêu nhau nhưng lại gặp sự cản trở của vị Chúa đất nơi họ sinh sống, nên quyết định cùng nhau chạy trốn tới một đỉnh núi cao ở Lục Yên.

Họ khóc nhiều đến nỗi chảy thành dòng nước lớn đổ từ trên đỉnh núi xuống. Cuối cùng, để được bên nhau mãi mãi, họ đã lao xuống dòng nước đó và cơ thể của chàng trai hóa thành những tảng đá, còn mái tóc dài của cô gái lại biến thành rêu mọc trên đá.

“Có nơi cho rằng, ăn rêu đá trường thọ, rồi thần dược... nhưng tôi thấy rêu gần giống một loại rau xanh, chắc chắn cung cấp chất xơ, vitamin... Những năm gần đây, không chỉ người dân trong vùng ăn rêu đá, mà nhiều du khách, người dân nơi khác cũng thích ăn món ăn lạ này nên rêu đá bắt đầu được bán ở chợ, giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg”, chị Thêm chia sẻ.

Anh Trần Văn Trọng (đến từ Hòa Bình) vẫn không quên cảm giác lần đầu tiên được thưởng thức các món ăn chế biến từ rêu suối khi tới du lịch Yên Bái.

“Khi chín, rêu không còn giữ được màu xanh lá lạ mắt nhưng ăn rất lạ miệng, có vị thơm ngon. Rêu mềm, có hương vị riêng, bùi bùi, thoang thoảng cả vị của nước suối, ăn một lần vẫn nhớ mãi. Tôi thích nhất món nộm rêu. Tôi cũng mua vài cân rêu về làm quà cho cả nhà, ai ăn cũng khen ngon và thích thú”, anh Trọng nói.

Ông Triệu Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Phượng, huyện Lục Yên cho biết, món ăn rêu suối đã có từ lâu đời trên địa bàn các xã của huyện Lục Yên. Đây là món ăn chỉ có ở một số xã của huyện Lục Yên và một số vùng thuộc các tỉnh Tây Bắc.

“Trước đây, các cụ chế biến rêu thành món ăn đơn giản, chủ yếu là nấu canh, cuốn lá nướng hay cho vào ống nứa để nướng. Ngày nay, mọi người có nhiều cách chế biến hơn nhưng vẫn giữ được vị ngon, ngọt của rêu suối”, ông Lý cho hay.

Tâm An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doc-dao-vung-que-san-reu-da-lam-mon-an-d521383.html