Độc lạ chuyện người trẻ nhờ ChatGPT làm... bác sĩ

'Tôi bị đau đầu ba ngày rồi, có vấn đề gì không?'; 'Dạo này tim đập nhanh, có nguy cơ bị bệnh tim à?'... Những câu hỏi như thế được Phan Hương Giang (23 tuổi, Hà Nội) thường xuyên gõ vào ChatGPT mỗi khi cảm thấy không khỏe trong người.

"Bác sĩ" bất đắc dĩ

Hương Giang cho biết, cô nàng bắt đầu hình thành thói quen tìm kiếm tư vấn sức khỏe qua AI từ cuối năm 2024. Cô chia sẻ: "ChatGPT trả lời rất mạch lạc, cung cấp danh sách các bệnh liên quan đến triệu chứng mình gặp, nghe rất thuyết phục. Có lúc mình còn thấy như đang được tư vấn bởi một bác sĩ thực thụ vậy."

Hương Giang hình thành thói quen tìm kiếm tư vấn sức khỏe qua AI từ cuối năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Hương Giang hình thành thói quen tìm kiếm tư vấn sức khỏe qua AI từ cuối năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Không chỉ riêng Giang, việc coi AI là bác sĩ online đã trở nên phổ biến với nhiều người trẻ hiện nay. Trên các hội nhóm sinh viên lớn, không khó để bắt gặp những dòng chia sẻ như "Đau đầu 3 ngày, hỏi ChatGPT xem có bị nghiêm trọng không" hay "AI bảo mình chỉ thiếu ngủ nên khỏi cần đi khám".

Nguyễn Thu Phương (24 tuổi, Hà Nội) cũng từng trải qua trải nghiệm "nhớ đời" khi tự tin làm theo lời khuyên từ AI. Phương kể lại rằng thời điểm đó cô gái trẻ thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt và thỉnh thoảng ngất xỉu. Khi nhập các triệu chứng này lên ChatGPT, AI đưa ra một danh sách dài các khả năng, từ thiếu ngủ, hạ đường huyết cho đến... stress công việc. Tin rằng mình chỉ đang mệt mỏi vì làm việc quá sức, Phương bỏ qua các dấu hiệu và tiếp tục sinh hoạt bình thường. Hai tuần sau, cô nàng bất ngờ ngất xỉu và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả chẩn đoán khiến Phương không khỏi choáng váng: thiếu máu nặng do rối loạn hấp thu sắt, cần truyền máu khẩn cấp.

Vì tin lời AI nên Phương đã nhập viện vì thiếu máu. (Ảnh: NVCC)

Vì tin lời AI nên Phương đã nhập viện vì thiếu máu. (Ảnh: NVCC)

"Bác sĩ nói nếu chậm vài ngày nữa, mình có thể gặp nguy hiểm thật sự. Lúc ấy mình mới thấy hỏi AI không thể thay được việc đi khám", Phương chia sẻ.

Nguy cơ sức khỏe lẫn bảo mật

Anh Nguyễn Ngọc Tuyên, chuyên gia về AI, lập trình viên web3 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Sotatek cho rằng việc dùng AI như một công cụ tham khảo là điều tất yếu trong thời đại số, nhưng cần xác định rõ giới hạn.

Theo anh, ChatGPT hay các công cụ tương tự như Gemini, DeepSeek hay Meta AI hoạt động dựa trên dữ liệu ngôn ngữ được huấn luyện từ internet, không có khả năng cảm nhận hoặc phân tích tình trạng sức khỏe của con người một cách trực tiếp. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng hoàn toàn không thể thay thế vai trò của bác sĩ, đặc biệt trong các tình huống cần đánh giá lâm sàng, xét nghiệm chuyên sâu.

"Chúng ta dễ bị đánh lừa bởi những câu trả lời logic, có vẻ đầy đủ, nhưng không hề có giá trị chẩn đoán chính xác. Nguy hiểm hơn, nếu người dùng tự ý điều trị theo gợi ý từ AI, nhất là với các loại thuốc thần kinh, tim mạch, hay nội tiết, hậu quả có thể cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu dùng sai cách", anh Tuyên cảnh báo.

Bên cạnh rủi ro về sức khỏe, một vấn đề khác mà nhiều người trẻ bỏ qua chính là việc chia sẻ thông tin cá nhân cho các nền tảng AI. Theo anh Tuyên, việc nhập các dữ liệu nhạy cảm như triệu chứng bệnh, kết quả xét nghiệm, ảnh chụp toa thuốc, hồ sơ y tế lên các nền tảng AI là hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong trường hợp dữ liệu bị rò rỉ, người dùng có thể đối mặt với tình trạng bị lợi dụng thông tin cá nhân, xâm phạm đời tư, thậm chí là đánh cắp danh tính.

"Dữ liệu y tế là loại dữ liệu cực kỳ nhạy cảm. Một khi bị lộ, nó không chỉ ảnh hưởng đến danh dự, mà còn có thể gây hậu quả pháp lý, ví dụ như bị dùng để làm hồ sơ giả, lừa đảo hoặc tống tiền. Do đó, không nên chia sẻ bất cứ dữ liệu sức khỏe nào lên các nền tảng AI nếu không có chính sách bảo mật rõ ràng", anh nói.

Vậy tại sao nhiều người trẻ lại chọn hỏi AI thay vì tìm đến bác sĩ? Hương Giang lý giải: "Thứ nhất là tiết kiệm thời gian. Hỏi ChatGPT thì 3 giây sau có câu trả lời, không cần chờ đặt lịch hay đi lại. Thứ hai là tâm lý sợ bị bác sĩ mắng vì tự ý uống thuốc hoặc không tuân thủ điều trị. ChatGPT thì lúc nào cũng dịu dàng, không trách móc gì mình."

Chính sự dễ chịu này khiến AI trở thành lựa chọn hấp dẫn. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, chuyên gia tâm lý tại Đại học California, Davis, Mỹ, đây lại là biểu hiện của một hiện tượng tâm lý gọi là "ảo giác tin cậy" (trust hallucination) – khi con người có xu hướng tin tưởng vào những phản hồi trôi chảy, dễ hiểu, dù nguồn gốc và độ chính xác của thông tin chưa được xác minh.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Nam Anh. (Ảnh: NVCC)

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Nam Anh. (Ảnh: NVCC)

"Điều này đặc biệt nguy hiểm trong lĩnh vực y tế, vì một thông tin sai dù nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn. Việc 'ảo giác' rằng mình đang nhận lời khuyên y khoa chất lượng cao có thể khiến người dùng chủ quan, bỏ qua việc kiểm chứng thông tin với bác sĩ thật sự."

Anh Tuyên đề xuất một số nguyên tắc sử dụng AI an toàn trong lĩnh vực sức khỏe: chỉ nên sử dụng AI để tra cứu thông tin y khoa cơ bản, chẳng hạn như định nghĩa bệnh, cách phòng tránh hoặc cập nhật kiến thức khoa học; tuyệt đối không dùng AI để tự kê đơn, tự chẩn đoán hay quyết định điều trị. Ngoài ra, người dùng nên cân nhắc kỹ trước khi cung cấp thông tin sức khỏe cá nhân, đặc biệt là các tài liệu có thể tiết lộ danh tính.

"AI là công cụ mạnh, nhưng không phải vạn năng. Đặc biệt trong y học, nơi tính mạng con người được đặt lên hàng đầu nên việc tìm đến bác sĩ vẫn là lựa chọn an toàn và đáng tin cậy nhất", anh nhấn mạnh.

Không ít người trẻ hiện nay có thói quen nhờ ChatGPT giải đáp các thắc mắc về sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Không ít người trẻ hiện nay có thói quen nhờ ChatGPT giải đáp các thắc mắc về sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, không ít bệnh viện lớn trong và ngoài nước cũng đã triển khai ứng dụng AI trong hệ thống y tế của mình. Tuy nhiên, AI ở đây chỉ đóng vai trò hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn – sau khi đã có dữ liệu xét nghiệm, hình ảnh lâm sàng và hồ sơ bệnh án đầy đủ. Chưa từng có công cụ nào được cấp phép thay thế hoàn toàn bác sĩ trong điều trị trực tiếp.

Trong khi đó, với một chiếc điện thoại kết nối mạng và vài dòng nhập lệnh, người trẻ có thể nhận được cả tràng lời khuyên sức khỏe từ chatbot. Điều đó tuy tiện lợi nhưng cũng đặt ra nhiều cảnh báo nếu người dùng không đủ hiểu biết để phân biệt đâu là thông tin hữu ích và đâu là nguy cơ tiềm tàng.

"Hỏi ChatGPT không có tội, nhưng tin hoàn toàn vào nó để chăm sóc sức khỏe thì lại là một câu chuyện khác. Sức khỏe không phải là nơi để mạo hiểm", anh Tuyên kết luận.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/doc-la-chuyen-nguoi-tre-nho-chatgpt-lam-bac-si-post1732351.tpo