Độc lạ đám cưới miền Tây của Puka và Gin Tuấn Kiệt: Quà hồi môn khủng, nghi thức trái ngược thông thường
Còn đám cưới của Puka cùng Gin Tuấn Kiệt ở nhà gái và lễ rước dâu lại làm sau cùng khi tất cả tiệc mừng đã được tổ chức.
Ba đám cưới ở ba nơi khác nhau, cặp đôi Gin Tuấn Kiệt và Puka vẫn luôn biết cách khiến người ta phải trầm trồ vì phong cách riêng biệt.
Cổng cưới rồng phượng siêu hoành tráng đậm chất miền Tây
Puka và Gin Tuấn Kiệt đã tổ chức 2 đám cưới tại Cam Ranh và TP Hồ Chí Minh với hai phong cách khác nhau. Đến với đám cưới ở Đồng Tháp - quê nhà cô dâu, cặp đôi lại lần nữa khiến dân mạng xuýt xoa vì sự chuẩn bị đậm chất quê hương của mình.
Trong đó, nổi bật và ấn tượng nhất chính là cổng cưới long phụng được kết hợp hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên như lá dừa, cau, quả ớt, bông hoa cúc... cực kỳ hoành tráng.
Puka đã quay clip về chiếc cổng cưới của mình và đăng lên mạng xã hội. Nó ngay lập tức thu hút sự chú ý. Nhiều người khen ngợi bởi chỉ nhìn cái cổng hoành tráng thôi thì đã đủ nhìn thấy "màu miền Tây" đậm đà.
Chiếc cổng màu xanh chủ đạo, kết hợp với những màu sắc rực rỡ khác như đỏ của ớt, vàng của bông cúc và nhiều loại hoa khác mang đến không gian thiên nhiên dân dã.
Cổng cưới của Puka và Gin Tuấn Kiệt được làm rất lớn, một bên tạo hình rồng, bên đối xứng tạo hình phượng. Các vật liệu sử dụng tạo hình là thân, lá và đọt non của cây dừa nước, lá cọ, trâu cau, thân chuối, tre, ớt...
Tất cả những nguyên liệu này đều đơn sơ nhưng thành quả nhận về lại vô cùng tinh tế, tỉ mỉ và thể hiện được nét văn hóa cưới hỏi độc đáo miền Tây.
Nhà Puka ở ngay cạnh sông nên họ còn dựng thêm một background chụp ảnh được làm bằng lá dừa nước. Nó được trang trí bằng giỏ, đơm bắt cá đậm chất dân dã.
Được biết, các đám cưới thường làm cổng mang biểu tượng rồng phượng với mong muốn một cuộc hôn nhân hòa hợp, bền vững và bình yên.
Hơn nữa, một chiếc cổng cưới đẹp, hoành tráng cũng nói lên độ tâm huyết của gia chủ đối với hôn lễ. Còn với những khách khứa tham dự, cổng cưới là ấn tượng đầu tiên mà họ nhìn thấy trong hôn lễ, cũng là địa điểm chụp hình nhiều nhất. Bởi vậy, một chiếc cổng cưới mang đậm bản sắc thì chỉ cần nhìn thoáng qua, người ta cũng biết đó là đám cưới miền Tây.
Vương Đình Khang - nhiếp ảnh gia nổi tiếng của những đám cưới miền Tây là người rất am hiểu về phong tục cũng như phong cách cưới hỏi ở vùng miền này.
Anh cho biết, cổng cưới miền Tây thường được làm bằng dừa, chuối, có chỗ dùng tre.
"Hình dáng đặc trưng và đơn giản nhất của cổng cưới miền Tây là dùng hai cây chuối làm trụ, gác một cây nằm ngang bên trên rồi sau đó mới trang trí thêm vật liệu khác. Kể cả tạo hình long phụng cũng từ cái nền đó. Vật liệu trang trí đủ kiểu, từ khóm, lá chuối, lá dừa... thắt đủ hình đủ dạng. Một điểm đặc trưng khác là làm cổng cưới miền Tây thường có dây đủng đỉnh, bắp chuối hoặc buồng cau non (đại diện cho ý sinh con đẻ cái)", anh Khang cho biết.
Về giá cả của cổng cưới, theo anh thì tùy vùng miền và vật liệu sử dụng. Nếu làm đơn sơ nhưng vẫn đậm chất truyền thống thì khoảng 2-3 triệu đồng. Nhưng cũng có những cổng đắt đỏ, có giá lên đến hàng chục triệu. Những chiếc cổng này có bề ngang phải đến 10m, được tạo hình rồng phượng, gắn điện để cử động và chớp đèn. Ở đây, đám cưới Puka đã làm chiếc cổng như thế nên chắc hẳn, giá cả mà cô dâu chi ra cho ngày vui của mình không hề rẻ chút nào.
Cũng tùy theo độ lớn của cổng mà huy động nhân công thực hiện.
"Độ hoành tráng của cổng cưới thể hiện mức giàu sang của gia chủ. Với nhiều người, cổng cưới có được do bà con lối xóm phụ giúp, vật liệu do nhà trồng hoặc hàng xóm mang qua tặng, chất chứa tình cảm của bà con. Còn với nhiều cổng lớn và hoành tráng thì đương nhiên cần đội ngũ chuyên nghiệp và nguyên vật liệu cũng như thế", anh Vương Đình Khang cho hay.
Ngoài cổng cưới rồng phượng, anh Vương Đình Khang cũng rất tâm đắc với nhiều mẫu cổng cưới miền Tây đơn giản nhưng đậm đà chất quê. Anh từng thực hiện đám cưới cho một cặp dâu rể ở Trà Vinh với chiếc cổng cưới do chú rể và hai anh trai của cô dâu tự tay làm. Chiếc cổng cưới rất đơn giản, các chi tiết đều tự nghĩ ra và được làm từ cây chuối, lá dừa nước cùng hai búi quả đủng đỉnh chỉ cần nhìn đã biết là đám cưới miền Tây.
Nghi thức cưới đặc biệt và sính lễ "khủng"
Về nghi thức cưới, sáng 16/11, lễ xin dâu của Puka và Gin Tuấn Kiệt đã diễn ra tại nhà cô dâu. Gia đình chú rể mang đến 14 mâm tráp cưới có đầy đủ món theo đúng phong tục, nghi thức như trà, bánh, heo quay, trái cây, trâu cau rượu...
Các tráp mà gia đình Gin chuẩn bị được trang trí bằng hoa sen - đồng nhất với phong cách trang trí hoa ở lễ đường nhà gái.
Ngoài các tráp lễ vật thì còn có tráp tiền sính lễ 500 triệu và hộp trang sức gồm 20 cây vàng.
Đáng nói hơn cả, gia đình Gin đã di chuyển bằng chẹt được trang trí từ lá dừa nước để đến nhà cô dâu. Hình ảnh này khiến dân mạng đặc biệt thích thú vì rất truyền thống, rất miền Tây.
Với đám cưới Puka - Gin Tuấn Kiệt, họ tổ chức lễ tân hôn ở nhà trai trước, sau đó đãi khách ở 2 đám cưới tại Cam Ranh và TP. Hồ Chí Minh trước khi "chốt hạ" bằng hôn lễ có màn xin dâu ở Đồng Tháp.
Theo anh Vương Đình Khang, hôn lễ này đã được cải biên cho thuận tiện và phù hợp hơn bởi nó hoàn toàn khác so với thứ tự nghi thức cưới ở đây.
Theo đám cưới miền Tây truyền thống, quy trình đầy đủ thường có lễ giáp lời đầu tiên - cha mẹ đặt vấn đề cưới hỏi, chọn ngày lành. Sau đó là đám hỏi, nhà trai mang sính lễ, tráp cưới qua để làm lễ và hẹn ngày đón dâu. Thường thì dịp này nhà trai sẽ mang số lượng mâm chẵn trầu cau rượu, heo quay, bánh kẹo, trái cây... đến để làm lễ.
Tiếp theo là đám vu quy, nhà trai qua để tham dự tiệc rượu dòng họ nhà gái, giới thiệu với bà con thân tộc. Tối ngày vu quy là xuất giá, cô dâu lạy tạ cha mẹ xin phép theo chồng. Cuối cùng là tân hôn, chú rể đón dâu về nhà, lễ thành và tổ chức tiệc ăn mừng.
Còn đám cưới của Puka cùng Gin Tuấn Kiệt thì đám ở nhà gái và lễ rước dâu lại làm sau cùng khi tất cả tiệc mừng đã được tổ chức. Có lẽ, cô dâu chú rể đã lựa chọn làm sao cho phù hợp nhất với lịch trình cũng như kế hoạch của mình.