'Độc lạ' phong tục cầu may của các nước ngày đầu năm
Nhiều quốc gia trên thế giới có quan niệm những gì mình làm trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ quyết định may mắn trong suốt một năm tiếp theo. Vì vậy, phong tục cầu may của các nước ngày đầu năm rất thú vị, độc đáo và mang đậm bản sắc riêng của từng quốc gia, từng dân tộc.
Năm mới là khởi đầu mới, mọi người đều thay lịch mới và có những kế hoạch mới. Năm mới đến, cả nhân loại cùng hy vọng về những điều tốt đẹp hơn sẽ tới. Ném đĩa vào nhà nhau, ăn 12 quả nho, hay nhảy sóng, mặc đồ chấm bi… Đó là những tục lệ độc đáo được thực hiện trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới tại các nước trên thế giới.
Nhật Bản
Ngày Tết của Nhật Bản được gọi là Oshougatsu hay “Chính Nguyệt” theo phiên âm Hán Việt. Trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản vào đêm giao thừa chuông được vang lên 108 lần (107 lần vào đêm giao thừa và một lần khi đồng hồ điểm nửa đêm) để xua đuổi 108 niềm đam mê xấu xa ẩn náu trong tất cả mọi người, tẩy sạch tội lỗi của năm trước. Truyền thống này được gọi là Joyanokane. Lễ hội này được tổ chức tại nhiều nơi trên khắp Nhật Bản, người tham gia cũng có thể trải nghiệm tự đánh chuông ở một số ngôi đền.
Ngoài ra người Nhật còn có những hoạt động như tổng vệ sinh nhà cửa, trang trí nhà cửa, viết thiệp chúc Tết, viếng đền, hay đi chùa đầu năm...
Đức
Ở Đức, tất cả các Lễ hội đêm Giao thừa đều xoay quanh một hoạt động độc đáo được gọi là Bleigießen, hay còn gọi là đổ chì. Sử dụng ngọn lửa từ ngọn nến, mỗi người nung chảy một mẩu nhỏ chì hoặc thiếc và đổ vào một thùng nước lạnh. Hình dạng mà viên chì hoặc thiếc tạo thành được cho là tiết lộ số phận của một người trong năm tới.
Cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cần để một lượng nhỏ chì trên muỗng canh hơ trên lửa, sau đó đổ vào một bát nước. Chì đun nóng sẽ cứng lại theo một hình dạng nào đó – hình ảnh dự báo năm mới cho bạn. Chẳng hạn như đại bàng có nghĩa là bạn có thể kiếm lợi nhuận từ công việc của mình. Trái banh nghĩa là sự may mắn luôn hiện hữu trên con đường bạn đi, Những bông hoa đại diện cho những mối quan hệ mới. Tất cả những biểu tượng này sẽ được liệt kê trong danh sách, kèm theo một bài thơ.
Philippines
Tại Philippines, dù Giáng sinh là ngày lễ được chờ đợi nhất trong năm nhưng Tết Dương lịch lại là dịp vui nhất, rộn rã và náo nhiệt nhất. Nơi đây, Giáng sinh là ngày để mọi người hồi tưởng quá khứ. Còn ngày Tết là dịp để những người trong gia đình suy ngẫm về những chuyện đã diễn ra trong một năm qua, và cùng hướng về tương lai với những hi vọng tươi sáng.
Người Philipines rất ưa chuộng hình tròn. Hình tròn được cho là đại diện cho sự thịnh vượng ở quốc gia Đông Nam Á này. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng tiền xu với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình.
Vào ngày này, mọi người với quan niệm mặc quần áo có chấm bi và ăn những thức hoa quả hình tròn với niềm tin rằng cả năm tiếp theo mọi việc sẽ "tròn trịa", may mắn.
Đan Mạch
Ở Đan Mạch, vào đúng 12 giờ đêm, mọi người leo lên ghế và nhảy xuống đất. Nếu bạn quên nhảy, người ta nói rằng điều này sẽ mang lại xui xẻo cho năm sau. Cũng vào đêm giao thừa, truyền thống lấy những chiếc đĩa cũ ném trước cửa nhà của bất kỳ ai mà bạn muốn có nhiều may mắn cho năm tới.
Vì vậy, đối với người Đan Mạch, nếu thức dậy vào ngày đầu năm mới với một đống sành sứ bị đập vỡ trước cửa nhà - đó là một điềm tốt. Mọi người tự hào về số lượng bát đĩa bị hỏng ngoài cửa nhà của họ vào cuối đêm giao thừa.
Brazil
Người dân Brazil thích mặc màu trắng trong đêm giao thừa bởi đối với họ, đó là màu của may mắn và an bình. Không những th,ế người dân ở Brazil, Bolivia và một số quốc gia Nam Mỹ khác thường mặc đồ lót sáng màu, sặc sỡ để chào đón năm mới.
Người dân nước này cũng âm thầm lựa chọn cho mình sắc màu phù hợp với mong muốn trong năm mới: màu đỏ dành cho người đang tìm tình yêu, màu vàng cho người tìm kiếm vận may tiền tài, màu trắng nếu cầu mong sự bình an, ổn định.
Bên cạnh đó, nếu đón năm mới bên bờ biển thì họ sẽ đón sóng và nhảy lên 7 con sóng xô bờ. Mỗi lần nhảy qua một con sóng người ta sẽ ước một điều.
Tây Ban Nha
Mặc dù Tây Ban Nha là nơi sản xuất rượu vang lớn thứ ba thế giới, nhưng chính những trái nho nguyên chất, chứ không phải rượu vang, mới là thứ khiến nhiều người Tây Ban Nha thích thú. Truyền thống từ năm 1895, cứ mỗi tiếng chuông đồng hồ, họ lại ăn một quả nho. Như vậy, trong đêm giao thừa, mỗi người ăn 12 quả nho và cần phải ăn nhanh, được vậy thì họ sẽ họ sẽ thoát khỏi những linh hồn xấu xa từ năm trước. Điều quan trọng là phải ăn xong trước khi chuông ngừng điểm.
Colombia
Xách vali và chạy. Ở Colombia người ta tin rằng, xách vali rỗng và chạy quanh khu mình ở thật mau lẹ sẽ khiến năm mới chứa đựng nhiều chuyến hành trình kỳ thú mới.
Mỹ
Ở New York (Mỹ), có nhiều tiệm bán những chiếc kẹo bạc hà hình chú heo vào dịp cuối năm. Đi kèm với chiếc kẹo lớn này là một chiếc búa nhỏ, các thành viên tham dự tiệc giao thừa sẽ lần lượt được đập vỡ chiếc kẹo ra thành nhiều mảnh và lấy một mẩu kẹo để ăn, tượng trưng cho may mắn trong năm mới. Hương vị kẹo bạc hà thơm mát giúp tỉnh táo, sảng khoái trong thời khắc giao thừa tượng trưng cho một năm mới tốt đẹp, may mắn hơn.
Ở Mỹ, khi thời khắc giao thừa điểm, người ta sẽ dành nụ hôn ngọt ngào cho bạn đời, người yêu với hy vọng tình cảm sẽ thêm bền chặt trong năm mới. Với những ai chưa có "đối tác", họ có thể ôm hôn người thân, bạn bè và tin rằng năm mới sẽ mang tới tình yêu cho họ.
Nga
Ở một số vùng của Nga, người ta rất coi trọng việc thực hiện điều ước năm mới. Vào lúc nửa đêm, họ viết ra một điều ước trên một mảnh giấy. Sau đó họ đốt lửa và thả tro vào rượu sâm panh, thứ mà họ phải uống trước 0h01' để điều ước thành hiện thực.
Bỉ
Ở nhiều vùng nông thôn của Bỉ, người nông dân đã thành phong tục chúc phúc cho gia súc và chúc Tết chúng. Truyền thống này được cho là sẽ mang lại may mắn cho năm sắp tới và cổ vũ tinh thần cho những con bò trong chăn nuôi.
Ngoài ra, thông thường các lễ kỷ niệm năm mới của Bỉ bao gồm việc ăn mặc chỉnh tề vào lúc nửa đêm, cũng như đốt pháo hoa để chào đón năm mới. Trẻ em Bỉ cũng tham gia vào hành động này, bằng cách viết thư và thiệp cho những người thân yêu của họ, những thứ này sẽ được đọc vào ngày đầu năm mới.
Hungary
Ở Hungary, người ta tin rằng rửa mặt bằng nước lạnh vào sáng ngày đầu năm mới sẽ giúp bạn khỏe mạnh trong năm mới.
Và trong mọi trường hợp, người không làm việc vặt vào ngày đầu năm mới - một số người tin rằng làm như vậy sẽ khiến một thành viên trong gia đình gặp rủi ro.