Độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân cả nước và toàn thế giới, từ nay Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã ra đời, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Trong lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, sau các bản tuyên ngôn độc lập bất hủ như “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt (thế kỷ XI) và “Bình Ngô đại cáo” của nhà hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao và bao trùm tất cả là nhà tư tưởng lỗi lạc Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất đã góp thêm một áng hùng văn làm sáng ngời khí phách của dân tộc. Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Theo Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong cách mạng dân tộc dân chủ có hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản, trong đó giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ dân chủ được thực hiện từng bước và phục tùng nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Vì thế, ở giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ thì độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước mắt, cấp bách. Đây là mục tiêu trước hết của quá trình cách mạng do Đảng lãnh đạo, là điều kiện hàng đầu, quyết định để cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang giai đoạn kế tiếp - cách mạng xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân và chủ nghĩa xã hội sẽ củng cố những thành quả đã giành được trong cách mạng dân tộc dân chủ, tạo điều kiện để bảo đảm cho độc lập và phát triển dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm niệm: chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự, chân chính.
74 năm qua, dưới sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, Đảng ta đã kiên trì, vững tay lái đưa đất nước thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng vào năm 1986 đã hình thành được một hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Đảng ta khẳng định trong bất kỳ tình huống nào, cũng phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đề phòng và chống nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở quan niệm của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại có kinh nghiệm thực tiễn 74 năm qua, độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội là nhu cầu sống còn, là sự lựa chọn duy nhất đúng của Việt Nam. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng phải trong sạch, vững mạnh và thường xuyên chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đủ trí tuệ, đủ bản lĩnh vượt qua những thử thách gay gắt nhất, phải thực hiện xây dựng Đảng về mọi mặt để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trước đất nước, dân tộc.
Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2/9, các cấp ủy đảng cũng như cán bộ, đảng viên phải không ngừng sáng tạo, đổi mới trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bám sát thực tiễn, làm tốt chức năng tham mưu để Đảng ta tiếp tục đề ra đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình mới, xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.