Đọc lời tuyên thệ trong hang đá
Cuối tháng 12-1972, dù có giấy báo trúng tuyển đại học nhưng tôi vẫn quyết định tạm gác bút nghiên lên đường nhập ngũ để rồi có biết bao kỷ niệm không quên.
Tôi sinh ngày 20-10-1952, trong một gia đình nghèo, có truyền thống hiếu học ở làng Gia Miêu (nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Trước khi vào bộ đội, do có thành tích trong học tập và tham gia các phong trào thanh niên ở quê nhà nên tôi được tham gia lớp cảm tình Đảng do huyện tổ chức. Thời gian tân binh, tôi được huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật bộ binh với chương trình rất cơ bản tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 770, Trung đoàn 15, Quân khu Hữu Ngạn (nay là Quân khu 3). Nhờ đó, chúng tôi tự tin, háo hức mong sớm được vào miền Nam chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Rồi niềm mong đợi ấy cũng đã đến. Đầu xuân năm 1974, đơn vị tôi nhận lệnh hành quân đi B, lấy phiên hiệu là Đoàn 2061. Chúng tôi xuất phát từ xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, hành quân bộ đến xã Hà Tiến, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) để đổi và nhận quân trang mới rồi đi tiếp đến ga Đò Lèn mới lên tàu tiến vào Nam. Chặng đường hành quân tuy vất vả, gian nan nhưng không ai nản lòng mà còn động viên nhau cùng quyết tâm tiến về phía trước vì sắp được thực hiện sứ mệnh đẹp nhất của thanh niên lúc bấy giờ là “trên trận tuyến chống quân thù”.
Thời gian này, tôi có một vinh dự lớn là được kết nạp Đảng. Tôi nhớ mãi buổi lễ diễn ra sáng 20-2-1974, ngay tại Binh trạm Tu Bơ giáp biên giới nước bạn Lào. Ngoài tôi còn có đồng chí Nguyễn Văn Đá, Trung đội trưởng đơn vị huấn luyện dẫn quân đi B, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa. Dưới lá cờ đỏ sao vàng treo trang trọng bên trong một hang đá, chúng tôi lần lượt đọc lời tuyên thệ trước sự chứng kiến của đồng đội. Sau khi dừng nghỉ ở đây một ngày đêm, chúng tôi tiếp tục hành quân vượt Trường Sơn qua các binh trạm trên đất Lào và Campuchia.
Tháng 4-1974, chúng tôi đến kênh xáng Xã Hội (Tây Ninh) tập kết, học tập chính trị khoảng một tháng trước khi về đơn vị chiến đấu. Chúng tôi còn được xem chương trình chiếu phim tài liệu do Quân khu 9 tổ chức. Những thước phim chân thật về cuộc sống chiến đấu ở miền Tây sông nước khiến ai cũng cảm động, khâm phục, mong được là một phần trong đó. Một đêm trước ngày chia tay, những anh em đồng hương xã Hà Long họp mặt trò chuyện. Tôi còn ít tiền mang theo vào từ miền Bắc đem mua bánh kẹo, thuốc lá chiêu đãi anh em lúc chia tay. Tuổi tôi lớn nhất, lại là đảng viên nên mọi người tin tưởng hỏi ý kiến để đưa ra lựa chọn sẽ về đơn vị nào. Tôi nói với anh em: Chiến trường rộng lớn, ở đâu cũng ác liệt, về đơn vị nào cũng phải chiến đấu không biết sống chết ra sao... nên tùy anh em lựa chọn. Chỉ mong rằng mọi người chiến đấu anh dũng, thi đua lập công chiến thắng kẻ thù và cố gắng giữ gìn để có ngày được hội ngộ nơi quê nhà!
Từ kênh xáng Xã Hội, chúng tôi lần lượt về các đơn vị nhận quân. Tôi được biên chế về Tiểu đoàn 309, Trung đoàn U Minh (nay là Trung đoàn 1-U Minh, Sư đoàn 330, Quân khu 9). Niềm vui vì tâm nguyện được ở đơn vị chiến đấu đã thành hiện thực cùng với việc nhận được sự chào đón, quý mến của anh em miền Nam khiến bao mệt mỏi của 4 tháng vất vả hành quân từ miền Bắc vào nhanh chóng tan biến. Từ đây, những chàng trai đang tuổi đôi mươi chúng tôi bước vào cuộc chiến đấu mới bằng sức trẻ cùng quyết tâm chiến đấu, chiến thắng.
Hơn 5 năm ở chiến trường, tôi được tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ của Trung đoàn U Minh anh hùng. Nhưng có lẽ, một trong những kỷ niệm đáng nhớ của tôi là lần đầu tiên được làm một người lính chiến thực thụ khi tham gia trận tiến công chiếm đồn Cây Dừa, nằm bên bờ kênh xáng Phụng Hiệp (Cần Thơ) ngày 8-6-1974. Tôi được đi theo mũi do anh Sáu Tường, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy. Sau khi bí mật ém quân sát hàng rào đồn địch trong đêm, đúng 3 giờ 30 phút, tiếng súng hiệu lệnh phát ra. Tất cả các mũi đồng loạt nổ súng vào đồn thù, chúng tôi dũng mãnh xông lên. Giặc trong đồn bị bất ngờ, hốt hoảng hò la chống cự rồi vội vàng tháo chạy.
Chỉ hơn 30 phút, đơn vị tôi đã chiếm lĩnh đồn địch. Quá trình cơ động, tôi trúng đạn và bị thương, một vết vào đầu bên trái và hai vết vào chân trái. Có lẽ hồi ấy do còn trẻ khỏe, lại được đánh trận lần đầu nên tôi và nhóm lính mới ai cũng hăng hái. Khi trúng đạn, tôi chỉ thấy cảm giác nhói buốt thoáng qua cứ ngỡ mình va vào vật sắc nào đó và vẫn tiếp tục xông lên. Đến khi máu ra nhiều, người bị choáng mới biết là mình bị thương. Đồng chí quân y băng bó sơ cứu xong, đơn vị cử người đưa tôi về bệnh xá trung đoàn điều trị.
Hơn một tháng sau, vết thương lành, tôi xin trở về đơn vị và được cho đi học nghiệp vụ thông tin ở quân khu. Hoàn thành khóa học, tôi về trung đội thông tin của tiểu đoàn phục vụ chỉ huy tiểu đoàn và phối hợp với các đại đội trong tác chiến ở những trận đánh như: Chi khu Ba Càng, khu hội đồng xã Tập Sơn, Chi khu Cầu Kè, Chi khu Long Toàn và các trận chống càn, phục kích địch trên đất Tây Đô... Gần 50 năm đã qua, giờ nhớ lại những kỷ niệm thời quân ngũ, vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khiến tôi vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động.