Đọc 'Một ngày kia… đến bờ' của Đỗ Hồng Ngọc
Năm 1965, khi Đỗ Hồng Ngọc viết Thư cho bé sơ sinh, anh đã 'chân thành' nói : Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ./ … Thôi trân trọng chào em/ Mời em nhập cuộc/ Chúng mình cùng chung/ Số phận…/ Con người.
Và rồi “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Trịnh Công Sơn) ấy đã cùng đứa bé ấy bước vào hành trình “Sinh - lão - bệnh - tử” với tất cả thất tình lục dục cho tới “Một ngày kia… đến bờ”. Hôm nay đây, Đỗ Hồng Ngọc vị bác sĩ viết bài thơ ấy nhìn lại toàn bộ hành trình của mình và anh, qua 26 đề mục của những bài tùy bút, viết theo dòng cảm hứng ngỡ như bất chợt, đã lý giải sự hiện hữu của kiếp người, những thắc mắc băn khoăn về Ngã, về Ma chướng, về Nghiệp, về Phật tánh, về Chân không diệu hữu, về Như Lai tạng…, đồng thời đúc kết những giải pháp giúp ta sống trọn vẹn, đầy đủ, viên mãn.
Anh viết với tư cách một hành giả, trải nghiệm thực chứng bằng chính kinh nghiệm tu tập của mình, và dưới lăng kính một bác sĩ, một nhà khoa học, lý giải nhiều vấn đề bằng tri thức về y học. Anh viết “tưng tửng”, nhẹ nhàng, dễ hiểu nhưng sâu sắc, thấp thoáng sau bài viết nụ cười của một thiền giả.
Anh viết với tư cách một hành giả, trải nghiệm thực chứng bằng chính kinh nghiệm tu tập của mình, và dưới lăng kính một bác sĩ, một nhà khoa học, lý giải nhiều vấn đề bằng tri thức về y học. Anh viết “tưng tửng”, nhẹ nhàng, dễ hiểu nhưng sâu sắc, thấp thoáng sau bài viết nụ cười của một thiền giả.
Lý luận về Nghiệp, Đỗ Hồng Ngọc không giải thích cầu kỳ mơ hồ về quan hệ nhân - duyên - quả, tiền kiếp hay hậu kiếp mà anh dùng chính ý kiến của Thiền sư Tuệ Sỹ: “Ngoài cơ chế vật lý của ký ức, còn có sự tham gia của một yếu tố phi vật chất, không nhất thiết là ý thức, để lấy đó làm cơ sở tiếp cận đến vấn đề nghiệp tích lũy, cho đến trong đời sau được xử lý cho quả dị thục của nó”. Thế nên, Nghiệp theo Đỗ Hồng Ngọc không chỉ từ gène mà còn từ môi trường (biểu sinh = ngoại di truyền epigenetic) chế độ ăn uống, bệnh tật, nghiện ngập, lối sống là cơ chế của y báo (ngoại di truyền, epigenetic mechanisms), có tác động đến hoạt động của các gène, điều hòa các gène.
Đặc biệt anh giải thích Phật và Như Lai là một mà không phải một vì Phật cũng ốm đau bệnh hoạn già chết nhưng Như Lai thì không. “Thiện nam tử, thân Như Lai là thân thường trụ, thân không thể hư hoại, thân Kim cang, càng không phải thân do sự ăn uống mà thành, chính là pháp thân” (Đại bát Niết-bàn kinh) “Phật thị hiện bệnh khổ, thị hiện: là hiện ra cho thấy trước sau gì cũng… già, cũng bệnh, cũng chết. Thôi đừng có tham sân si gì nữa cho… mệt… Hãy sống trong pháp thân trường cửu”.
Ở đây chúng ta cần phân biệt báo thân, pháp thân và ứng thân là khác nhau. Ứng thân (hóa thân) chịu mọi đau khổ của già chết bệnh tật. Sau khi chết ứng thân tự tiêu diệt. Báo thân thường mang ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp và chỉ Bồ-tát mới thấy trong giai đoạn cuối cùng của thập địa. Riêng pháp thân (mà trong sách, Đỗ Hồng Ngọc gọi là Như Lai) thì không, vì Như Lai thì “vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ” (không từ đâu mà đến, chẳng đi về đâu). Như Lai được xem là danh hiệu Phật, là sứ giả trực tiếp của Chân như, là gạch nối giữa hiện tượng và bản thể. Nên Đỗ Hồng Ngọc viết “Khóm cây ngọn cỏ cũng là Như Lai; con ong cái kiến cũng là Như Lai…”. Phải chăng cũng trong suy nghĩ ấy, Phạm Thiên Thư viết:
Mười con nhạn trắng về tha
Như Lai thường trụ trên tà áo xuân.
Đỗ Hồng Ngọc nhận định “Trong thân chúng sanh vốn có Phật tánh, tức Như Lai tạng cũng đã thấy biết thường, lạc, ngã, tịnh. Hãy tự quy y chỗ ‘tam quy chân thật này, chẳng cần tìm kiếm đâu xa’. Người trí biết rõ tánh đó vốn không có hai (bất nhị), đó là thật tánh. Như lai tạng vốn lìa ngoại tướng hữu vi. Cho nên Như Lai tạng là cái duy trì, cái thiết lập” (kinh Thắng Man). Đến đây, Đỗ Hồng Ngọc đưa ra ví dụ Francis Crick, người cùng James D. Watson đồng phát hiện ra cấu trúc phân tử DNA và tuyên bố “Phân tử DNA là hệ thống chứa thông tin hiệu quả nhất trong toàn vũ trụ... Hình thành sự sống là một phép mầu”.
Anh giải thích giản dị nhưng sâu sắc: “Thực tướng là ta vừa vô tướng, vừa hữu tướng. Vô tướng vì hiểu Bát-nhã, hiểu Chân không. Hữu tướng vì ta biết cái duyên sinh, với vô vàn hình tướng, cái Diệu hữu” (Hoa nghiêm). Cho nên “sự sự vô ngại” đó thôi… Ung dung, tự tại, an nhiên. Chẳng vì ta mà hoa nở, hoa tàn chẳng vì ta mà gió mát trăng thanh, nhưng ta biết thưởng thức, ta “enjoy” cuộc sống của mình trong từng giây phút.
Tướng không của pháp vượt ngoài ý niệm sinh diệt, sống chết, nhưng vẫn có thực tánh sinh diệt, vì đó là bản chất của pháp hữu vi mà Dịch Lý gọi là “sinh sinh chi vị dịch”. Cho nên em bé có sinh thì đương nhiên có chết. Chỉ có pháp vô vi mới thực sự không sinh không diệt, nhưng vì không sinh nên không diệt chứ không có nghĩa là trường tồn bất biến theo ý niệm thời gian của thường kiến luận.
Đỗ Hồng Ngọc cũng đề cập ý này: “Cho nên Tâm kinh viết ‘Vô vô minh diệc, vô vô minh tận’, Không có vô minh mà cũng chẳng bao giờ hết vô minh! Khoái thật”. Hay nói cách khác, không có lão tử cũng không có hết lão tử, tức không có 12 nhân duyên.
Anh cũng đã từng trải qua giai đoạn làm việc quá độ rồi bị tai biến. Khi thoát được giai đoạn thập tử nhất sinh ấy, anh thấy phải đi tìm một con đường khác. Đọc Tâm kinh, anh thấy câu “… chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. Anh thấy phải “tự tại” thôi. Phải dựa vào chính mình. Phải thực hành thôi. Chúng ta đã biết rõ ngũ uẩn được cấu tạo như thế nào nên cũng có thể hiểu tại sao soi thấy ngũ uẩn đều không thì vượt qua tất cả sự trói buộc của phiền não khổ đau. Chính hành làm cho sắc, thọ, tưởng, thức bị rối loạn, nhưng khi hành được tuệ chuyển hóa thì tưởng và thức không còn chấp trì kinh nghiệm, thành kiến, quan niệm để bóp méo sự thật nữa, nghĩa là ngũ uẩn trở thành không: không ảo tưởng, ảo giác, không còn cái gọi là A’, A’’, B’, B’’, không vô minh, ái dục.
Và thiền định là một giải pháp. Đỗ Hồng Ngọc thấy rằng có sẵn một con đường mà bấy lâu mình xa lạ. Con đường “chiếu kiến” đó chính là thiền quán niệm hơi thở (Anapanasati), An ban thủ ý, nhập tức xuất tức niệm. “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra”. Trong 40 đề mục thiền quán, anh chọn một: chọn hơi thở. Thở luôn trong thì hiện tại, ở đây và bây giờ.
Khi đã thiết lập được đời sống thăng bằng, bước tiếp nữa là điều phục tâm. “Hãy chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác” là pháp hành quan trọng, cần duy trì liên tục. Tâm luôn bị các chướng ngại pháp xâm chiếm. Chỉ một giây lơ là, vọng tưởng sẽ dẫn dắt và lôi kéo chúng ta rời xa chánh niệm. Luôn nhớ nghĩ về đề mục, nhiếp tâm vào đề mục với sự tỉnh thức và rõ biết tất cả. Những hoạt động trong đời sống hàng ngày đều được ghi nhận rõ ràng. Chánh niệm, tỉnh giác hỗ trợ nhau và là nền tảng quan trọng để tiến sâu vào thiền định.
Vì anh nói “Tôi cho rằng chính lúc cận kề với cái chết, giai đoạn cận tử đó là đang ở trong trạng thái ‘Diệt thọ tưởng định’ mới thấy được cái vô tướng từ Như Lai tạng mà ra, từ Pháp thân của chính mình mà tỉnh ngộ… Từ đó có Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên để dần dần xóa bỏ tham sân si của kiếp người. Cũng nên chú giải thêm về Thập nhị nhân duyên, hành là nhân chính tạo ra ngũ uẩn mới, vòng duyên khởi mới.
Khi đã thiết lập được đời sống thăng bằng, bước tiếp nữa là điều phục tâm. “Hãy chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác” là pháp hành quan trọng, cần duy trì liên tục. Tâm luôn bị các chướng ngại pháp xâm chiếm. Chỉ một giây lơ là, vọng tưởng sẽ dẫn dắt và lôi kéo chúng ta rời xa chánh niệm. Luôn nhớ nghĩ về đề mục, nhiếp tâm vào đề mục với sự tỉnh thức và rõ biết tất cả. Những hoạt động trong đời sống hàng ngày đều được ghi nhận rõ ràng. Chánh niệm, tỉnh giác hỗ trợ nhau và là nền tảng quan trọng để tiến sâu vào thiền định.
Và nếu hóa giải được sự tác nghiệp của hành là vượt khỏi tam giới, là thoát ra luân hồi sinh tử, đến bờ kia và vượt qua mọi khổ ách. Sở dĩ hành (ái, thủ, hữu) tạo tác được là do vô minh. Như vậy, khi trí tuệ hay tri kiến như thực soi chiếu thì tưởng - hành không còn khả năng biến A thành A’, A’’, không thấy B thành B’, B’’ được nữa, nghĩa là toàn bộ ảo tưởng, ảo giác, ảo ảnh, ảo kiến, vọng thức trong khái niệm A’, A’’ – B’, B’’ đều biến mất, nhường chỗ cho thực tánh hiển lộ. Đó chính là qua bờ bên kia (paramitā), là đáo bỉ ngạn. Vì vậy trí tuệ này gọi là bát-nhã ba-la-mật-đa (pañnã̄ paramitā).
Từ lâu nguyên tính A và B bị ngăn cách bởi sông mê (vô minh) bể khổ (ái dục). Vượt qua - vượt qua bờ bên kia - chính là vượt qua vô minh ái dục, vượt qua ngũ uẩn mà cụ thể là tưởng - hành. “Biển khổ mênh mông hồi đầu là bến”, cho nên bỉ ngạn cũng chính là thực tại hiện tiền, không phải lúc nào, nơi nào khác. Quay lại là thấy ngay tức khắc, chẳng cần rong ruổi tìm kiếm đâu xa.
Bờ đây là bờ mé của giác ngộ hay bờ vực cận kề cái chết ?
Trí tuệ bờ kia (pañnã̄ pāramitā), bờ trên (pañnã̄ upapāramitā ) hay bờ cao thượng (pañnã̄ paramattha pāramitā) là trí tuệ vượt qua vô minh ảo vọng, chấm dứt sự tạo tác luân hồi sinh tử của các hành qua trực tiếp liễu tri thực tánh của pháp là chính. Gate là vượt qua sông mê biển khổ; Paragate là vượt qua luân hồi sinh tử bằng trí tuệ này; Parasamgate là trải nghiệm đại dụng của các pháp, vượt qua trầm luân sinh tử, vượt thoát vô minh ái dục bằng trí tuệ này…
Đỗ Hồng Ngọc viết về “ngày kia đến bờ” phải chăng nói về cái chết khi anh viết “Giác ngộ tốt nhất là hiểu được cái chết là tất yếu và… thiết yếu, không có không được của cuộc đời ta”.
Khi tôi viết bài này, một nhà văn dịch giả vừa qua đời ngay trong đêm Noel 2023, anh Mai Sơn. Nhắc về anh, người ta đăng lại bài phỏng vấn anh về tác phẩm ‘Hư cấu’. Người ta hỏi “Vậy trong Hư cấu với 10 truyện ngắn, những ý tưởng mà anh cần bám đuổi và mổ xẻ nhiều nhất là gì?”. Mai Sơn trả lời: “Nhiều nhất vẫn là cái chết. Không phải vì nó bí ẩn và đáng sợ mà vì cái chết đã bị quên lãng trong cuộc tồn tại bề bộn này”.
Thật ra ai cũng biết, để vượt qua cuộc sống khổ ải này thì cần phải rũ bỏ bớt những gánh nặng, đặc biệt là gánh nặng về cái chết tất yếu. Nhưng cũng rất nhiều người tưởng mình sẽ sống mãi. Chính vì những người này mà chúng ta cần phải phục hiện bộ mặt đáng kính của cái chết. Và để thấy rằng sự chết là một thành phần sống động trong hiện hữu đầy ắp của con người. Martin Heidegger nói: “Bản chất con người là luôn luôn bị ném về phía trước, mà phía trước xa nhất là gì nếu không phải là cái chết”.
Thật ra ai cũng biết, để vượt qua cuộc sống khổ ải này thì cần phải rũ bỏ bớt những gánh nặng, đặc biệt là gánh nặng về cái chết tất yếu. Nhưng cũng rất nhiều người tưởng mình sẽ sống mãi. Chính vì những người này mà chúng ta cần phải phục hiện bộ mặt đáng kính của cái chết. Và để thấy rằng sự chết là một thành phần sống động trong hiện hữu đầy ắp của con người.
Đỗ Hồng Ngọc đã tìm ra lời giải hay đáp số cho bài toán ấy. Anh viết “Chữ không (sunyata) như trả lời tôi câu hỏi ‘Tại sao?’ (Why?) Thắc mắc bấy nay về ‘Tại sao có ta? Ta từ đâu đến? Đến để làm gì?’… Và chuẩn bị cho một cái chết tốt (good death) và một giai đoạn cận tử vui… vui…”.
Vậy giai đoạn cận tử ấy, sau hơn 80 năm sống trên cõi đời này, trải qua những giây phút cận kề cõi bên kia, sống như thế nào? Đỗ Hồng Ngọc cho rằng sống với chữ Như, trong thiền định và quán hơi thở, là “sống trong từng giây phút một. Mỗi khoảnh khắc, mỗi sát-na là vô tận. Bởi không có thời gian chẳng có không gian, là sống với Như Lai, sống cùng Như Lai, sống trong Như Lai với thường, lạc, ngã, tịnh”.
Tác phẩm của Đỗ Hồng Ngọc được viết nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng, nói bâng quơ như những câu chuyện nhàn đàm nhưng là kết tinh của bao năm nghiên cứu Phật học thâm sâu, với bao kinh nghiệm thực chứng của một hành giả trên hành trình tìm chân lý, kể lại cho chúng ta nghe, để cùng cảm nhận và chia sẻ, dù khó khăn hay dễ dàng tùy quá trình tu tập hay căn cơ từng người để rồi hiểu ra mình cũng sẽ “một ngày kia… đến bờ” vì “đời người như gió qua” (Trịnh Công Sơn)
Hãy hoan hỷ đọc và chiêm nghiệm với một nụ cười thanh thản.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/doc-mot-ngay-kia-den-bo-cua-do-hong-ngoc-post70862.html