Đọc Phú Yên - Những địa danh... của Ngô Văn Ban

Sau khi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam liên kết với NXB Văn hóa Thông tin ấn hành tác phẩm Địa danh Khánh Hòa xưa và nay, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban tiếp tục khai thác mảng đề tài địa danh. Tác giả đã hoàn thành và liên kết với NXB Đà Nẵng phát hành cụm công trình liên hoàn viết về bốn tỉnh Nam Ngãi Bình Phú với tên sách thật dài. Nói chung là tìm hiểu địa danh Việt Nam qua tư liệu dân gian.

Cụm công trình này gồm 4 tập: Tập 1 Quảng Nam - Những địa danh ghi dấu qua ca dao xứ Quảng (396 trang - năm 2017), tập 2 Quảng Ngãi - Những địa danh ghi dấu qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian vùng núi Ấn sông Trà (542 trang - năm 2019), tập 3 Bình Định - Những địa danh ghi dấu qua ca dao, tục ngữ, truyền thuyết tín ngưỡng dân gian vùng đất võ trời văn (520 trang - năm 2020) và tập 4 Phú Yên - Những địa danh ghi dấu qua ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian địa phương (584 trang - năm 2021).

Nhìn qua dung lượng 4 tập sách trên 2.000 trang nội dung, có thể thấy được công sức của Ngô Văn Ban thế nào để có khối lượng tư liệu phong phú biên soạn. Trên 2.000 trang ấy, trong khi biên soạn, tác giả đã đặt không ít tình cảm vào cảnh trí mỗi địa phương, ghi chép một lời ca dao, thuật lại một truyền thuyết. Tác giả diễn giải bằng lời văn nhẹ nhàng, dẫn dắt để người đọc thấy rằng cảnh và người nơi ấy thật đẹp đẽ, xứng đáng được yêu thương.

Sau đây, chúng tôi nói riêng về quyển Phú Yên - Những địa danh ghi dấu qua ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian địa phương.

Sách đóng bìa cứng, chắc chắn, khuôn khổ thuận tiện đặt trên giá và giữ gìn. Bên trong trình bày trang nhã, chữ in rõ ràng, nhiều hình ảnh minh họa và bản đồ in màu, giúp người đọc hiểu rõ thêm các vấn đề tác giả trình bày.

Sách gồm phần mở đầu và 3 chương: Phú Yên, diện mạo một vùng đất, Địa danh Phú Yên trong nguồn tư liệu dân gian và lịch sử, Tìm hiểu địa danh và hiệu danh trong các đơn vị hành chính tỉnh Phú Yên: TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa, TX Sông Cầu, các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Tuy An.

Với nội dung chính nằm trong 3 chương, tác giả đã tìm hiểu qua nhiều tư liệu và thực tế, trình bày khá đầy đủ về vùng đất Phú Yên, những biến đổi về đơn vị hành chính… qua các thời kỳ trong lịch sử cho đến năm 2020. Những câu ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, tín ngưỡng… mang địa danh thuộc đơn vị hành chính nào được chú giải trong phần viết về đơn vị ấy. Những ca dao, tục ngữ có mặt trong hai, ba đơn vị hành chính cũng được nói rõ trong các đơn vị liên hệ. Những vấn đề liên quan còn được “tìm hiểu thêm” một cách rộng rãi hơn. Các trang minh họa có nhiều hình ảnh hiếm như con tem Đông Dương, bia kỷ niệm khánh thành đường sắt xuyên Việt tại Hảo Sơn…

Về truyền thuyết, tác giả đã rút ra một số đặc điểm trong nội dung, là: giải thích các hiện tượng tự nhiên tạo ra nguồn gốc địa danh, phản ánh công cuộc khai phá buổi đầu của người Việt khi di dân vào Phú Yên, các nhân vật anh hùng của vùng đất, giới thiệu những sản vật và ẩm thực địa phương.

Lẽ thường, công trình nào cũng không khỏi có đôi phần thiếu chuẩn xác, vì lý do khách quan hay chủ quan, tác giả chưa nhận ra, hoặc do các nguồn tư liệu dùng tham khảo. Công trình này cũng có những điểm chưa chuẩn về địa dư và những điểm chưa chuẩn do nguồn tư liệu tham khảo. Ngoài ra, còn một số chi tiết, chúng tôi nghĩ là người đọc hiểu được và tự đính chính.

Với tư liệu phong phú, bố cục khoa học, hành văn khúc chiết, mạch lạc, Ngô Văn Ban đã đạt được tâm nguyện là phản ánh một phần nền văn hóa văn học dân gian Phú Yên đầy sắc thái. Một người chưa đến Phú Yên, chưa tiếp xúc với tác phẩm nào viết về Phú Yên, đọc sách này của Ngô Văn Ban có thể biết được, hiểu được những nét cốt lõi về lịch sử tỉnh Phú Yên qua thời gian từ buổi đầu đến năm 2020 và cội nguồn những địa danh, hiệu danh được ghi nhận trong văn học dân gian. Sự thành công của tác giả góp phần không nhỏ vào việc quảng bá cho Phú Yên.

TRẦN HUIỀN ÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/262431/doc-phu-yen-nhung-dia-danh-cua-ngo-van-ban.html