Đọc sách: 'Đu đưa trên ngọn cây bàng'
Gia đình anh chị Dương, Hà ở Hưng Yên đã thực hiện chuyến du lịch xuyên Việt vào tháng 7/2022, trong hành trang có cuốn sách nhỏ 'Đu đưa trên ngọn cây bàng' để cùng đọc với 2 cô con gái nhỏ Kem, Na. Bên tiêu đề mỗi câu chuyện nhỏ đã đọc đều được ghi kèm ngày, tháng và địa điểm dừng chân tương ứng trên suốt hành trình. Điều này khiến tôi tìm đọc cuốn sách nhỏ giản dị và muốn giới thiệu tới bạn đọc trong một ngày cuối tuần thư thả cùng con cái.
“Đu đưa trên ngọn cây bàng” được viết dưới góc nhìn của một cô bé ở tuổi ngấp nghé hết tiểu học, xoay quanh chuyện bạn bè, trường lớp, gia đình, thầy cô với đa dạng trạng thái cảm xúc.
“Đu đưa trên ngọn cây bàng” (NXB Phụ nữ và Nhã Nam ấn hành) chỉ chưa đầy 300 trang. Tác giả là biên tập viên sách Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, gương mặt xuất hiện ở nhiều tọa đàm về văn chương, sách, văn hóa đọc.
Cuốn sách được viết dưới góc nhìn của một cô bé ở tuổi ngấp nghé hết tiểu học, xoay quanh chuyện bạn bè, trường lớp, gia đình, thầy cô với đa dạng trạng thái cảm xúc.
Đáng nói là giọng kể giản dị, đúng tuổi, mang đến những phút giây hài hước cười ra nước mắt của tuổi học trò, nhưng lại cũng đầy những mến thương, xúc động về gia đình, tình người trong những năm tháng quen thuộc thời khó khăn vừa đi qua bao cấp.
Một cuốn sách nhỏ, giản dị, tôi muốn gọi như vậy vì nó không phải đến từ một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, nhưng lại được các em nhỏ thích thú, đón nhận và phần nào thêm yêu thích với việc đọc. Đúng như chia sẻ của gia đình anh chị Dương, Hà rằng “Đu đưa trên ngọn cây bàng” khiến 2 cô bé gái con anh chị bắt đầu thích thú tìm đọc những câu chuyện chữ dài, thay vì chỉ đọc truyện tranh như trước đây.
Tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cũng chia ký ức tuổi thơ sinh động, vui nhộn và ấm áp của mình thành những câu chuyện nhỏ, gọn gàng trong 4 phần: Trong xóm và trên lớp, Gia đình bé nhỏ, Bộ ba, Đắng chát rồi lại ngọt. Lối viết này cũng giúp các bạn nhỏ dễ tiếp cận, dễ đọc và dễ ghi nhớ những tình tiết thú vị hơn.
Nhưng phía sau những tưng bừng nghịch ngợm, những tình huống mới mẻ, nghẹn ngào đến với nhân vật chính là cô bé Thủy 11 tuổi, “Đu đưa trên ngọn cây bàng” giúp phụ huynh nhận ra bao điều về sự trong sáng sâu sắc của trẻ thơ, về giáo dục đúng nghĩa và cả về những ấm áp không thể thiếu của gia đình.
Nói với trẻ thơ bằng ngôn ngữ trẻ thơ
Trong bối cảnh văn học viết cho thiếu nhi vẫn còn những khoảng trống và văn hóa đọc vẫn còn là điều mong mỏi ở không ít môi trường giáo dục thì việc một cuốn sách nhỏ được chính những đứa trẻ thích thú sẽ nói lên nhiều điều.
“Đu đưa trên ngọn cây bàng” kể những câu chuyện bằng giọng của một đứa trẻ một cách rất “thành khẩn” như việc đặt tên con vật yêu thích theo lối hài hước: con chó mực tên là “Lệ Dung”, con lợn tên là “Mỹ Linh”, “Lý Quỳ”… Rồi chuyện chế bài hát, chuyện ăn vụng, thậm chí là cả chuyện thích chiếc lọ hoa của cô hàng xóm quá mà… trót “cầm về” và sợ hãi, lo lắng rồi dũng cảm đối mặt.
“Đu đưa trên ngọn cây bàng” cũng “nhìn” thế giới người lớn bằng đôi mắt trẻ thơ, do đó các phụ huynh đọc lên cũng tủm tỉm cười cùng trẻ.
“Bài kiểm tra được điểm 6, may mà chỉ là kiểm tra thử chứ không tính điểm thật. Mẹ mắng tôi một trận, rằng tôi “chủ quan”, rằng tôi rất không “ổn định”. Đu đưa trên ngọn cây bàng thì làm sao mà ổn định được!
Giá mà mẹ leo được lên ngọn cây bàng, mẹ sẽ biết đu đưa trên ngọn cây bàng sướng thế nào, và mẹ sẽ thông cảm với tôi ngay. Tiếc thay mẹ đã bị lớn quá”.
Chuyện nào cũng diễn biến theo góc nhìn và hành động của tuổi trên 10, không nặng nề theo kiểu bài học, thành ra “dễ thở” với người đọc
Cuốn sách cũng xen lẫn những nỗi buồn thơ trẻ, những ngẩn ngơ trước biến động của cuộc sống, gia đình như khi mẹ của cô bạn thân mất, rồi cô giáo mà mình yêu quý giờ đây bị coi là “người thứ ba”, hay cuộc chiến bảo vệ gia đình cậu bạn khỏi “một nhân tố phá hoại hạnh phúc”… Chuyện nào cũng diễn biến theo góc nhìn và hành động của tuổi trên 10, không nặng nề theo kiểu bài học, thành ra “dễ thở” với người đọc.
Đọc sách cũng để gần con hơn
Bằng việc cùng nhau thưởng thức những mẩu chuyện nho nhỏ, hài hước, cảm động trong “Đu đưa trên ngọn cây bàng”, cha mẹ và con cái có thêm những giờ phút kết nối vui vẻ, sảng khoái.
Qua đây, phụ huynh hiểu hơn về tâm hồn trẻ thơ, tưởng đâu suốt ngày chỉ ham chơi, quên việc, lười học, chả biết thương gia đình… Thật ra, trong cái chơi hồn nhiên hết mình đã nảy sinh biết bao phẩm chất quan trọng làm người như yêu thiên nhiên, yêu gia đình, yêu cuộc sống…
Những trang viết giản dị thế này có thể khiến bố mẹ nghĩ đúng hơn về vai trò của đời sống ngoài trường lớp đối với mỗi đứa trẻ: “Không có đứa nào chạy theo lũ bướm giống tôi. Tôi có bị dở hơi không? Tôi có mắc bệnh “trừu tượng” không? Tôi không biết, nhưng lúc này dù chỉ có một mình, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc.
Tôi ngồi xuống bờ ruộng, chống tay ngửa mặt nhìn trời xanh. Những cánh bướm như đang rắc kim tuyến xung quanh tôi”.
Có những câu chuyện chắc chắn làm phụ huynh rơi nước mắt và để lại trong lòng đứa trẻ những xúc cảm khó quên về tình người mà không cần “lên giọng”.
Như là câu chuyện “Ba mẹ con cùng khóc” kể chuyện cô bé Thủy đưa Linh (cô bạn vừa mất mẹ) chạy từ nghĩa trang về nhà mình mà hổn hển, lạc cả giọng gọi mẹ: - Mẹ, mẹ nhận cái Linh làm con nhá mẹ nhá!
Hay một câu chuyện khác “Cho đi cũng rất hạnh phúc” - sự yêu thương gia đình trong mỗi đứa trẻ đến từ những điều thật sự giản dị hằng ngày mà cách sống của cha mẹ chính là nguồn nuôi dưỡng cho điều tốt đẹp ấy.
Cô bé Thủy - nhân vật đu đưa trên ngọn cây bàng cũng dẫn dắt người đọc qua nhiều tình huống đáng yêu, thú vị khác khiến người lớn nhận ra phần sai sót, thiếu vắng trong giáo dục trẻ cả ở nhà trường và gia đình.
Những áp đặt, ý chí cho dù là thể hiện tình yêu bao la của bố mẹ đôi khi cũng sẽ trở nên trôi tuột khỏi những đứa trẻ vốn sinh động hơn chúng ta nghĩ.
Giống như “Giờ triết học của bố” với những “thông tuệ và sáng suốt”, “phạm trù”, “chủ nghĩa duy vật biến chứng”, “nội hàm”, “ngoại diên”… đã bị lũ trẻ hóa giải thành những tràng cười sảng khoái như “hàm răng lung lay của ông nội”, “Chủ nghĩa duy vật đẻ trứng”…
Có những câu chuyện chắc chắn làm phụ huynh rơi nước mắt và để lại trong lòng đứa trẻ những xúc cảm khó quên về tình người mà không cần “lên giọng”
Tất cả gợi ý cho chúng ta, những người lớn về một lối tiếp cận trẻ thơ sao cho phù hợp, hiệu quả nhất và một phần nào đó cũng là học từ trẻ thơ những sáng tạo vô biên, luôn trong sáng, hồn nhiên gần với chân-thiện-mỹ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doc-sach-du-dua-tren-ngon-cay-bang-post716755.html