Đọc sách góp phần hoàn thiện nhân cách

Là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc biệt, người bạn gần gũi chia sẻ nỗi buồn, niềm vui, sách thật sự là người thầy thắp sáng nguồn tri thức vô tận. Sách báo dạy chúng ta cách sống tốt, hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng, thúc đẩy xã hội không ngừng phát triển.

Tiền nhân nói về đọc sách và phương pháp

Xã hội loài người phát triển như ngày nay, phần lớn là nhờ sự học tập cộng hưởng lẫn nhau, tạo nên sức mạnh to lớn cho cộng đồng. Trong đó, sách báo là tài nguyên vô giá, học tập mãi không bao giờ hết. Vị bác học trứ danh Lê Quý Đôn (1726 - 1784) là người cả đời mê đọc sách.

Năm 12 tuổi, ông học kinh, truyện, các sử, sách của bách gia chư tử, không sách nào là không thông suốt. Năm 16 tuổi, ông thi một lần đỗ giải nguyên; năm 29 tuổi đỗ nhất giáp tiến sĩ, năm đó không có trạng nguyên, ông đứng đầu. Như vậy, từ thi Hương đến thi Đình ông đều đứng đầu bảng. Sách “Nhân vật chí” viết: “Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người mà giữ tính nết thuần hậu, lại chăm học không biết mệt mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách”.

Bác Hồ là tấm gương không ngừng học tập, nói đúng hơn là không ngừng tự học. Tại buổi nói chuyện ngày 9/12/1961 với các đảng viên hoạt động lâu năm, Bác tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Không học thì không theo kịp, công việc sẽ gạt mình lại phía sau”. Bác nói tóm gọn: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.

Kế thừa truyền thống ham đọc sách của dân tộc và gia đình, Bác Hồ luôn coi trọng sách báo. Nhưng với Người, đọc sách báo không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao hiểu biết thông thường, mà đọc chủ yếu là để phục vụ cách mạng. Và niềm ham muốn ấy đã đi theo, chi phối mọi hoạt động của Bác suốt cuộc đời.

“Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch”, ghi chép: “Mỗi ngày, Người xem chừng 25 tờ báo. Báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần, báo ngoại quốc. Báo có gì hay, Người lấy bút làm dấu rồi bảo anh em xem”. Theo Bác, “bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách báo. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình.

Những người làm công việc chuyên môn đọc để nâng cao trình độ; người làm lãnh đạo phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn, làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc. Muốn có nhiều tài liệu phải xem nhiều thứ báo để qua đó mà thu thập thêm. Người còn căn dặn: “Tìm tài liệu cũng giống như công tác khác, phải chịu khó.

Không chỉ dừng lại ở việc đọc rộng, phương pháp đọc là ghi nhận, đánh dấu, biết cách ghi chép, nhưng không nhất thời tin ngay vào sách mà phải luôn suy nghĩ cho tận tường”, như Nguyễn Trãi đã trải nghiệm: “Sửa mình lấy thiện làm vui/ Lập thân đâu phải cứ ngồi đọc suông”.

Học tập, đọc sách phải thực hành

Qua sách báo, Bác Hồ chú trọng thu lượm tài liệu đem ứng dụng cho thực tiễn hoạt động và nhấn mạnh, “siêng xem được nhiều sách báo là quý”, nhưng “dù xem được hàng ngàn quyển lý luận, không biết đem ra thực hành thì khác nào cái hòm đựng sách báo”.

Trong học tập, Người luôn nhấn mạnh đến chữ “hành” và trong văn hóa đọc luôn quan tâm vấn đề áp dụng, nhưng thực hiện phải sáng tạo, biến hóa vào hoàn cảnh của thực tiễn. Trong cuốn “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin”, Người viết: “Chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lê-nin, nhưng vận dụng có sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng ta đã chiến đấu và giành được thắng lợi như các đồng chí đã biết”.

Khi bàn về “Bản sắc văn hóa Việt Nam”, nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc nêu một nhận định xác đáng là “truyền thống văn hóa Việt Nam là truyền thống “vượt gộp”. ”Vượt gộp” có nghĩa là tiếp thu cái mới, nhưng đổi mới trên cơ sở cái cũ được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới”.

Theo ông, bên cạnh Nguyễn Trãi, Bác Hồ là người đã thực hiện thành công nhất nguyên lý đó. Bài học tự học qua sách báo của Bác sẽ mãi là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta học tập và noi theo, đúng như lời nhà thơ Cao Bá Quát từng nói “đọc sách, mắt như đèn muôn dặm”.

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày “Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người.

Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách, là dịp tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Đồng thời, tôn vinh người đọc và những người sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách; góp phần quan trọng trong nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Việc lấy ngày 21/4 còn có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người trên thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách.

NGUYỄN RẠNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/doc-sach-gop-phan-hoan-thien-nhan-cach-a393675.html