Đọc sách: 'Hà Nội - tiểu sử một đô thị' - Dấu ấn di sản Hà Nội dưới góc nhìn liên ngành
'Hà Nội - tiểu sử một đô thị' được dịch từ bản gốc 'Hanoi: biography of a city' của tác giả Willam Stewart Logan (sinh năm 1942 tại Australia, Chủ tịch Quỹ Di sản và quy hoạch của UNESCO). Sách do Nhà xuất bản Hà Nội tái bản, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về Hà Nội của độc giả vào tháng 10 lịch sử. Người chuyển ngữ là nhà giáo, nhà nghiên cứu tên tuổi Nguyễn Thừa Hỷ.
Willam Stewart Logan có nhiều cơ hội để “hiểu” Hà Nội từ vai trò chuyên viên làm việc tại các cơ quan tài trợ văn hóa của tổ chức UNESCO và Quỹ Viện trợ Australia, tham gia nhiều dự án quy hoạch, phát triển và bảo tồn ở Hà Nội. Nhưng quan trọng hơn, ông tự nhận mình là một con người muốn “hiểu và yêu Hà Nội”.
Ngoài trải nghiệm thực tế, công trình này của Willam Stewart Logan cũng được tiến hành nhờ nguồn tài liệu nhiều nơi khác như Paris, Aix-en Provence, Moscow, Melbourne. Và cái nhìn của một người “quan sát từ bên ngoài” vừa mang những yếu tố mới mẻ, lại vừa có những khác biệt, hoặc có những điều cần bàn thảo thêm..., như lời Nhà xuất bản Hà Nội, âu cũng là dễ hiểu và có ý nghĩa tiếp tục mời gọi những nghiên cứu về Hà Nội.
Để hiểu đô thị
Cuốn sách chia làm 8 chương: Ý thức hệ, ký ức và ý nghĩa di sản; Thăng Long, thành phố Rồng bay, Hà Nội thời kỳ tiền thuộc địa và dấu ấn Trung Hoa; Hà Nội: Xây dựng một thủ phủ cho xứ Đông Pháp; Màn chuyển cảnh của người Nhật; Cuộc kháng chiến của người Việt. Sự hợp tác với người Pháp và sự sụp đổ; Dưới bom Mỹ, Hà Nội trong cuộc chiến tranh Việt Nam; Đô thị đỏ bên sông Hồng: Tạo dựng bộ mặt xã hội chủ nghĩa của Hà Nội; Đổi mới và Hà Nội những năm 1990; Hà Nội đối mặt với thiên niên kỷ mới.
Tác giả kể câu chuyện về di sản Hà Nội theo từng bối cảnh lịch sử với sự tác động của nhiều yếu tố. Và đây là cách để hiểu đô thị của ông, đồng thời mang đến cái nhìn mang đến sự khác biệt, hấp dẫn phía sau hiện hữu những công trình kiến trúc tại Hà Nội.
Với dẫn dắt của tác giả, việc “đọc” một công trình nghiên cứu có thể sẽ dễ dàng và nhiều đồng cảm hơn, nhất là với một thực thể văn hóa vừa thâm trầm và sống động như Hà Nội.
Như Willam Stewart Logan nói thì “nó nằm trong một lĩnh vực liên ngành mới của những nghiên cứu về di sản văn hóa-một sự pha trộn của lịch sử với địa lý, khảo cổ học và nhân học, kiến trúc và quy hoạch đô thị-nổi trội lên trong những trường đại học ở nhiều nơi trên thế giới”.
Tiếp cận này của Willam Stewart Logan được diễn giải cụ thể: “Vì mục đích của bản phân tích, Hà Nội được chia làm 6 thời kỳ, theo đó, trong mỗi thời kỳ đã có những ảnh hưởng ngoại sinh khác nhau vượt trội lên và những tầng văn hóa khác nhau được xếp đặt làm nền tảng. Trong mỗi chương, có điểm qua những nét đại cương về lịch sử, mô tả những di tích và danh thắng có ý nghĩa rồi thảo luận những giải pháp chủ chốt về lý luận và thực tiễn đối mặt với việc bảo tồn di sản văn hóa trong Hà Nội.”
Với dẫn dắt như trên của tác giả, việc “đọc” một công trình nghiên cứu có thể sẽ dễ dàng và nhiều đồng cảm hơn, nhất là với một thực thể văn hóa vừa thâm trầm và sống động như Hà Nội.
Những trích đoạn gợi mở
Cuốn sách dày hơn 400 trang với nhiều chương có thể đọc chậm, để hiểu Hà Nội từ góc nhìn đa ngành về di sản. Vì vậy, một vài trích đoạn dưới đây có tính chất gợi mở để độc giả có thêm sự lựa chọn dừng chân ở chương sách mà mình quan tâm:
“Thực ra, với tiêu chuẩn toàn thế giới, Hà Nội đã không hề có những cá thể di tích hoành tráng. Điều tỏ ra hấp dẫn du khách chính là ý nghĩa đặc biệt của những nơi chốn mà thành phố chiếm hữu. Khách du lịch nhanh chóng bị lôi cuốn vào những cảnh quan văn hóa trong tổng thể của nó-một sự pha trộn toàn bộ những hoạt động của con người, những hệ thống của các ý nghĩa và hình thức biểu tượng bên trong khung cảnh hình hài của đô thị” (trang 17).
Hà Nội đã là một sự kết hợp đầy hưng phấn của di sản, những đài kỷ niệm chính trị và nơi chốn làm việc vui chơi.-- Trích trang 25 --
“Đô thị tập trung cao độ ở khu vực trung tâm, chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Nhiều địa điểm ở Hà Nội còn mang ý nghĩa một cuộc liên phối giữa nước và thành thị, sự sống sót của thực vật giữa những bề mặt xây cất rắn chắc…” (trang 21).
“Hà Nội đã là một đô thị bùng nổ hầu như trong một thập kỷ 90” (trang 22).
“Hà Nội đã là một sự kết hợp đầy hưng phấn của di sản, những đài kỷ niệm chính trị và nơi chốn làm việc vui chơi” và “Nổi bật lên, ấn tượng mạnh mẽ gây cho du khách mới đến là một thành phố yên tĩnh, kìm nén, xuống sức nhưng với một vẻ thanh lịch nổi trội” (trang 25).
“Chính trong sự xếp tầng văn hóa đó và ý thức cảm thấy về cảnh quan văn hóa ở Hà Nội như một loại tấm giấy da được viết lên nhiều lần-một bản thảo qua đó nét chữ của các văn bản trước kia vẫn còn hiện lên trên bề mặt, đã giúp cho Hà Nội có một tính cách độc đáo, đặc hữu. Đúng như Alan Balfour đã lưu ý đến những “tầng lớp tồn đọng của đời sống” ở Berlin, những “lý tưởng, huyền thoại, ảo ảnh của một nền văn hóa được nhìn qua những ánh xạ của kiến trúc, các kiến trúc sư và các họa sĩ” (trang 29).
“Sự liên kết truyền thống giữa các ngôi chùa ven hồ với làn nước đã bị hủy hoại” (trang 32).
“Trong lĩnh vực bảo tồn di sản, những huyền thoại là quan trọng và luôn luôn được coi là hoàn toàn tốt lành. Thực vậy, bản thân chúng là bộ phận của một di sản phi vật thể trong xã hội, cũng như đã tạo nên ý nghĩa cho những địa điểm gắn kết với những huyền thoại ấy” (trang 36).
“Kết luận rút ra là di sản văn hóa dân tộc và địa phương cần phải được duy trì như một nhân tố thiết yếu trong những tầm nhìn cho Hà Nội” (trang 42).