ĐỌC SÁCH TRONG TƯƠNG LAI

Có một tấm ảnh chụp gia đình gồm bố, mẹ và con gái nhỏ đang đọc sách trong phòng khách gia đình, lan truyền trên mạng. Nhưng thực ra, trong ảnh chỉ có con gái là đọc sách thật, còn bố và mẹ đang đọc vờ: Họ kẹp vào giữa cuốn sách chiếc smartphone của mình đang truy cập internet.

Họ cầm sách nhưng không đọc sách. Bức ảnh hài hước cho thấy có vẻ như hai phụ huynh này muốn làm gương đọc sách cho con gái, và họ ý thức được rằng điều đó sẽ có tác động tích cực, khơi dậy tình yêu đọc sách của con. Đồng thời, họ cũng nhận thức rõ việc đọc sách truyền thống là rất cần thiết cho sự phát triển, bồi đắp tri thức, kỹ năng và tâm hồn đứa bé. Họ mong muốn con gái mình sẽ trở thành người yêu sách, đọc sách thật nhiều...

Ảnh minh họa/TTXVN.

Ảnh minh họa/TTXVN.

Trẻ em thường có hành vi bắt chước người lớn, nếu trong nhà có bố, mẹ, ông, bà và nhiều người lớn khác thường xuyên đọc sách, trẻ em sẽ bắt chước làm theo. Các hoạt động cùng con đi mua sách, đọc sách, trò chuyện, bàn luận về sách trong nhà mình đang ngày càng được nhiều gia đình trẻ duy trì, tạo nên nét văn hóa mới, đẹp trong đời sống. Nhưng chúng ta đã thấy, truyền thông trên các nền tảng, ứng dụng internet, media đang phát triển và phổ biến rộng khắp với tiêu chí nhanh hơn, mới hơn, hấp dẫn hơn và nhất là dễ dàng tiếp cận hơn... đã thu hút và chiếm dụng thời gian cùng sự quan tâm, chú ý của không chỉ trẻ em mà còn với cả người lớn. Trong bức ảnh nói trên, cảnh bố mẹ vờ đọc sách để xem smartphone tuy không phổ biến nhưng đã nói lên bản chất, nhu cầu và cách thức tiếp nhận tri thức, thông tin hiện giờ, đó là tận dụng ưu thế của các thiết bị điện tử. Bức ảnh không rõ nét nên có thể trong smartphone của hai phụ huynh kia là một bản ebook, chẳng hạn? Vẫn là cuốn sách ấy nhưng là bản điện tử, thì sao?

Khái niệm về sách giờ đây có lẽ cần được thay đổi, mở rộng, không còn chỉ là “tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in, đóng gộp lại thành quyển”, theo Từ điển tiếng Việt. Việc internet, smartphone, media cùng các thiết bị truyền thông điện tử khác đang ngày càng “áp đảo” sách, báo in truyền thống là thực tế khách quan, và là xu hướng trong tương lai. Chúng ta hoàn toàn có thể đọc sách mà không cần cầm sách. Rất có thể đến một ngày nào đó, sách giấy, báo in chỉ còn ý nghĩa là một kỷ niệm và là biểu tượng văn hóa lịch sử. Và giờ đây, sách, có thể được hiểu là bất cứ thứ gì lưu giữ, chứa đựng tri thức, thông tin được tập hợp thành hệ thống văn bản toàn vẹn, thống nhất. Sách sẽ trở thành ý niệm, không chỉ còn là đồ vật nữa.

Có lẽ chúng ta đang sống trong giai đoạn giao thời giữa sách in truyền thống và sách điện tử, sách công nghệ mới. Đó là những cuốn sách tích hợp được nhiều định dạng thông tin như text, video, audio... cần thiết đến các liên văn bản. Những cuốn sách trong tương lai có thể sẽ không còn mùi giấy mới, mùi mực in nữa. Và nội dung của các cuốn sách mới ấy, rồi cũng phải thay đổi: Hay hơn, bổ ích hơn, ngắn gọn hơn và hữu dụng hơn. Vì thế, người viết sách cũng phải thay đổi: Giỏi hơn, chuyên nghiệp hơn, dấn thân hơn vào công việc viết lách của mình.

Còn người đọc sách? Dĩ nhiên, họ vẫn cần được xây dựng thói quen đọc sách, bồi đắp tình yêu với sách vở, tri thức. Riêng điều đó vẫn không thể thay đổi: Bắt đầu từ trong gia đình, rồi đến nhà trường và xã hội. Người lớn làm gương cho trẻ em, hướng dẫn, động viên, cùng các em lớn lên, trưởng thành cùng sách.

TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/doc-sach-trong-tuong-lai-657736