Đốc thúc các dự án giao thông chậm trễ: Trên 'nóng' dưới không thể 'lạnh'
Hà Nội đang tồn tại không ít dự án giao thông có vai trò rất quan trọng nhưng lại chậm trễ nhiều năm.
Thành ủy, HĐND, UBND TP đã rất quyết liệt đôn đốc, sát sao để gỡ vướng cho từng dự án, nhưng sẽ khó đẩy nhanh được tiến độ nếu chủ đầu tư cũng như các sở, ngành, quận huyện không “tăng tốc”, bắt nhịp với quyết tâm của TP.
Vấn đề ở đâu?
Có thể kể ra hàng loạt dự án giao thông quan trọng của Hà Nội đang được triển khai với tốc độ rất chậm trễ như: Đại lộ Thăng Long kéo dài, Vành đai 1 - đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng TP làm chủ đầu tư); Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai, đường trục phía Nam, Vành đai 2,5 (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP làm chủ đầu tư)… Tất cả các dự án này đều đã kéo dài nhiều năm, gặp nhiều vướng mắc chưa giải quyết được.
Trong khi chờ dự án hoàn thành, TP phải gánh chịu những hệ lụy như: ùn tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường, gây bức xúc trong dư luận Nhân dân; đặc biệt là sự lãng phí. Một số dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) còn đẩy người dân vào cảnh sống bấp bênh, không ổn định về nơi ăn chốn ở trong suốt nhiều năm.

Dự án giao thông quan trọng Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) triển khai với tốc độ chậm trong nhiều năm qua. Ảnh: Hải Linh
Lý giải về những dự án này, chủ đầu tư cũng như nhiều sở, ngành, quận huyện đều cho rằng do nguyên nhân khách quan như: vướng mắc GPMB, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục phức tạp… Cũng chưa có cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm trước người dân, trước TP do sự chậm trễ, lãng phí kéo dài nhiều năm qua. Phải chăng các dự án đều bị xem là “cha chung không ai khóc”?
Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng đường giao thông khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (đường Phạm Tu), chỉ còn nút giao với đường Phan Trọng Tuệ, nhưng “án binh bất động” nhiều năm qua, biến cả khu vực thành một “chảo lửa” giao thông, ùn tắc nghiêm trọng, gây nhức nhối cho người dân. Đến nay chưa ai phải chịu trách nhiệm cho những hệ lụy này. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho dự án…
Hay dự án Đại lộ Thăng Long kéo dài, dù được ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện nhằm đi trước đón đầu và tiếp sức cho sự phát triển của đô thị vệ tinh Hòa Lạc, sau khởi công cả năm trời vẫn chỉ loay hoay thi công trong một khu vực nhỏ, chưa đạt được bước tiến nào đáng kể, dù lãnh đạo TP Hà Nội liên tục đốc thúc.
Hoặc dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai, dù có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giải quyết ùn tắc giao thông, tạo động lực phát triển cho cả một khu vực rộng lớn nơi cửa ngõ phía Tây Thủ đô. Nhưng sau nhiều năm khởi công, dự án vẫn dang dở, thi công thì ít, gây bất an cho người dân khi qua lại công trường thì nhiều.
Điều đáng nói là, chính quyền TP liên tục đôn đốc, người dân mong ngóng, nhưng các dự án vẫn kéo dài tháng này qua năm khác. Trong khi đó, không ít dự án giao thông khác khó khăn, áp lực chẳng kém lại đạt được những bước tiến nhanh chóng, đáng khích lệ như dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân); hay dự án mở rộng đường Vanh đai 2 (cả trên cao và dưới thấp) đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy trước đây. Phải chăng vấn đề của các dự án giao thông chậm trễ không nằm ở nguyên nhân khách quan, mà ở chính những người làm dự án?
Cần làm rõ trách nhiệm
Hà Nội đang ngày càng chịu áp lực nặng nề hơn về giao thông, ùn tắc diễn biến phức tạp ở nhiều nơi. Hơn bao giờ hết, TP cần hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình giao thông quan trọng, cần tháo gỡ những điểm nghẽn do chính những công trình đó tạo nên.
Thành ủy, HĐND, UBND TP đã đặt quyết tâm rất cao đẩy nhanh tiến độ dự án: đường Phạm Tu; Vành đai 2,5; đường trục phía Nam; Quốc lộ 6; Đại lộ Thăng Long kéo dài, Quốc lộ 1A… Ngoài ra hàng loạt dự án lớn khác cũng đang bắt đầu khởi động, đòi hỏi phải có hệ thống hạ tầng đồng bộ nhằm phát huy hết năng lực. Không thể để các dự án nêu trên chậm trễ hơn nữa, TP cần mạnh tay hơn, làm rõ trách nhiệm những chủ đầu tư, địa phương yếu kém trong thực hiện dự án.
Cần đặt mục tiêu và giới hạn rõ ràng, yêu cầu các đơn vị, cá nhân phải hoàn thành nhiệm vụ vì mục tiêu chung của TP, chấm dứt tình trạng dự án dây dưa kéo dài gây lãng phí và bức xúc trong dư luận Nhân dân. TP đã có những Ban Quản lý dự án chuyên trách thực hiện dự án, giao các địa phương công tác GPMB. Những vướng mắc kéo dài nhiều năm qua không chỉ do cơ chế, chính sách, hay do thiếu sự đồng thuận từ Nhân dân, mà còn do năng lực và tinh thần của đội ngũ làm dự án. Nếu không quy trách nhiệm, không xử lý sẽ khó tạo động lực thực tế.
Bên cạnh đó cần huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể xã hội vào cuộc một cách thực chất, mạnh mẽ. Tồn tại lớn nhất của các dự án giao thông hiện nay là vướng mắc GPMB. Nếu có sự tham gia tích cực của cả đoàn thể xã hội, hệ thống chính trị địa phương làm hết sức, hết mình sẽ nhanh chóng tháo gỡ được khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình. Dường như lâu nay vai trò của các đoàn thể chính trị, xã hội địa phương chưa được phát huy tối đa trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân ủng hộ dự án, đồng thuận trong GPMB.
Cùng với đó có thể còn có tâm lý e ngại, không dám nghĩ, dám làm trong cán bộ địa phương, đơn vị thực hiện dự án. Nếu không có sự thay đổi ngay chính trong tâm lý, tinh thần trách nhiệm của cán bộ thì dù cơ chế, chính sách thông thoáng đến đâu cũng khó lòng tháo gỡ khó khăn.
Muốn TP phát triển mạnh mẽ, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước; hơn nữa giải quyết ùn tắc giao thông là 1 trong 2 nhiệm vụ lớn đã được T.Ư giao cho TP. Cả nước cũng như Hà Nội đang nỗ lực “vừa chạy, vừa xếp hàng” để bước vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không thể tiếp diễn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Hơn lúc nào hết, mỗi cá nhân, đơn vị phải quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ nói chung và triển khai các dự án giao thông nói riêng để sớm hoàn thành những công trình còn dang dở, đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.