Dốc toàn lực cho Điện Biên Phủ toàn thắng
Điện Biên Phủ - nơi cách đây 70 năm trước đã rền vang tiếng súng của quân và dân Việt Nam trút xuống đầu quân xâm lược Pháp, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, làm nên chiến công 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Trong mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc, Thanh Hóa tự hào là địa phương đóng góp to lớn sức người, sức của cho chiến dịch toàn thắng.
Chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, dân công Thanh Hóa vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Điện Biên nằm ở đại ngàn Tây Bắc nên tướng Na-va đã quyết định chọn nơi đây làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Na-va cho rằng Điện Biên là một tỉnh miền núi hiểm trở, lại ở cách xa hậu phương nên việc vận chuyển lương thực sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ông ta cũng đã tính toán rằng: Mỗi dân công Việt Nam mà ông thường gọi bằng một từ miệt thị là một “cu ly” Việt Minh có thể vận chuyển trung bình mỗi người từ 10 đến 20kg lương thực vào mặt trận thì cả quãng đường đi đó đã ăn hết, chỉ dư ra từ 0,8 đến 2kg, không đủ để phục vụ cho chiến dịch. Ngược lại, quân đội Pháp với cầu hàng không hiện đại chỉ cần 90 phút đã có 5 tấn hàng đáp xuống Sân bay Mường Thanh.
Đúng như tính toán của thực dân Pháp, quân và dân cả nước bước vào cuộc chiến với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong những khó khăn ấy, nổi lên và gay gắt nhất là vấn đề hậu cần. Làm thế nào để cung cấp đầy đủ lương thực, vũ khí, đạn dược cho một binh lực lớn ở cách xa hậu phương 500 – 600km trong một thời gian dài và trong điều kiện rất khó khăn về giao thông khi phải vừa đi vừa mở đường, sửa đường; phương tiện vận chuyển thiếu thốn, thô sơ; quân địch lại thường xuyên trinh sát, bắn phá. Ấy là chưa kể đến điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền núi phía Bắc vào thời điểm cuối xuân đầu hạ, thường có những đợt mưa rào mà sức tàn phá có thể còn mạnh hơn cả bom đạn. Tại hội nghị lịch sử ngày 26/1/1954, đồng chí chủ nhiệm hậu cần của chiến dịch đã xác định: “Đánh thế nào cũng phải tính đến khả năng bảo đảm tiếp tế. Nhiều khi gạo là tư lệnh, là yếu tố quyết định”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã có thời điểm phải giao việc chỉ huy tác chiến cho đồng chí tham mưu trưởng, dành mấy ngày liền để trực tiếp chỉ đạo công tác hậu cần, bàn biện pháp đưa nhanh gạo ra chiến trường.
Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cùng với cả nước, quân, dân Thanh Hóa đã một lòng, một dạ hướng về Điện Biên. Sau khi nhận được kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã họp và ra nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung mọi sức lực thực hiện chủ trương, kế hoạch chiến lược của Trung ương đề ra”. Hội đồng chi viện tiền tuyến của tỉnh cũng nhanh chóng được thành lập để huy động lương thực, thực phẩm, đồng thời khẩn trương xây dựng hệ thống kho trạm trên khắp tuyến vận tải, huy động lực lượng thanh niên xung phong mở thông tuyến đường 41 lên Điện Biên Phủ, sửa đường, làm cầu cho bộ đội, dân công ra tiền tuyến.
Vượt qua muôn vàn gian khó của một địa phương vừa cách xa tiền tuyến, vừa vào thời gian giáp hạt, lại vừa bị địch quấy phá, cán bộ, Nhân dân Thanh Hóa từ miền xuôi đến miền ngược bước vào trận tuyến hậu cần Điện Biên Phủ với khí thế sục sôi. Cùng với cuộc đấu tranh triệt để giảm tô giảm tức, thực hiện cải cách ruộng đất, gặt mùa xong, đồng bào hăng hái nhập kho thóc tốt, thóc khô. Ngày đêm các mẹ, các chị, các em thiếu nhi xay lúa giã gạo. Các cụ phụ lão chẻ tre vót nan, đan bồ tiếp vận. Đồng bào miền biển nhộn nhịp đánh cá, làm muối, đóng gói thực phẩm. Đồng bào miền núi đốn gỗ, chặt nứa dựng lán trại, làm kho, bắc cầu. Công nhân các xưởng quân giới miệt mài sản xuất, quyết không để chiến sĩ ta ngoài mặt trận thiếu đạn, thiếu súng. Các xưởng diêm, dệt, giấy, dược, in, tăng ca tăng giờ sản xuất. Anh chị em dân công chuẩn bị quang gánh, hăm hở lên đường.
Trên mặt trận hậu cần, công tác vận tải được coi là một nhiệm vụ quan trọng nhưng nhiều khó khăn, phức tạp. Tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch cho từng huyện và quy định: Các huyện phía Bắc sông Chu giao hàng tại cụm kho Cẩm Thủy; các huyện phía Nam sông Chu giao hàng tại cụm kho Lược (Thọ Xuân). Từ 2 cụm kho này, tỉnh lập tuyến vận tải 80, gọi là tuyến vận tải tiền phương. Trên 300 cán bộ các cấp, các ngành chia ra phụ trách nhiều trạm. Phong trào thi đua tăng năng suất được phát động trên khắp các tuyến vận tải. Cả một hậu phương lớn tuôn người, tuôn của ra mặt trận để cùng bộ đội tiêu diệt quân địch. Tuyến vận tải 80 Thanh Hóa đã hoàn thành vượt mức về thời gian và nhiệm vụ, đưa năng suất vận chuyển của toàn tuyến lên 150% định mức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt 1.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng dội bão lửa tiêu diệt cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập. Đảng ủy cung cấp mặt trận ra lời kêu gọi: “Súng ta đã nổ, đạn ta không thể thiếu. Bộ đội ta đã đánh, ăn không thể thiếu. Quân ta đã tiến, quyết không thể ngừng”. Cán bộ, chiến sĩ, dân công Thanh Hóa đã dốc toàn lực phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, không ngại gian khổ, mệt nhọc, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Bước vào đợt 2 của chiến dịch, tuy đang phải tập trung chống hạn nhưng hàng nghìn dân công Thanh Hóa vẫn qua Hòa Bình, ngược Sơn La vận chuyển 1.000 tấn gạo, 165 tấn thực phẩm ra mặt trận, hoàn thành kế hoạch vào ngày 17/4/1954, vượt thời gian quy định 3 ngày.
Đoàn quân xe thồ của Thanh Hóa vận chuyển lương thực, thực phẩm lên mặt trận được tái hiện tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Đợt 3 là giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc chiến. Trung ương giao Thanh Hóa huy động 2.000 tấn gạo, 292 tấn thực phẩm. Đây là thời kỳ giáp hạt, thóc dự trữ không còn, lúa cũng chưa đến ngày thu hoạch, Nhân dân Thanh Hóa đã “dốc bồ, đổ thúng” để kho lương thêm hạt gạo nuôi quân. Người người ra đồng tỉa từng dẻ lúa vàng, chín trước ở đầu bông để có đủ lương thực phục vụ chiến trường. Chỉ riêng đợt 3, dân công Thanh Hóa đã vận chuyển cho chiến trường tới 10.000 tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục tấn súng ống, đạn dược, kịp thời để bộ đội ta ăn no đánh thắng.
Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động được 34.927 tấn lương thực, vượt gần 7.000 tấn so với số lương thực Trung ương giao. Thực phẩm là 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu các loại, 450 tấn cá khô, 20.000 lọ nước nắm cùng hàng trăm tấn rau các loại. Số xe đạp thồ lên tới 16.000 chiếc, 1.126 thuyền, 31 ô tô. Lịch sử đã ghi nhận chiến thắng Điện Biên Phủ với sự góp công rất lớn của những “chị gánh, anh thồ” huyền thoại. Nhiều dân công quê hương Thanh Hóa trở thành kiện tướng vận chuyển như các ông Ma Văn Kháng, Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc... nổi tiếng cả nước được nhiều người ngưỡng mộ.
Không chỉ là hậu phương lớn cung cấp lương thực, thực phẩm, Thanh Hóa còn là hậu phương lớn chi viện về sức người cho tiền tuyến. Ngày ấy, Nhân dân Thanh Hóa đâu đâu cũng rầm rộ khí thế “tất cả vì Điện Biên Phủ”. Càng về sau, yêu cầu của chiến trường đòi hỏi ngày càng lớn, dân công, thanh niên xung phong, tân binh lên đường càng đông. Cả 3 đợt của chiến dịch, Thanh Hóa đã huy động 178.924 dân công dài hạn và ngắn hạn, gần bằng 70% toàn chiến dịch. Số thanh niên lên đường tòng quân là 18.890 người, bằng cả 7 năm trước đó. Những người con quê hương Thanh Hóa chân trèo, vai vác, có mặt ở nhiều đại đoàn chủ lực trực tiếp tiến quân vào Điện Biên và tham gia nhiều trận đánh vào các cứ điểm quan trọng của địch. Lực lượng gái, trai khỏe mạnh bám sát bước chân bộ đội chiến đấu bên chiến hào Điện Biện Phủ. Hàng ngàn dân công Thanh Hóa sau khi hoàn thành nhiệm vụ của tuyến vận tải tiền phương đã xung phong đi tiếp tế cho bộ đội vào sát trận địa. Tấm gương Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo đã cổ vũ mạnh mẽ cho đồng đội thi đua giết giặc lập công. Nhiều anh hùng liệt sĩ cùng hàng nghìn dân công hỏa tuyến quê hương Thanh Hóa đã ngã xuống trên các nẻo đường. Máu của các cô bác, anh chị đã thấm đỏ trên những cung đường, nhuộm thắm màu cờ trên nóc hầm tướng Đờ-cát ngày 7/5/1954, góp phần làm nên bản anh hùng ca bất tử của mọi thời đại.
“Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Đó là sự ghi nhận xứng đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những đóng góp vô cùng to lớn của quân, dân Thanh Hóa, góp phần tô thắm trang sử vàng oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: Thu Vui
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Thanh Hóa với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” (NXB Thanh Hóa-2014) và “Bộ sưu tập thông tin tư liệu báo chí chuyên đề” (Thư viện tỉnh Thanh Hóa).