Dốc tổng lực để có mặt bằng sạch đúng tiến độ - Bài 1
Cho đến thời điểm này, hầu hết các địa phương có đường Vành đai 4 đi qua, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đều đang dốc toàn lực để có thể khởi công trong tháng 6 như đúng kế hoạch và giải phóng mặt bằng đã được xác định là khâu 'trọng điểm của trọng điểm'.
Tháng 6/2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo Nghị quyết, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đầu tư, tạo không gian phát triển mới và khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Cho đến thời điểm này, hầu hết các địa phương có đường Vành đai 4 đi qua, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đều đang dốc toàn lực để có thể khởi công trong tháng 6 như đúng kế hoạch và giải phóng mặt bằng đã được xác định là khâu “trọng điểm của trọng điểm”.
Khâu "trọng điểm của trọng điểm”
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng và vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án sẽ đi qua địa phận 3 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia; có ý nghĩa rất quan trọng, khắc phục một trong những hạn chế lớn nhất của Vùng Thủ đô nhiều năm qua là khả năng liên kết; tạo động lực mới mang tính chiến lược trong phát triển của Thủ đô và Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đối với bất kỳ dự án đầu tư, xây dựng nào, giải phóng mặt bằng luôn là khâu đầu tiên, trọng điểm nhất. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (đường Vành đai 4) cũng không ngoại lệ. Thậm chí, giải phóng mặt bằng ở dự án này còn được coi là khâu “trọng điểm của trọng điểm”.
Tính đến thời điểm này, theo lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Hà Nội tự tin sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án Dự án đường Vành đai 4 đúng như kế hoạch vào ngày 30/6 tới. Tổng số tiền dành giải phóng mặt bằng, xây dựng khi tái định cư dự án đường Vành đai 4 là 13.362 tỉ đồng, bao gồm cả nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 11.252,58 tỉ đồng; di chuyển điện cao thế từ 110kV đến 500kV là 530,02 tỉ đồng; xây dựng các khu tái định cư là 960,87 tỉ đồng; chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư tổng thể là 7,58 tỉ đồng; các chi phí khác liên quan của dự án đầu tư tổng thể là 611,19 tỉ đồng.
Nhìn vào mức kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng và tái định cư, có thể thấy khối lượng công tác giải phóng mặt bằng của Hà Nội rất lớn, trong đó nhiều phần việc khó khăn vẫn còn ở phía trước như di dời mồ mả, trụ sở cơ quan, trường học, công trình điện...
Trong khi đó, tiến độ Quốc hội đề ra, cũng như đã ghi rõ trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.
Tính đến thời điểm này, tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án khá thuận lợi và không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo. Điều này thể hiện sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân trước một dự án trọng điểm quốc gia. Xác định phải có mặt bằng mới hoàn thành đúng tiến độ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lần đi kiểm tra dự án đầu năm cũng đã yêu cầu TP Hà Nội và các bộ, ngành trung ương phải tranh thủ sự ủng hộ của người dân, làm ngày làm đêm để giải phóng mặt bằng. “Khi có mặt bằng thì dù thời gian thi công có gấp, chúng ta tập trung tổ chức “3 ca, 4 kíp”, tiến độ vẫn có thể hoàn thành. Nhưng giải phóng mặt bằng không đạt yêu cầu thì không làm gì được”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Người dân mong sớm ổn định cuộc sống
Chúng tôi có mặt tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín vào đúng dịp người dân đến làm thủ tục nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Không khí khá náo nhiệt, các hộ dân được hướng dẫn làm thủ tục nhanh gọn. Ông Nguyễn Duy Binh, xóm 4, thôn Vân Hội chia sẻ, gia đình ông có 3 thửa ruộng với tổng diện tích thu hồi trên 1.200m2, số tiền đền bù tương đương 1.063.503.160 đồng. Dù đã trên 70 tuổi song ông Binh vẫn minh mẫn đi một mình lên xã làm các thủ tục.
Cũng tương tự ông Binh, gia đình ông Nguyễn Chí Tuấn có tổng hơn 2 sào ruộng bị thu hồi trong đợt này. “Hôm nay tôi lên làm thủ tục nhận đền bù 551 triệu đồng. Trước đây, dù có đất nhưng mỗi năm canh tác chỉ được 8-9 tạ thóc. Bây giờ, với số tiền đền bù nhận được, vợ chồng tôi tính gửi tiết kiệm. Tính ra với lãi suất 7,2% năm gửi vào Ngân hàng Agribank thì mỗi tháng cũng có thêm hơn 3 triệu đồng. Dù số tiền đó không nhiều nhưng gia đình cũng cảm thấy ổn định hơn trong thời buổi khó khăn này. Mong muốn của chúng tôi là sớm ổn định cuộc sống. Được nhận tiền đền bù gia đình sẽ đỡ khó khăn”, ông Tuấn cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Văn Bình cho biết, xã là 1 trong 9 xã của huyện Thường Tín đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua và có diện tích cần giải phóng mặt bằng lớn nhất huyện. Để thực hiện Dự án đường Vành đai 4, xã Văn Bình phải thu hồi là 340.600m2, có 45 hộ dân thuộc diện giải tỏa, tái định cư với tổng diện tích thu hồi đất là 4.225m2; 69 hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi với tổng diện tích 73.705,5m2; 1.677 ngôi, đến nay đã di chuyển 1450 mộ, còn 227 mộ chưa di chuyển (trong đó có 92 mộ có chủ và 118 mộ vô chủ không có người nhận và 17 mộ cải táng). Do có số lượng mộ cần di dời rất lớn, xã đề xuất TP xây dựng một khu quy tập mộ riêng trên diện tích 3,7ha.
Ông Tiến cho biết, ban đầu, một số hộ gia đình còn băn khoăn, chưa đồng thuận di dời, nhất là những khu mộ của các dòng họ, song với tinh thần cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước nên nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tại khu quy tập mộ, chúng tôi gặp anh Đào Xuân Thắng (xã Giáp Hội), là gia đình có 3 mộ nằm trong diện phải di dời đợt này. Ngày 10/4 vừa qua, anh đã hoàn thành việc di dời và xây mộ cho ông bà tổ tiên. Anh chia sẻ: “Chuyển được mộ các cụ về an nghỉ tại khu quy tập cũng thấy yên lòng hơn, vì ở đây sạch sẽ, thoáng mát, cao ráo, quy củ”.
Tuy nhiên, anh Thắng cũng băn khoăn: Dù cơ quan chức năng có hỗ trợ kinh phi di dời mộ, song do gia đình anh muốn xây dựng kiên cố và chắc chắn nên đã phải bù thêm tiền, gần gấp đôi so với số tiền dự kiến hỗ trợ. Ngoài ra, vì nằm bên cạnh có một ngôi mộ vô chủ, nên gia đình anh di chuyển luôn. Việc này anh có báo cáo với xã, nhưng không biết có được hỗ trợ hay không.
Tại quận Hà Đông, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết, địa phương hiện có 121 hộ gia đình, cá nhân có tổng diện tích đất nông nghiệp còn lại sau thu hồi là 3.190m2, có nguyện vọng đề nghị Nhà nước thu hồi nốt. Bởi diện tích đất còn lại sau thu hồi của các hộ dân nhỏ hơn 50m2 hoặc lớn hơn 50m2 nhưng thuộc diện “siêu mỏng, siêu méo”.
Đơn cử, có những trường hợp, thửa đất có mặt tiền rộng 30-40m nhưng chiều sâu so với chỉ giới thu hồi chỉ khoảng 1,5-2m. Tuy nhiên, theo quy định của TP hiện chỉ cho phép UBND các quận, huyện được phép thu hồi phần diện tích lớn hơn hoặc bằng 50m2, chéo méo, khó canh tác còn thừa lại sau khi đã thu hồi theo quy định trên nguyên tắc các quận, huyện phải phối hợp với chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục xác định lại chỉ giới diện tích thu hồi theo quy định và chỉ giới thu hồi đất xen kẹt, chéo, méo giao cho địa phương quản lý…
Theo đồng chí Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông, trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo quy định; đảm bảo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ và tái định cư, di chuyển mộ đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã xây dựng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục; tiến hành lập biên bản, ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo điều 71 Luật Đất đai đối với những trường hợp cố tình chống đối, không nhận kinh phí bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng (nếu có).