Đôi bàn chân của má

Ngày còn nhỏ, những trưa rảnh rỗi, tôi ngồi dựa vào lòng má để má bắt chấy. Bàn tay nghịch cứ săm se ngón chân má. Từng ngón chân chai sạm. Móng chân cứng bám sâu vào từng ngón, mũi móng chân cong lên, đen sì. Má nói, móng chân cong lên là tướng của những người chịu nhiều vất vả.

Chân má phải lội xuống bùn dặm lúa ngoài đồng. Khi chăn trâu, bàn chân kia phải lội dọc mương cắt từng bụi môn nước, thứ môn mọc hoang, mủ dính vào tay ngứa không tưởng. Má cắt, má bó, tối lại chong đèn ngồi xắt bỏ vào nồi cám heo. Mùa đậu, đôi bàn chân ấy lại đứng trụ giữa cát nắng phỏng của miền Trung cuốc cỏ, nhổ đậu. Hết mùa đậu, má lại lên rẫy. Con đường rẫy dốc đá cùng đất sét trơn trượt, từng ngón chân gắng gượng bám vào đất để khỏi bị ngã. Ngón chân khum khum, choãi ra, má bảo là bàn chân Giao Chỉ. Bởi còn nhỏ nên tôi nào biết đó là bàn chân mang tâm thức nguồn cội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bụi đất, bùn lầy làm cho từng móng chân dày cứng, đen mốc. Tôi đưa chân mình lại sát chân má. Lạ kì. Gót chân má nứt nẻ từng đường. Cái gót chân chai sần. Da gót chân cứng lắm. Tôi lấy tay véo vào, má vẫn không cảm giác. Từng vết nứt như rãnh sâu vào da. Những đường nứt nẻ đen đúa.

Mùa mưa, má lội ruộng, dầm hàng ngày trong nước khiến gót chân sưng lên. Tối đến, chân đau má không ngủ được. Má trở mình dậy, lấy dầu cao sao vàng xoa vào những chỗ ngứa, đau nhức. Tôi dần quen với tiếng sột soạt, dáng mẹ gày gò, ngồi loay hoay xoa chân hàng đêm. Thỉnh thoảng, thấy má ngâm chân vào nước ấm. Đôi khi má nấu nước chè đậm, nước lá chuối chát, lá gai đa đa hay lá khế để ngâm cho đỡ ngứa. Họa lắm mới có một bữa ngâm nước muối. Nhà mình nghèo, muối đôi khi còn thiếu để ăn. Và như thế, đôi chân nước ăn đó cứ theo má. Những móng chân đen dày, với gót chân sần chai, nứt nẻ đó đã ám ảnh trong con. Và như thế tiếng gãi sột soạt đó cứ theo vào những giấc ngủ của tôi qua tuổi thơ dài.

Anh chị tôi trưởng thành, bước chân xuống phố, má lò dò ra tận ngõ trong sớm sương còn nhập nhoạng để tiễn con. Rồi tôi cũng xuống phố trong một sớm thu se lạnh, má cũng ra tận đầu con dốc. Đôi bàn chân ấy chậm chạp quay về trong tiếng gà giục sớm mai. Những năm tháng tha hương học tập, làm việc, thỉnh thoảng có đôi lần về quê, rồi vội vội, vã vã ra đi, tôi như quên dần đôi bàn chân chai sạm, nước ăn của má. Tôi đâu biết rằng, những ngày mình dạo bước nơi quảng trường, trên giảng đường, ngồi trong quán cà phê máy lạnh thì đôi bàn chân má vẫn phải lên rẫy, phải ra đồi, phải lội ruộng, phải gánh gồng mưu sinh cho gia đình.

Đến sớm mai, tình cờ khi rửa mặt, tôi phát hiện trên tay mình có vết chai. Tự nhiên, những vết chai trên bàn chân má lại hiện về, nỗi niềm xưa cũ lùi dần vào kí ức bất chợt sống lại nguyên vẹn. Nhớ những ngón chân xương xương, choãi ra. Nhớ những cái móng chân đen đen với đầu móng chân cong lên. Nhớ những vết nứt dưới gót chân thành rãnh sâu chai sạm. Từng vết nứt như từng vết cứa trong tâm hồn một rãnh sâu khôn tả.

Má ơi! Đôi bàn chân má, đôi bàn chân phong sương với con mãi là niềm kiêu hãnh. Đôi bàn chân má dãi dầu nắng mưa cuộc đời để nuôi chúng con khôn lớn, trưởng thành. Mỗi bước chân thành công của chúng con ngày hôm nay luôn in dấu đôi bàn chân của má.

Thanh Tuân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doi-ban-chan-cua-ma-147594.html